Đường ống nước sông Đà gặp sự cố lần thứ 18
Đường ống nước sạch từ sông Đà (Hòa Bình) về Hà Nội gặp sự cố khiến nhiều hộ dân ở Thủ đô Hà Nội không có nước dùng.
Sự cố vỡ đường ống lần thứ 10 xảy ra ở km 21+300, xã Ngọc Liệp, huyện Quốc Oai, Hà Nội (ảnh minh họa). Ảnh: Nguyễn Đức
Trong thông báo phát đi ngày 11/7, ông Cao Hải Tháp, Phó Tổng giám đốc Công ty cổ phần ViWaco (đơn vị mua nước sạch sông Đà) cho biết, cùng ngày, Công ty cổ phần nước sạch Vinaconex (đơn vị quản lý và vận hành đường ống nước sông Đà ) có thông báo đường ống nước sông Đà gặp sự cố tại Km 27+600, đường Đại Lộ Thăng Long.
Do vậy, người dân Thủ đô ở khu vực Tây Nam của Hà Nội sẽ bị ngừng cấp nước từ 14h30 phút ngày 11/7. Dự kiến cấp nước sạch trở lại cho người dân từ 00h ngày 12/7.
Tối 11/7, phóng viên liên hệ qua điện thoại với lãnh đạo Công ty cổ phần nước sạch Vinaconex, tuy nhiên lãnh đạo không nghe máy.
Được biết Công ty cổ phần nước sạch Vinaconex cấp nước sạch cho khoảng 70.000 hộ dân ở các quận Thanh Xuân, Hoàng Mai, một phần của quận Hà Đông và Cầu Giấy…
Đây là lần thứ 18 đường ống nước Sông Đà gặp sự cố (kể từ tháng 12.2012 đến nay). Lần gần đây nhất, vết vỡ cũng tại Km 22, huyện Thạch Thất ngày 31/12/2015.
Sau nhiều lần vỡ đường ống, đến sáng 7/10/2015, Hà Nội đã khởi công dự án cấp nước chuỗi đô thị Sơn Tây - Hòa Lạc - Xuân Mai - Miếu Môn - Hà Nội - Hà Đông giai đoạn 2, nâng công suất lên 600.000 m3/ngày đêm.
Vật liệu của tuyến ống nước số 2 được làm bằng gang dẻo. Tổng mức đầu tư giai đoạn 2 dự án gần 5.000 tỷ đồng, trong đó kinh phí dành cho đoạn tuyến 21km làm trước khoảng 1.200 tỷ đồng.
Sau nhiều lần vỡ đường ống, ngày 19/6/2014, Bộ Xây dựng đã có văn bản cho biết nguyên nhân trực tiếp gây vỡ tuyến ống truyền tải nước Sông Đà là do chất lượng ống không đồng đều. Ngày 14/7/2015, 7 cán bộ thuộc Công ty cổ phần Ống sợi thủy tinh Vinaconex, Ban quản lý dự án cấp nước Sông Đà, cùng một số đơn vị liên quan bị khởi tố về hành vi “Vi phạm quy định về xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng”. Việc đường ống nước sạch Sông Đà liên tục vỡ trong 3 năm qua (kể từ cuối năm 2012 - 2015) đã gây thất thoát gần 1,3 triệu mét khối nước, phải mất hơn 9,3 tỷ đồng để khắc phục, sửa chữa. |