Được cấp phép nuôi không quá 39 trẻ, mái ấm Hoa Hồng bị phát hiện có 85 em

00:00 / 0:00
Chuẩn
Tốc độ đọc

Mái ấm Hoa Hồng được cấp phép nuôi không quá 39 trẻ nhưng cơ quan chức năng lại phát hiện tại đây có 85 em. Trách nhiệm của các đơn vị, cá nhân trong công tác thẩm định, cấp phép và giám sát hoạt động của mái ấm này sẽ được làm rõ.

Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TPHCM vừa có báo cáo nhanh về vụ việc bạo hành trẻ em xảy ra tại mái ấm Hoa Hồng, quận 12.

Theo báo cáo này, mái ấm Hoa Hồng là cơ sở trợ giúp xã hội ngoài công lập không thu phí, được Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội quận 12 cấp giấy phép hoạt động số 917/GPHĐ ngày 7/7/2023. Người đại diện pháp luật là bà Giáp Thị Sông Hương.

Cơ sở này có chức năng, nhiệm vụ là trợ giúp và nuôi dưỡng trẻ em cơ nhỡ, bị bỏ rơi, mồ côi, sống lang thang…, số lượng không quá 39 em.

Được cấp phép nuôi không quá 39 trẻ, mái ấm Hoa Hồng bị phát hiện có 85 em - 1

Trong ngày hôm nay (4/9), sau khi báo chí phản ánh về vụ việc bạo hành trẻ em xảy ra tại mái ấm Hoa Hồng, các đơn vị của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TPHCM phối hợp cùng Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội quận 12 và các cơ quan chức năng khác tiến hành kiểm tra cơ sở này.

Ở thời điểm kiểm tra, lực lượng chức năng ghi nhận tại mái ấm Hoa Hồng có 85 trẻ, bao gồm: 15 trẻ dưới 12 tháng tuổi; 36 trẻ từ 12-36 tháng tuổi; 30 trẻ từ 36-72 tháng tuổi, đang đi học tại trường mầm non Sóc Bông, ở đường Quán Tre, khu phố 1, phường Trung Mỹ Tây, quận 12; 3 trẻ từ 6-12 tuổi và 1 trẻ đang điều trị bệnh tại bệnh viện. Tại mái ấm Hoa Hồng có 15 nhân viên làm việc.

Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội quận 12 đang rà soát quy định về điều kiện hoạt động của mái ấm Hoa Hồng, tham mưu cho UBND quận 12 để chỉ đạo các đơn vị liên quan phối hợp xử lý theo quy định pháp luật đối với hành vi vi phạm quyền trẻ em.

Đơn vị này đề xuất chuyển 85 trẻ tại mái ấm Hoa Hồng về các cơ sở bảo trợ xã hội công lập để cách ly khỏi môi trường có nguy cơ bị bạo lực, xâm hại.

Ngoài ra, trong báo cáo của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TPHCM còn có nội dung khuyến nghị UBND quận 12 đề nghị Cơ quan CSĐT Công an quận 12 khẩn trương thụ lý điều tra, xác minh làm rõ những người có liên quan để sớm đưa vụ việc ra khởi tố, xét xử theo quy định pháp luật; đề nghị UBND quận 12 chỉ đạo các đơn vị và cá nhân có liên quan làm rõ trách nhiệm trong công tác thẩm định, cấp phép hoạt động và giám sát hoạt động của mái ấm Hoa Hồng; đề nghị Hội Bảo vệ Quyền trẻ em TPHCM cử Chi hội luật sư phối hợp cùng các cơ quan chức năng quận 12 có kế hoạch để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của trẻ em và gia đình trẻ.

Sở này cũng yêu cầu các Trung tâm nuôi dưỡng chăm sóc trẻ em như: Trung tâm Bảo trợ trẻ em Tam Bình, Làng Thiếu niên Thủ Đức, Trung tâm Nuôi dưỡng Bảo trợ trẻ em Gò Vấp... chuẩn bị cơ sở vật chất, nhân sự và các nguồn lực để khẩn trương tiếp nhận số trẻ từ mái ấm Hoa Hồng chuyển đến.

Tối nay, Công an quận 12 cùng các đơn vị liên quan vẫn đang làm việc với chủ mái ấm Hoa Hồng là bà Giáp Thị Sông Hương (50 tuổi, quê Bắc Giang, ngụ quận Gò Vấp) và một số bảo mẫu của cơ sở này.

Cơ quan chức năng vào cuộc điều tra, xác minh khi báo chí phản ánh về nạn bạo hành trẻ xảy ra tại mái ấm Hoa Hồng. Ảnh: Linh An

Cơ quan chức năng vào cuộc điều tra, xác minh khi báo chí phản ánh về nạn bạo hành trẻ xảy ra tại mái ấm Hoa Hồng. Ảnh: Linh An

Như đã thông tin, trong ngày 4/9 báo chí phản ánh hoạt động nuôi dạy trẻ mồ côi tại mái ấm Hoa Hồng như “địa ngục trần gian”. Theo đó, các bảo mẫu đã có những hành động ngược đãi, đánh đập dã man đối với các trẻ em tại đây. 

Cụ thể, trong lúc chăm sóc trẻ, các bảo mẫu thường xuyên dùng một tay xách người, ném lật úp lên nệm, đánh vào tay chân… Thậm chí, bảo mẫu còn ngồi lên người trẻ sơ sinh, bóp đầu, bóp miệng, tát, đấm liên tiếp; có bé bị đánh đến chảy máu miệng.

Theo tìm hiểu, bà Giáp Thị Sông Hương kinh doanh khách sạn Hoa Hồng. Vài năm gần đây, tại địa điểm này có thêm mái ấm Hoa Hồng được giới thiệu là: nuôi trẻ bỏ rơi; nuôi mẹ bầu cơ nhỡ; nuôi người già cô đơn không nơi nương tựa; nuôi học sinh, sinh viên có thai ngoài ý muốn…

Mái ấm Hoa Hồng có các hoạt động kêu gọi từ thiện, tạo lập một số kênh Youtube, Facebook, đăng công khai số tài khoản cá nhân để kêu gọi.

Tuy nhiên, từ trước đến nay đã có những thông tin lùm xùm trên mạng xã hội về các hoạt động của mái ấm Hoa Hồng như: nguồn gốc của một số trẻ sơ sinh, có hành vi đánh trẻ em…

Đến hôm nay, sau khi báo chí có phản ánh chi tiết về bạo hành trẻ em tại mái ấm Hoa Hồng, Công an quận 12 đã phối hợp cùng các cơ quan chức năng khẩn trương vào cuộc để xác minh, thu thập chứng cứ, xử lý theo quy định pháp luật.

TP HCM - Trẻ ở Mái ấm Hoa Hồng bị bạo hành một phần do sự buông lỏng quản lý từ địa phương, theo Phó giám đốc Sở Lao động Thương binh và Xã hội.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Đàm Đệ ([Tên nguồn])
Bạo hành trẻ ở Mái ấm Hoa Hồng Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN