Đuổi học nữ sinh: "Lưỡi dao" mạng xã hội

Câu chuyện nữ sinh lớp 8 bị đuổi học, càng báo động về tính chất ảo, nhưng hậu quả thật của mạng xã hội đối với giới trẻ.

“Lời tuyên ngôn học sinh” được Nguyễn Thanh Vy (HS lớp 8 trường THCS Lý Tự Trọng – TP Tam Kỳ, Quảng Nam) đưa lên face book của mình lại khiến dư luận tuần qua “dậy sóng”.

Cho tới giờ phút này, dù chưa biết mức kỷ luật đuổi học với Vy có được áp dụng hay không, song chắc chắn gia đình và ngay bản thân em cũng chẳng ngờ được, hậu quả nghiêm trọng này lại tới từ một trong những dòng chia sẻ hàng ngày trên Facebook…

Xả stress vô ý thức

Nhiều tranh luận khác nhau đã diễn ra trước nội dung kỷ luật nghiêm khắc mà nhà trường dành cho Vy khi em đăng tải những lời thóa mạ giáo viên trên Facebook.

Bạn đọc có địa chỉ: tranbinh..@yahoo.com đề nghị cần kỷ luật nghiêm khắc! “Ở góc độ nhà giáo, tôi hoàn toàn tán thành việc giáo dục là đào tạo một con người trở thành một công dân có ích cho xã hội. Tuy nhiên, ở góc độ vi phạm như học sinh V chúng ta thấy cần phải kỷ luật nghiêm khắc làm gương cho những hành động có nguy cơ vi phạm tương tự có thể diễn ra.”

Nhiều ý kiến lại “xin” giơ cao đánh khẽ với nữ học sinh khi em còn đang tuổi “ăn chưa no, lo chưa tới”. Bạn đọc có địa chỉ mik..@yahoo.com viết: “Em V dù gì mới chỉ học lớp 8 , còn trẻ người non dạ thế nên mới mắc phải sai lầm. Mong nhà trường cho em ý một cơ hội để sửa sai , chứ tuổi này không được kèm cặp thì dễ bị sa ngã lắm”. Cho rằng đuổi học là hình thức trốn tránh trách nhiệm và thể hiện sự bất lực, bạn đọc này viết: “Trẻ đến trường để được giáo dục thành người có ích cho xã hội, chưa giáo dục tốt lại đòi đuổi học. Vậy trẻ sẽ tự ra đường học thêm những thói hư tật xấu và trở thành ´mầm bệnh´ của xã hội”.

Đuổi học nữ sinh: "Lưỡi dao" mạng xã hội - 1

Những lời được cho là thóa mạ giáo viên trên facebook

Dẫn ra kỷ niệm liên quan tới bài tuyên ngôn cá biệt này, bạn đọc devil…@gmail.com kể: “Năm 2008, thầy chủ nhiệm lớp tôi đã gửi bài Tuyên ngôn học sinh này cho toàn thể lớp qua email của trường với lời chúc:"Các em đọc vui và cố gắng". Đúng như thầy nói chỉ có vui và chẳng thấy gì xảy ra.Tôi thấy thầy làm vậy rất hay:..Thầy hơn trò là ở chỗ đó”.

Thực tế, theo lời Vy, em cũng chỉ tình cờ lên mạng copy bài “Tuyên ngôn học sinh", để “đọc cho vui”, chứ không hề nghĩ tới chuyện sẽ xúc phạm thầy cô của mình.

Nhiều năm gắn bó với sự nghiệp trồng người, GS Văn Như Cương cũng không ít lần nhận định tình trạng báo động khi giới trẻ coi mạng xã hội là nơi xả stress vô ý thức. “Không ít bạn trẻ xem đây là “diễn đàn” để có những phát ngôn gây sốc, bày trò… với những lời lẽ rất phản cảm. Trong đó, có nhiều HS - SV xem đây là nơi để xả những ấm ức với bố mẹ, nói xấu, thậm chí là xúc phạm bạn bè, thầy cô giáo. Và không phải bạn trẻ nào cũng hình dung hết được hậu quả từ việc không cân nhắc kỹ với những phát ngôn trên các trang mạng xã hội, bởi mạng thì ảo nhưng những tác động của nó là thật.” GS Cương nói.

Gia đình hãy “soi” lại

Trong khi câu chuyện nữ sinh Vy chưa xuôi thì cách đây mấy ngày, cộng đồng mạng lại tiếp tục "nóng" với chuyện một bạn trẻ chửi mắng người thân trên Facebook. Những dòng chữ trên Facebook của bạn trẻ ấy đủ khiến nhiều người giật mình khi chửi bà và bố thậm tệ bằng ngôn ngữ tục tĩu.

Đuổi học nữ sinh: "Lưỡi dao" mạng xã hội - 2

Những lời tục tĩu này cũng được bạn trẻ tung lên mạng một cách vô ý thức

Theo bà Lê Thị Dung (chuyên viên Viện Nghiên cứu Phát triển TP.HCM): Một bộ phận giới trẻ hiện nay đang có xu hướng sống ảo trong đời thực, thường tự vẽ ra cho mình một cuộc sống hoàn toàn khác với bên ngoài. Khi các bạn trẻ này nhận biết được thì đã quá muộn, không thể cứu vãn được nữa. Một số bạn trẻ lại xem mạng xã hội như một cứu cánh, họ sống với thế giới ảo đó, và quên mất bản thân trong đời thực.

“Đó là chưa kể một lượng lớn những thông tin không có nguồn gốc chính thống, chưa được kiểm duyệt, nhằm mục đích nói xấu, bôi nhọ người khác, hoặc kích động, phản động… Một trong những nguy hiểm đó là việc những thành viên của mạng xã hội có thể thành lập các nhóm (group) tuyên truyền những thông tin thiếu lành mạnh hoặc thiếu trung thực” bà Dung nói.

Góc độ khác, nhiều chuyên gia lại “soi” vấn đề giáo dục giới trẻ từ gia đình. Theo Th.s tâm lý Đào Lê Hòa An, bậc phụ huynh cũng cần rút ra một bài học lớn trong việc giáo dục con cái ngay từ “thuở lên ba” và đặc biệt cần dành nhiều thời gian hơn để quan tâm đến tâm tư, nguyện vọng, nhu cầu chính đáng của con trẻ. “Khi trẻ có thói quen chia sẻ tất tần tật với ba mẹ, người thân và được lắng nghe thì tôi tin sẽ không có hiện tượng trẻ "chạy" lên thế giới mạng để nói ra những lời làm đau lòng nhiều người như vậy”.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Tuyết Mai (Tổng hợp) ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN