Đường sắt cao tốc Bắc - Nam: Các ga gần nhau, tàu có chạy được vận tốc 350km/h?

Sự kiện: Thời sự
00:00 / 0:00
Chuẩn
Tốc độ đọc

Bộ GTVT khẳng định tàu đường sắt cao tốc Bắc - Nam có thể chạy được vận tốc tối đa 350km/h và hoàn toàn vận hành được tàu hàng và tàu khách.

Theo đề xuất của Bộ GTVT, dự án đường sắt cao tốc Bắc - Nam mà Việt Nam dự kiến xây dựng sẽ hiện đại nhất hiện nay, với tốc độ 350km/h.

Tuy nhiên, một số quan điểm cho rằng với khoảng cách nhà ga dự kiến việc chạy tàu 350km/h khó khả thi. Trong khi đó, Bộ GTVT khẳng định tàu có thể đạt được tốc độ trên nếu...

Có ga chỉ cách nhau chưa đầy 30km

Liên danh Tư vấn TEDI-TRICC-TEDIS, cho biết dự án đường sắt cao tốc Bắc - Nam có chiều dài 1.541km, đi qua 20 tỉnh thành, với 23 ga hành khách, 5 ga hàng hóa.

Theo một chuyên gia giao thông, nếu tàu khách có tốc độ 350km/h, theo quy phạm khai thác đường sắt tốc độ cao, tổng quãng đường tăng tốc và giảm tốc trên một khu gian (khoảng cách giữa các nhà ga) chạy tàu giữa hai nhà ga lên tới 35km.

Trong khi đó, nhiều khu gian chạy tàu trên hành trình xuyên Việt chỉ có khoảng cách trên dưới 30km như các khu gian: Ngọc Hồi - Phủ Lý; Phủ Lý - Nam Định; Nam Định - Ninh Bình, dường như không đủ cự ly cho các quãng đường tăng tốc, giảm tốc theo quy phạm. Rất nhiều khu gian trừ đi các quãng đường tăng tốc giảm tốc, cũng chỉ còn có thể chạy tàu với tốc độ 350km/h không tới 10 phút, do vậy không có nhiều ý nghĩa.

Dự kiến Việt Nam sẽ khởi công dự án đường sắt cao tốc Bắc - Nam vào năm 2027. Ảnh sử dụng công nghệ AI. Ảnh: V.LONG

Dự kiến Việt Nam sẽ khởi công dự án đường sắt cao tốc Bắc - Nam vào năm 2027. Ảnh sử dụng công nghệ AI. Ảnh: V.LONG

Thêm vào đó, với 23 nhà ga, 22 khu gian chạy tàu, tổng quãng đường tăng tốc và giảm tốc kể trên lên tới 770km. Coi như 1/2 chiều dài toàn tuyến (770km/1.541km) đường sắt cao tốc Bắc - Nam làm ra chỉ để dùng cho việc tăng và giảm tốc.

“Không những thế, các quá trình tăng tốc, giảm tốc liên tục đã tiêu hao năng lượng quá lớn, cùng với đó là sự hao mòn thiết bị do phải thường xuyên làm việc quá mức dẫn đến tuổi thọ các cơ cấu động lực của phương tiện bị rút ngắn cần phải bảo trì thay thế thường xuyên, càng làm cho chi phí vận chuyển đội lên không thể trang trải…”- vị chuyên gia cho hay.

Đường sắt cao tốc Bắc - Nam: Các ga gần nhau, tàu có chạy được vận tốc 350km/h? - 2

Cự ly dự kiến giữa các ga đường sắt cao tốc. Ảnh: V.LONG

Cự ly dự kiến giữa các ga đường sắt cao tốc. Ảnh: V.LONG

Thêm vào đó, việc chạy tàu hỗn hợp trên đường sắt cao tốc nếu chênh lệch tốc độ giữa tàu khách và tàu hàng càng lớn, càng làm giảm năng lực thông qua và không đảm bảo an toàn chạy tàu.

Tàu sẽ chạy được tốc độ tối đa 350km/h nếu…

Trước lo ngại trên, ông Vũ Hồng Phương, Giám đốc Ban Quản lý dự án đường sắt, cho biết tuyến đường sắt cao tốc dự kiến bố trí 23 nhà ga hành khách, cự ly trung bình mỗi ga khoảng 67km.

Các nghiên cứu của chuyên gia trong và ngoài nước cũng cho thấy, nếu chúng ta sử dụng đoàn tàu động lực phân tán, thời gian tăng tốc để đạt từ 0h đến 320km/h chỉ mất thời gian 4 phút, với chiều dài 14km. Và cần thời gian 2,5 phút với quãng đường 7,5 – 8km để tàu có thể từ 320km/h dừng hẳn.

“Theo đó, chúng tôi kết luận việc tăng tốc và giảm tốc độ của tàu không ảnh hưởng đến tốc độ chạy tàu”- ông Phương cho hay.

