“Đường đi” của ông Đinh La Thăng trong vụ thất thoát 800 tỷ đồng tại PVN

Phiên toà hình sự sơ thẩm xét xử ông Đinh La Thăng, cựu Chủ tịch HĐTV/HĐQT Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) và đồng phạm đã kết thúc chiều 29-3.

“Đường đi” của ông Đinh La Thăng trong vụ thất thoát 800 tỷ đồng tại PVN - 1

Việc ông Đinh La Thăng góp vốn trái quy định của PVN vào Oceanbank của ông Hà Văn Thắm đã khiến cả hai vướng vòng lao lý.

Với tội danh cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng, ông Thăng đã phải nhận bản án 18 năm tù và hình phạt bổ sung là bồi thường cho PVN số tiền 600 tỷ đồng. 

Các bị cáo khác tuỳ theo mức độ phạm tội mà phải nhận mức án từ 15 tháng cải tạo không giam giữ đến 23 năm tù. Hình phạt bổ sung mà các bị cáo phải thực hiện là bồi thường cho PVN số tiền 200 tỷ đồng. Vậy, “đường đi” của ông Đinh La Thăng và đồng phạm trong vụ thất thoát 800 tỷ đồng này như thế nào?

1. Sau khi PVN đề xuất với cấp có thẩm quyền nhưng không được thành lập Ngân hàng TMCP Hồng Việt, ông Đinh La Thăng chỉ đạo ông Nguyễn Ngọc Sự, Phó Tổng Giám đốc PVN và ông Nguyễn Xuân Sơn, Trưởng ban trù bị Ngân hàng TMCP Hồng Việt làm việc với một số tổ chức tín dụng để thỏa thuận việc góp vốn, trong đó có Ngân hàng Đại Dương (Oceanbank). 

Tháng 9-2008, ông Sơn và ông Hà Văn Thắm, Chủ tịch HĐQT Oceanbank trao đổi, bàn bạc về việc PVN góp vốn trở thành cổ đông chiến lược của Oceanbank. Do Oceanbank đang có nhu cầu tăng vốn điều lệ để hoạt động và nhận thấy PVN có tiềm lực kinh tế, có nhiều nguồn vốn nên ông Thắm đã đồng ý với đề nghị của ông Sơn. 

Ngày 17-9-2008, ông Thắm được ông Sơn mời đến trụ sở PVN ở Hà Nội để gặp gỡ, làm việc với đại diện PVN gồm các ông: Đinh La Thăng, Nguyễn Ngọc Sự, Nguyễn Xuân Sơn và Nguyễn Mạnh Hà (Chuyên viên Ban trù bị Ngân hàng TMCP Hồng Việt) để thống nhất thỏa thuận PVN tham gia góp vốn khi Oceanbank tăng vốn điều lệ từ 1.000 tỷ đồng lên 2.000 tỷ đồng trong năm 2008, bằng hình thức PVN góp 20% vốn điều lệ tương đương 400 tỷ đồng, và các cổ đông là cán bộ công nhân viên của PVN đã tham gia góp vốn thành lập Ngân hàng TMCP Hồng Việt là 10% vốn điều lệ Oceanbank. 

Đồng thời, Oceanbank tiếp nhận số cổ đông này về làm việc và tiếp nhận cơ sở vật chất, thiết bị đã được Ban trù bị thành lập Ngân hàng TMCP Hồng Việt đầu tư, mua sắm.

Căn cứ vào kết quả làm việc với đại diện Oceanbank, ngày 18-9-2008, ông Sự đã ký Văn bản số 140B gửi ông Thăng báo cáo kết quả đàm phán với ông Thắm, kèm theo báo cáo đánh giá sơ bộ các chỉ tiêu tài chính của Oceanbank, trong đó có nêu “Nhìn tổng thể đến 31-3-2008, Oceanbank là ngân hàng có quy mô nhỏ, khả năng thanh khoản thấp. 

Trong bối cảnh kinh tế hiện tại, Oceanbank đứng trước khó khăn trong vấn đề huy động vốn với lãi suất hợp lý để cân đối với nguồn sử dụng… Oceanbank thuộc nhóm tổ chức tín dụng có xếp hạng trung bình khá trong số các ngân hàng thương mại cổ phần”. 

Cùng ngày 18-9-2008, mặc dù không tổ chức cuộc họp Hội đồng quản trị, không lấy ý kiến các thành viên Hội đồng quản trị nhưng ông Thăng đã ký Thỏa thuận số 6934 với ông Thắm để PVN tham gia góp vốn vào Oceanbank theo các nội dung hai bên đã thống nhất.

Ngày 29-9-2008, ông Sự ký tiếp văn bản số 146 của PVN gửi Hội đồng quản trị đánh giá về năng lực của Oceanbank, trong đó nêu rõ tính thanh khoản của ngân hàng này hiện nay kém và rất nhạy cảm với bất cứ một biến động nào của thị trường. 

Tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu của Oceanbank giảm từ 30,6% năm 2006; 19,5% năm 2007 xuống còn 18,6% cho những tháng đầu năm 2008. Như vậy là ông Thăng biết rõ hiện trạng yếu kém của Oceanbank nhưng không đưa ra bàn bạc, thảo luận và xin ý kiến Hội đồng quản trị mà vẫn quyết định góp vốn của PVN vào Oceanbank.

2. Sai phạm nghiêm trọng của ông Đinh La Thăng thể hiện rõ qua việc ông quyết định góp vốn khi biết rõ năng lực yếu kém của Oceanbank; ký ban hành nghị quyết thực hiện các lần góp vốn, bổ sung vốn góp khi chưa được sự đồng ý của Thủ tướng Chính phủ. 

Ông Thăng cũng không thực hiện theo yêu cầu của Bộ Tài chính để đảm bảo các điều kiện về vốn góp. Đến thời điểm ngày 1-1-2011, khi Luật Các tổ chức tín dụng năm 2010 có hiệu lực, Luật quy định “Một cổ đông là tổ chức không được sở hữu vượt quá 5% vốn điều lệ của một tổ chức tín dụng...”. 

Nhưng với vai trò là Chủ tịch HĐTV, ông Thăng vẫn quyết định duy trì tỷ lệ sở hữu góp vốn điều lệ của PVN tại Oceanbank là 20%, vượt quá tỷ lệ cho phép 15%. 

Hành vi cố ý làm trái của ông Thăng đã vi phạm quy định tại khoản 4, điều 16, khoản 1, điều 20 Điều lệ tổ chức và hoạt động của PVN được ban hành kèm theo Quyết định số 36/2017/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ và trái với chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công văn số 3780/VPCP-ĐMDN ngày 9-6-2008 của Văn phòng Chính phủ, gây thiệt hại cho PVN tổng số tiền 800 tỷ đồng.

Theo số liệu thanh tra của Ngân hàng Nhà nước cho thấy, trong các năm từ 2009 đến 2013, Oceanbank kinh doanh thua lỗ, lỗ luỹ kế và dẫn tới âm vốn chủ sở hữu (lợi nhuận trước thuế sau thanh tra) tới 2,5 lần. 

Điều đó cho thấy, số liệu báo cáo tài chính hàng năm tại Oceanbank là không chính xác, phản ánh không đầy đủ hoạt động tài chính, không phản ánh các sai phạm trong cấp tín dụng cũng như huy động vốn tại Oceanbank, đặc biệt là chủ trương “chi lãi ngoài” của Nguyễn Xuân Sơn và Hà Văn Thắm đã gây thiệt hại cho khách hàng hơn 69 tỷ đồng; thiệt hại cho các cổ đông của Oceanbank là 1.576 tỷ đồng, trong đó PVN là 49 tỷ đồng. 

Do vậy, lợi nhuận cũng như cổ tức có được theo báo cáo tài chính của Oceanbank là ảo, không đúng với bản chất hoạt động của Oceanbank.

3. Tại phiên toà, bị cáo Nguyễn Xuân Sơn khai nhận đã nhận số tiền trên 200 tỷ đồng từ Hà Văn Thắm, sau đó đưa cho bị cáo Ninh Văn Quỳnh khoảng 180 tỷ đồng. Ngoài ra, bị cáo Sơn còn khai mua cho bị cáo Quỳnh một căn hộ tại Toà nhà Star City ở đường Lê Văn Lương (Hà Nội). 

Nhưng tại phiên xử, bị cáo Quỳnh chỉ khai đã nhận 20 tỷ đồng từ bị cáo Sơn. Và số tiền này, gia đình đã thay bị cáo Quỳnh nộp vào Cơ quan thi hành án để khắc phục hậu quả. 

Về số tiền còn lại, theo lời khai của bị cáo Sơn, Hội đồng xét xử kiến nghị cơ quan điều tra tiếp tục làm rõ về việc chi lãi ngoài và sử dụng như thế nào, nếu có vi phạm thì xử lý theo quy định của pháp luật.

Đối với các thành viên HĐQT/HĐTV PVN giai đoạn 2008-2010 gồm: Hoàng Xuân Hùng, Trần Ngọc Cảnh, Đỗ Văn Đạo, Phan Thị Hoà và Phùng Đình Thực trong giai đoạn PVN tham gia góp vốn vào Oceanbank, các thành viên này đã biểu quyết đồng ý trên các tờ trình để làm cơ sở cho ông Đinh La Thăng ký nghị quyết về việc tham gia góp vốn của PVN vào Oceanbank khi chưa có ý kiến của Thủ tướng Chính phủ là vi phạm pháp luật. 

Liên quan đến sự việc này, Viện KSND tối cao đã yêu cầu Cơ quan CSĐT Bộ Công an tách hành vi liên quan trong vụ án hình sự của những người có tên trên để tiếp tục điều tra, làm rõ và xử lý theo quy định của pháp luật.

Ông Đinh La Thăng bồi thường 600 tỉ đồng thế nào?

Đối với những tài sản của ông Đinh La Thăng - người bị TAND TP Hà Nội trong phiên xét xử sơ thẩm tuyên án 18 năm tù và...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Nguyễn Hưng ([Tên nguồn])
Ông Đinh La Thăng Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN