Đường sắt cao tốc Bắc – Nam sẽ hoàn thành xây dựng trong 8 năm
Bộ GTVT đề xuất thời gian triển khai xây dựng dự án đường sắt cao tốc Bắc – Nam trong vòng 8 năm, liệu đề xuất này khó khả thi?
Theo dự thảo báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam, Bộ GTVT đề xuất phương án đầu tư tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam với vận tốc thiết kế 350km/h và cơ bản hoàn thành trong năm 2035.
Thời gian hoàn thành dự án trên là thay đổi lớn của cơ quan nghiên cứu, bởi các đề xuất trước đều đặt mục tiêu hoàn thành dự án vào năm 2045.
Hai phương án phân kỳ đầu tư
Theo Bộ GTVT, Liên danh tư vấn TEDI-TRICC-TEDIS đưa ra hai phương án đầu tư dự án. Phương án 1, đầu tư toàn tuyến để cơ bản hoàn thành trong năm 2035. Cụ thể, đoạn Hà Nội - Vinh và Nha Trang - TP.HCM khởi công năm 2027 và đưa vào khai thác năm 2033; đoạn Vinh - Nha Trang khởi công năm 2028 hoàn thành năm 2035, khai thác năm 2036.
Ưu điểm phương án 1 là phát huy hiệu quả và thu hút toàn bộ hành khách đi lại trên tất cả các cung đoạn ngay khi đưa vào khai thác. Nhược điểm của phương án này là áp lực về vốn cao hơn.
“Tuy nhiên, Bộ GTVT đã phối hợp với Bộ Tài chính đánh giá và cho thấy có khả năng cân đối vốn cho dự án để đầu tư toàn tuyến…”- Bộ GTVT cho hay.
Dự kiến Việt Nam sẽ khởi công dự án đường sắt cao tốc Bắc – Nam vào năm 2027. Ảnh sử dụng công nghệ AI. Ảnh: V.LONG
Phương án 2, đoạn Hà Nội - Vinh và TP.HCM - Nha Trang được đầu tư như phương án 1, nhưng đoạn Vinh - Nha Trang thời gian bắt đầu khởi công từ năm 2033 và khai thác vào năm 2040.
Phương án này có ưu điểm là áp lực về vốn và tổ chức thực hiện không quá lớn do được phân kỳ đầu tư. Nhược điểm của phương án trên là giai đoạn đầu chưa khai thác toàn tuyến sẽ làm giảm hiệu quả tổng thể đầu tư dự án.
Trên cơ sở kết quả phân tích đánh giá, Bộ GTVT đề xuất chọn phương án 1.
Với phương án trên, dự án có thời gian chuẩn bị đầu tư và xây dựng mất 10 năm, rút ngắn 10 năm so với kết luận 49 của Bộ Chính trị là đưa dự án hoàn thành trong năm 2045.
Tuy nhiên, đi kèm với quyết tâm trên, Bộ GTVT đề xuất nhiều nhóm cơ chế chính sách đặc thù, đặc biệt. Trong đó có 15 nhóm chính sách thuộc thẩm quyền Quốc hội và 5 nhóm chính sách do Chính phủ quyết định.
Dự kiến tiến độ hoàn thành dự án.
Cần xem lại tính khả thi phương án đầu tư
Trao đổi với PV về việc lựa chọn phương án đầu tư trên, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Danh Huy, khẳng định trong các báo cáo cấp thẩm quyền Bộ GTVT đều xác định đây là những thách thức rất lớn.
“Trong đó, áp lực lớn nhất khi triển khai dự án vẫn là công tác giải phóng mặt bằng, đây là yếu tố ảnh hưởng lớn nhất đến tiến độ. Bởi lẽ thực tế có nhiều dự án xây dựng chỉ mất một hai năm, nhưng giải phóng mặt bằng mất nhiều năm, vì vậy cần sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị để dự án có thể hoàn thành đúng tiến độ”- Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Danh Huy nói.
Với đề xuất này, trong buổi thẩm tra ngày 14-10, ông Nguyễn Chí Dũng, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT, Chủ tịch Hội đồng thẩm định Nhà nước dự án đường sắt cao tốc Bắc – Nam, nhận định “tiến độ rất gấp”, nhất là trong bối cảnh công trình có quy mô lớn, phức tạp về công nghệ, chưa từng có tiền lệ.
“Liệu Bộ GTVT đề xuất rút ngắn thời gian triển khai dự án từ 20 năm xuống 10 năm có khả thi ?”- ông Nguyễn Chí Dũng nói và dẫn chứng dự án Cát Linh - Hà Đông mất 13 năm xây dựng, Bến Thành - Suối Tiên triển khai làm 17 năm chưa xong “và tiếp tục kéo dài sang năm thứ 18 - 19”.
Một trong những nguyên nhân các dự án hiện nay chậm là do công tác giải phóng mặt bằng và biện pháp thi công chưa hợp lý. "Vậy với dự án đường sắt trải dài từ Bắc tới Nam liệu có hoàn thành không. Tôi e là khó khả thi…”- ông Nguyễn Chí Dũng nói.
Trên cơ sở đó, ông Nguyễn Chí Dũng đề nghị Bộ GTVT, tư vấn lập dự án và các đơn vị liên quan phải xác định đầy đủ các yếu tố rủi ro và xây dựng các giải pháp xử lý nhằm đảm bảo tính khả thi về tiến độ theo yêu cầu của Bộ Chính trị và Ban chấp hành Trung ương.
Đường sắt cao tốc phải có hệ thống đấu nối tốt Ông Nguyễn Chí Dũng, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT, Chủ tịch Hội đồng thẩm định Nhà nước dự án đường sắt cao tốc Bắc – Nam, đề nghị Bộ GTVT và tư vấn lưu ý đến hệ thống đấu nối với dự án. Dẫn chứng dự án đường bộ, ông Nguyễn Chí Dũng nói đường nào có hệ thống đấu nối tốt đều phát huy được hiệu quả. “Vì vậy, dự án đường sắt này phải xây dựng thẳng nhất có thể là đúng rồi, nhưng cần xây dựng hệ thống đầu nối thì dự án mới hiệu quả”- ông Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh. |
Việc phát triển đô thị theo định hướng lấy giao thông công cộng làm trung tâm (TOD) là chìa khóa để Hà Nội hoàn thiện mạng lưới đường sắt đô thị, tạo...
Nguồn: [Link nguồn]