Thời gian di chuyển giữa các nhà ga. Ảnh: V.LONG

Thời gian di chuyển giữa các nhà ga. Ảnh: V.LONG

Tuy nhiên, ông Phương cho rằng để tàu có thể đạt được vận tốc tối đa theo thiết kế thường chỉ dừng ở một vài ga.

“Kinh nghiệm tại tuyến Bắc Kinh - Thượng Hải (Trung Quốc) hay ở Đức, người ta tổ chức nhiều mác tàu trong cùng một ngày. Giờ cao điểm, dịp cao điểm tần suất, tốc độ chạy tàu cao. Suốt chặng tuyến, có những mác tàu được xây dựng biểu đồ chỉ dừng một vài ga…”- ông Phương dẫn chứng.

Giám đốc Ban Quản lý dự án đường sắt cũng cho biết đường sắt cao tốc chủ yếu dùng để chở khách và chở hàng nhẹ khi cần thiết. Tuy nhiên, việc chở hàng theo kinh nghiệm của các nước châu Âu chỉ thực hiện vào ban đêm khi nhu cầu đi lại của người dân giảm, để đảm bảo an toàn, không phải chạy xen lẫn giữa tàu khách và tàu hàng.

Đối với hàng hóa trọng tải lớn, hàng container sẽ sử dụng đường sắt hiện hữu và phương thức vận tải khác.

Cũng theo kinh nghiệm thế giới, các tuyến đường sắt tốc độ cao là trục chính, chiều dài lớn đều lựa chọn tốc độ 350km/h trở lên vì tính hiệu quả. Đồng thời, tốc độ chạy tàu này có khả năng thu hút khách đi tàu hơn là tốc độ 250km/h.

“Cụ thể, qua nghiên cứu trên chặng Hà Nội – TP.HCM tốc độ 350km/h có khả năng thu hút khách cao hơn khoảng 12,5% so với tốc độ 250km/h. Tương tự, chặng Hà Nội - Đà Nẵng và Hà Nội - Nha Trang khả năng thu hút khách cao hơn lần lượt 26,5% đến 23,8%”- ông Phương dẫn chứng.

Nói thêm về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Danh Huy, khẳng định cơ quan nghiên cứu đã tìm hiểu rất kỹ biểu đồ chạy tàu, và khẳng định với khoảng cách các nhà ga như dự kiến tàu hoàn toàn có thể chạy được tốc độ tối đa 350km/h.

Về việc chạy tàu hàng và tàu khách, lãnh đạo Bộ GTVT cho biết hiện Trung Quốc có tuyến Bắc Kinh - Thượng Hải đang chạy tàu hàng và tàu khách. Theo đó, trong nước cũng sẽ thực hiện chạy tàu hàng vào ban đêm. Trường hợp cần thiết chạy tàu hàng ban ngày phải điều chỉnh biểu đồ chạy tàu và giảm tốc độ tàu khách xuống.

Thêm vào đó, ông Huy thừa nhận hệ thống đường sắt mới chỉ chở được hàng nhẹ, hàng nặng không vận chuyển được vì tốc độ nhanh không đảm bảo an toàn.

Cũng theo ông Huy, vì những vấn đề trên mà 18 năm chúng ta chỉ bàn mà không triển khai được. Bản thân ông và cơ quan nghiên cứu phải “cắp sách đi học” 6 nước để tìm câu trả lời. "Đến giờ chúng tôi có thể khẳng định việc bố trí khoảng cách ga như hiện nay có thể chạy được tàu với vận tốc tối đa 350km/h, có thể chạy được cả tàu hàng và khách, đồng thời đảm bảo tính hiệu quả của dự án…”- ông Huy nhấn mạnh.

Ưu và nhược điểm của tốc độ chạy tàu 350km/h

Ưu điểm: Tốc độ chạy tàu 350km/h có khả năng cạnh tranh với các phương thức vận tải khác, phù hợp với tuyến có cự ly dài như tuyến Bắc - Nam.

Kết quả dự báo nhu cầu vận tải cho thấy, dự kiến đến năm 2035 đường sắt cao tốc đáp ứng khoảng 6 - 8% thị phần lượng luân chuyển vận tải hành khách trên hành lang Bắc - Nam và tiếp tục tăng lên nhanh chóng với thị phần khoảng 32 - 33% vào năm 2050.

Như vậy khi đó thị phần vận tải trên hành lang Bắc - Nam được tái cơ cấu theo hướng tối ưu và bền vững; mở ra không gian phát triển kinh tế mới; có khả năng vận tải một số hàng hóa đặc chủng phục vụ cho mục đích quốc phòng, an ninh…

Nhược điểm: Chi phí đầu tư hạ tầng tốc độ 350km/h cao hơn khoảng 8-9% so với tốc độ 250km/h, 20% so với tốc độ 200km/h, nhưng nếu không đầu tư ngay từ đầu việc nâng cấp sẽ rất tốn kém và không khả thi.

Dự án đường sắt Thủ Thiêm - Long Thành dài 41,8km, tốc độ thiết kế 120km/h…

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo VIẾT LONG ([Tên nguồn])
Thời sự Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN