Đuổi học nữ sinh: Kỷ luật là cần thiết
Kỷ luật HS cũng giống như cha mẹ đánh con, là điều cực chẳng đã nhưng dù đau cũng vẫn phải làm.
Xung quanh mức kỷ luật đuổi học một năm với nữ sinh Nguyễn Thanh V lớp 8/6 của Trường THCS Lý Tự Trọng (TP Tam Kỳ, Quảng Nam), dư luận tuy còn ý kiến trái chiều song đa phần ủng hộ quyết định của nhà trường.
Lý do mà V phải chịu hình thức kỷ luật này là do em đã dùng facebook ra lời kêu gọi “Tuyên ngôn học sinh...” kèm lời lẽ thóa mạ, xúc phạm thầy cô giáo. Trước đó mấy ngày, V cũng đã từng bị nhà trường nhắc nhở răn đe vì đã đánh bạn. Theo hiệu trưởng Trường THCS Lý Tự Trọng, mức kỷ luật đuổi học một năm với nữ sinh V, đã được 8/9 thành viên của hội đồng kỉ luật nhà trường bỏ phiếu kín đồng ý.
Biên bản kỷ luật nữ học sinh Nguyễn Thanh V
Cho rằng mức kỷ luật này là quá nặng, TS Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hội Tâm lý học Hà Nội nhận định: “Với học sinh chúng ta phải làm sao cho tâm phục khẩu phục. Kỉ luật để thỏa mãn bực bội không bao giờ giải quyết được tận gốc vấn đề. Người thầy phải thoát ra khỏi nỗi bực bội. Tôi coi những lần không giữ được bức xúc như vậy là tai nạn nghề nghiệp. Bởi có những lúc học trò bột phát, cư xử không lễ phép. Nhưng làm thầy phải biết rộng lượng tha thứ học trò”.
Tương tự, PGS. TS Huỳnh văn Sơn (Trưởng Bộ môn Tâm lý học – Trường Đại học Sư phạm Tp. HCM) nhận định: "Sự việc đã làm ảnh hưởng đến quá nhiều người. Đó không chỉ là cảm xúc hay thái độ của một cá nhân mà là một nhóm người, một tổ chức… Tuy nhiên, người thực hiện lại quá bồng bột và non nớt. Hơn nữa, ở một góc độ nào đó, chính học sinh cũng không nghĩ và chưa nhận thức một cách đầy đủ hậu quả hay những hệ lụy của hành vi ở bản thân mình".
Kỷ luật nữ sinh V là cần thiết song theo TS Sơn nên cân nhắc hình thức. "Học sinh sẽ đi về đâu khi bị đuổi học, liệu người bị đuổi học có cam tâm, liệu hành vi ấy có thể được sửa sai hay không… Không nên quy gán cho hành động kỷ luật ở mức độ nặng ấy là đúng hay sai mà cần dung hòa theo nguyên tắc trao đổi thân tình về nguyện vọng, sự cầu thị và những thái độ hay sự lựa chọn để giáo dục…", TS Sơn nhận định.
Ngược lại, GS Văn Như Cương, Hiệu trưởng trường THPT Lương Thế Vinh cho rằng mức kỷ luật đối với nữ sinh V là hợp lý. Theo thầy Cương, Trường THPT Lương Thế Vinh cũng đã từng đình chỉ 1 năm học đối với 2 học sinh vì những phát ngôn “hỗn láo” với thầy cô. “Trong trường học, giáo dục là biện pháp được đặt lên hàng đầu nhưng trừng phạt cũng không thể không có. Ngược lại đối với mỗi học sinh, bản thân các em cũng phải biết tự ý thức đối với lời nói và hành động của mình”, GS Cương nói.
Theo GS Cương, trong môi trường sư phạm, giáo dục phải được coi là yếu tố hàng đầu, tuy nhiên kỷ luật cũng là hình thức cần thiết.
Đồng tình với quan điểm trên, bà Lê Thu Hiền, Giám đốc Trung tâm tư vấn Người bạn tri kỷ (Hà Nội) nhận định: Phải kỷ luật học sinh chính là thể hiện sự bất lực của giáo viên và nhà trường trong cách dạy dỗ các em. “Cũng giống như bố mẹ phải đánh con vì không dạy được nó, là điều cực chẳng đã, đau cũng phải làm bởi không còn cách nào khác. Nhiều trường hợp đứa trẻ đã vượt quá ngưỡng thì cần phải xử lý nghiêm để răn đe trong xã hội”, bà Hiền nói.
Chiều 9/1, trả lời PV, ông Ngũ Duy Anh, Vụ trưởng Vụ công tác Học sinh-Sinh viên (Bộ GD-ĐT) cho biết hiện Bộ vẫn chưa nhận được giải trình cụ thể vụ việc của Sở GD-ĐT Quảng Nam gửi lên. “Bao giờ có thông tin cụ thể, Bộ mới có ý kiến chính thức về vấn đề này”.