Dương Chí Dũng khai trốn sau cú điện thoại bí ẩn

Khai trước tòa sáng nay 13/12, Dương Chí Dũng cho biết đã vội vã bỏ trốn chiều ngày 17/5/2012 sau khi nhận được cú điện thoại của “người quen”. Khi tòa truy: “Người quen đó là ai?”, ông Dũng chỉ trả lời “đã khai với cơ quan điều tra bên an ninh” và xin phép không khai tại tòa.

Hôm nay 13/12, bước sang ngày thứ 2 xét xử sơ thẩm vụ án hình sự đối với Dương Chí Dũng và 9 đồng phạm, Hội đồng xét xử (HĐXX) tiếp tục thẩm vấn nhằm làm rõ việc tham ô 28 tỉ đồng của các bị cáo trong thương vụ mua ụ nổi No. 83M.

Chiều tối qua 12/12, bị cáo Trần Hải Sơn đã khai sở dĩ mình được Dương Chí Dũng và Mai Văn Phúc “chọn mặt gửi vàng” trong việc nhận tiền “lại quả” là vì ngoài việc được lãnh đạo tin tưởng thì đơn vị của Sơn sẽ sử dụng ụ nổi sau khi đưa về Việt Nam. 

Sau khi nghe ông Goh Hoon Seow - Giám đốc Công ty AP, Singapore - nói Sơn chuẩn bị tiếp nhận số “tiền lại” lại quả, Sơn đã kiểm tra lại thông tin từ Dương Chí Dũng, Mai Văn Phúc và đã được xác nhận.

Số tiền đó được chia theo chỉ đạo của Dương Chí Dũng là: “Chia theo tỉ lệ 10 tỉ đồng cho anh, 10 tỉ đồng cho anh Phúc, còn lại cho em”. Nhận được tiền, Sơn đã đưa 10 tỉ đồng cho Dương Chí Dũng làm 2 đợt; đưa cho Mai Văn Phúc làm 3 đợt và “bồi dưỡng” Trần Hữu Chiều 340 triệu đồng.

Dương Chí Dũng khai trốn sau cú điện thoại bí ẩn - 1

Bị cáo Mai Văn Phúc (đứng) và Dương Chí Dũng (bìa trái) đều quyết liệt chối bỏ mọi chứng cứ buộc tội liên quan đến vụ tham ô 28 tỉ đồng “lại quả”

Bị cáo Dương Chí Dũng phủ nhận toàn bộ nội dung của Sơn, cho rằng chỉ nhận được… vali rượu và cũng không có chuyện Sơn mang tiền về cho bị cáo ở Hải Phòng. Ngoài ra, số tiền mua 2 căn hộ cao cấp cho “bồ nhí” là Dũng lấy tiền của vợ chứ không phải tiền tham ô.

Sáng nay 13/12, tại tòa, bị cáo Mai Văn Phúc - người bị cáo buộc nhận 10 tỉ đồng - cũng tiếp tục phủ nhận hành vi phạm tội của mình. Bị cáo khẳng định mình không bàn bạc, không tổ chức vụ nhận tiền “lại quả” này.

Chủ tọa hỏi: “Trong trường hợp bị cáo biết Dương Chí Dũng làm sai, ở vị trí của bị cáo thì phải làm gì?”, Mai Văn Phúc trả lời: “Ở vị trí của bị cáo sẽ không làm theo. Bị cáo Dũng và tôi chưa bao giờ có sự thỏa thuận nào”.

Bị cáo Mai Văn Phúc xin phép nhờ chủ tọa hỏi Trần Hải Sơn: các hợp đồng với AP để hợp thức hóa chuyển tiền 1,67 triệu USD về Việt Nam được ai chỉ đạo? Bị cáo có khai là bị cáo có về quê nhà tôi chuyển tôi 2,5 tỉ đồng, ngồi tại phòng khách ở quê. Vậy phòng khách nhà tôi ở tầng mấy, được bố trí ở gian nào?

Khi được chủ tọa hỏi, Trần Hải Sơn nói: “Không ai chỉ đạo tôi làm hợp đồng khống. Còn việc thực hiện giao dịch là theo chỉ đạo của anh Dũng. Anh Phúc nhận được số tiền này là do tôi hoàn toàn chủ động. Ông Goh Hoon Seow yêu cầu phải nhận tiền. Nhưng để thực hiện chỉ đạo anh Dũng, anh Phúc cần phải nhận số tiền đó”.

Riêng câu hỏi về phòng khách nhà bị cáo Phúc, Trần Hải Sơn không trả lời rõ được. “Tôi chưa biết nhà, chỉ biết nhà ở đường. Tôi đợi ở bên ngoài, anh Phúc dẫn tôi đi vào một hẻm mà ô tô không vào được rồi rẽ trái. Sau đó vào phòng bên trong, vào gian giữa thì tôi thấy là có ghế và có bộ bàn ghế”.

Chủ tọa vặn lại: Vậy tại sao bị cáo khai với cơ quan điều tra là giao tiền ở phòng khách? Sơn lí nhí: “Bị cáo thấy có bộ bàn ghế thì nghĩ vậy”.

Tiếp tục phủ nhận toàn bộ việc nhận tiền, Phúc khẳng định: “Không có việc anh Sơn đến và không có việc nhà bị cáo… 1 năm bị cáo chỉ về quê được 1 đến 2 lần. Cũng rất may cho bị cáo, Sơn khai con trai của bị cáo lái xe cho bị cáo. Con trai bị cáo có về nhưng đến ngày 28 và đêm 28 tết chúng tôi mới đón con từ Anh quốc quay về. Vậy, liệu có việc anh Sơn đến hay không, có việc anh Sơn về quê hay không?”

“Lời khai của Sơn từ đầu tới cuối thay đổi rất nhiều, dẫn dắt tới việc về quê bị cáo song không có việc này. Vì lúc đó bị cáo đang trong TP HCM. Bị cáo Sơn lúc đầu khai mang tiền đến nhà bị cáo bằng 3 vali xách tay kéo. Nhưng bị cáo khai với cơ quan điều tra là bị cáo đã chuyển chỗ ở. Bị cáo Sơn lại khai mang tiền về quê nhưng thực tế cuối năm bị cáo mới về quê”.

Từ 8 giờ 45, HĐXX tiếp tục xét hỏi các bên có nghĩa vụ, quyền lợi liên quan.

Dương Chí Dũng khai trốn sau cú điện thoại bí ẩn - 2

Dương Chí Dũng: “Khi bỏ trốn, tôi hoàn toàn không vì sợ tội tham ô". Ảnh: Nguyễn Quyết (chụp qua màn hình)

Trong phiên tòa sáng 13/12, HĐXX truy vấn bị cáo về việc bỏ trốn trước khi cơ quan điều tra tống đạt các quyết định khởi tố.

Trước đó, ngày 17/5/2012, Cơ quan điều tra (CQĐT) ra quyết định khởi tố bị can, khám xét, bắt tạm giam ông Dương Chí Dũng. Tuy nhiên, đến khi CQĐT tống đạt quyết định khởi tố thì Dương Chí Dũng hoàn toàn biến mất trước sự bất ngờ của lực lượng cảnh sát điều tra. Sau đó, em trai Dương Chí Dũng là Đại tá Dương Tự Trọng, nguyên Phó Giám đốc Công an TP Hải Phòng mới có những động thái giúp anh mình bỏ trốn sang đến tận Mỹ rồi bị đẩy về Việt Nam.

Bị cáo Dũng trần tình: “Khi bỏ trốn tôi hoàn toàn không vì sợ tội tham ô. Khi HĐQT quyết định thì tôi không biết mình sai, đến khi làm việc với cơ quan điều tra thì tôi mới nhận thức được chúng tôi sai cố ý làm trái vì quy trình thủ tục đầu tư là có sai phạm. Tôi thừa nhận trước tòa sai phạm này. Còn cái ụ tôi vẫn khẳng định đó không phải tàu”.

Dũng biện minh cho quyết định mua ụ nổi: “Còn cái sai là trình tự anh em làm tôi không biết, tôi ký thì trách nhiệm là của tôi. Cái sai là trong chọn thầu, chưa được phê duyệt đã làm… tôi khẳng định tôi không có tham ô”.

Đại diện Viện kiểm sát (VKS) hỏi: Bị cáo bỏ trốn là vì có nhận được một cuộc điện thoại. Vậy ai gọi điện và gọi điện vào thời điểm nào?

Dương Chí Dũng trả lời: “Khoảng trên dưới 6 giờ tối ngày 17/5/2012, tôi nhận được một cuộc gọi điện thoại của một người quen của tôi, nói với tôi là tránh đi. Tôi hoảng quá và tôi tránh đi một thời gian. Tôi cứ thế tôi đi thôi chứ tôi không nghĩ gì cả”.

VKS truy vấn: Vậy người quen đó là ai? Thì bị cáo Dũng ấp úng: “Người quen thì tôi đã khai với cơ quan điều tra bên An ninh trong một vụ án khác. Tôi xin phép HĐXX nếu buộc phải khai thì tôi nói. Còn tôi xin phép đã khai báo với cơ quan điều tra nên không nói ở đây”.

Chủ tọa vặn tiếp: “Lý do không muốn khai?”. Dũng tiếp tục từ chối: “Vì tôi đang khai báo ở vụ này thì nếu tòa yêu cầu khai thì tôi sẽ khai. Vì nếu nói sang vụ kia thì nó sang vấn đề khác, nhiều người không hiểu thì không đúng vấn đề thì sẽ thành dư luận không tốt”.

VKS tiếp: Bị cáo cho HĐXX biết, sau khi nhận được điện thoại, bị cáo trốn đi luôn một chặng đường dài sang Campuchia, sang Đức, sang Mỹ rồi lại quay trở lại. Anh lấy tiền ở đâu đi?

Bị cáo Dũng trả lời: “Tôi thường đi công tác nên trong cặp tôi bao giờ cũng có những thứ rất cần thiết, kể cả tiền phòng đi công tác, chứng minh thư, giấy phép lái xe, hộ chiếu… lúc nào cũng có trong cặp. Không có ai đưa tiền cho tôi đi, tiền tôi có sẵn rồi”.

Chủ tọa chưa dừng lại: “Mục đích sang nước ngoài của bị cáo là như thế nào?” Dũng tiếp tục lý giải: “Khi nhận được thông tin, tôi hoảng loạn và chỉ nghĩ làm sao chạy được càng xa Hà Nội càng tốt thôi. Vì tác động của cú điện thoại nên tôi mới hoảng loạn bỏ trốn thôi chứ nếu bình thường thì không bao giờ tôi trốn”.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Nguyễn Quyết (Người Lao Động)
Vụ án Dương Chí Dũng Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN