Đường hầm sông Sài Gòn thấm “ở mức cho phép”
Việc sửa chữa thấm cùng công tác duy tu, bảo dưỡng định kỳ đường hầm dự kiến hoàn thành trong tháng 8/2012.
Sáng 7/8, Ban Quản lý Đầu tư Xây dựng Công trình Giao thông đô thị TPHCM (gọi tắt là Ban Quản lý) đã có công văn phản hồi thông tin về nghi vấn đường hầm sông Sài Gòn thấm nước. Theo đó, những vết trám trét trên nóc hầm được Ban Quản lý xác nhận là các vị trí thấm phát sinh trong quá trình khai thác đường hầm.
Vết thấm mới phát sinh
Ông Lương Minh Phúc, Trưởng Ban Quản lý, cho biết theo kết quả quan trắc của Tư vấn Giám sát Oriental Consultants (OC), trong phạm vi đường hầm sông Sài Gòn hiện có một số vị trí thấm phát sinh cần sửa chữa. Đây là các vị trí thấm ở mức độ nhẹ, nằm trong giới hạn cho phép và xuất hiện trong giai đoạn đưa vào sử dụng (không trùng lắp với các vị trí thấm đã được sửa chữa trước đây). Hội đồng Nghiệm thu Nhà nước cũng đã kiểm tra và thông qua quy trình sửa chữa.
Các vết thấm đã được khắc phục trong đường hầm sông Sài Gòn
Các hình ảnh được báo chí phản ánh ngày 7/8 chính là các công đoạn của quá trình xử lý thấm nêu trên và được thực hiện bởi nhà thầu Obayashi (Nhật Bản - đơn vị thi công đường hầm sông Sài Gòn).
Hiện việc sửa chữa thấm cùng công tác duy tu, bảo dưỡng định kỳ đường hầm đang được nhà thầu, tư vấn tiếp tục tiến hành và dự kiến sẽ hoàn thành trong tháng 8/2012. Sau khi sửa chữa, các vị trí thấm sẽ được tiếp tục kiểm tra, quan trắc và báo cáo kết quả với Hội đồng Nghiệm thu Nhà nước.
Trước đây, vào năm 2008, trong quá trình đúc tại huyện Nhơn Trạch - Đồng Nai, các đốt hầm dìm cũng đã bị nứt và được “cấp cứu” bằng cách dùng keo epoxy để trám trét trước khi lắp đặt xuống lòng sông Sài Gòn.
Cần theo dõi lâu dài
Theo đánh giá của một chuyên gia am hiểu về đường hầm sông Sài Gòn (từng là thành viên trong Hội đồng Nghiệm thu Nhà nước), nhà thầu đang xử lý một cách bài bản các vết thấm tại đường hầm sông Sài Gòn bằng việc dùng keo epoxy để “dán” vết nứt nhằm tái tạo tính chất toàn khối cho bê tông. Trong xây dựng, bê tông nứt là chuyện bình thường.
Chuyên gia này nhận định vết nứt phát sinh ở nóc hầm không nguy hại bằng vết nứt dưới nền hầm (nền hầm là bê tông ứng lực trước, bê tông trên nóc hầm không có ứng lực trước). Nếu nhà thầu thực hiện trám trét tốt bằng keo epoxy tại những vết nứt xuất hiện ở bê tông không có ứng lực trước thì vẫn có thể yên tâm về chất lượng công trình. Keo epoxy có tuổi thọ khoảng 20 năm nên sau một thời gian sử dụng, nếu hầm vẫn tiếp tục nứt thì có thể làm sạch vết nứt rồi bơm keo lại.
Đánh giá một cách tổng quan, chuyên gia này cho rằng vấn đề nứt và thấm ở đường hầm sông Sài Gòn không đơn giản vì đây là công trình đầu tiên của Việt Nam, lại nằm dưới lòng sông nên rất khó khảo sát. Khi bê tông bị nứt và thấm nước, ban đầu sẽ gây suy thoái bê tông bảo vệ, lâu dần làm rỉ cốt thép, khả năng chịu lực của công trình bị suy giảm dẫn đến giảm tuổi thọ công trình.
Thấm nước là bình thường PGS-TS Trần Chủng, nguyên cục trưởng Cục Giám định Nhà nước về chất lượng công trình xây dựng, cho rằng hiện tượng thấm nước xuất hiện sau 9 tháng công trình đưa vào sử dụng là do phải chịu áp lực thực tế từ dòng nước trên sông Sài Gòn. Nếu các vị trí thấm nước chảy thành tia, thành dòng - có thể một vị trí nào đó đã bị xuyên thủng - thì tình hình mới nghiêm trọng. “Việc thấm nước ở những công trình sử dụng kết cấu bê tông cốt thép là điều hết sức bình thường. Sau giai đoạn đầu chịu áp lực nước, nước len lỏi vào sẽ bịt kín các khe hở và không còn bị thấm nữa trong tương lai” - ông Chủng nhận định. T.Kha |