Dùng xe cẩu vẽ tranh khổng lồ lên tường chung cư ở TP.HCM
5 nghệ sỹ đường phố dùng xe cẩu cao hơn 20m biến các bức tường cũ kỹ, rêu mốc của chung cư ở TP.HCM thành những bức tranh khổng lồ đầy màu sắc, đậm chất đường phố.
Từ ngày 4/12, 5 nghệ sỹ đường phố của TP.HCM (Daos, Suby, Daes, Cresk và Kleur) bắt đầu thực hiện các bức tranh tường khổ lớn 10 x 20m tại Chung cư 1A, 1B đường Nguyễn Đình Chiểu và Villa 48 Nguyễn Đình Chiểu - Mai Thị Lựu, phường Đa Kao, quận 1. Đây là một phần của dự án Saigon Urban Arts 2021, một dự án nghệ thuật quốc tế được tổ chức bởi Viện Pháp tại Việt Nam, Viện Goethe tại TP.HCM trong khuôn khổ Quỹ văn hóa Pháp-Đức, phối hợp cùng với Hội đồng nghệ thuật Thụy Sĩ Pro Helvetia.
Dự án được tổ chức nhằm tôn vinh nét đẹp của nghệ thuật đường phố, trong đó có nghệ thuật vẽ tranh graffiti (phun sơn). Ba bức tường tại Chung cư 1A, 1B đường Nguyễn Đình Chiểu được chính quyền phường cho phép, phối hợp với cư dân, ban tổ chức quét một lớp sơn mới thay thế lớp cũ kỹ, rêu mốc của khu chung cư cũ. Các nghệ sỹ phụ trách mỗi bức tranh dùng xe cẩu cao hơn 20m thực hiện vẽ phác hoạ các chi tiết chính.
Sau gần 7 ngày vẽ, một trong 2 bức tranh mang chủ đề về hoà bình sắp được hoàn thiện bên cạnh bức tranh với nội dung giáo dục môi trường đang được hoạ sỹ thực hiện tại chung cư 1A.
Thông qua nhiều sự kiện được tổ chức trong khuôn khổ dự án này, khán giả sẽ có dịp hiểu rõ hơn về giá trị và cách thức mà loại hình nghệ thuật này có thể mang lại: làm đẹp cảnh quan đô thị và là phương tiện biểu đạt giúp chúng ta thấu hiểu, kết nối với nhau hơn. Cũng trong khuôn khổ của dự án, ban tổ chức còn muốn nhấn mạnh chủ đề Sự phát triển bền vững thông qua 17 mục tiêu được đề ra bởi Liên Hiệp Quốc.
Tại khu vực chung cư 1B, hoạ sỹ Daes - Lưu Đoàn Duy Linh chuẩn bị hàng chục chai sơn phun, sơn nước để lên xe cẩu tiếp tục hoàn thiện bức tranh của mình ở trên cao nhiều giờ.
Chiếc xe cẩu chuyên dụng có độ cao hơn 20m dành cho hoạ sỹ và người điều khiển mỗi người một công việc. “Vào ngày đầu vẽ, do độ nhấp, rung của cẩu khi lên cao nên mình vẽ không được ổn định so với ở mặt đất nhưng khi quen được nhịp thì dần dễ dàng hơn”, Daes cho biết.
Duy Linh cho biết thêm, nội dung bức tranh anh vẽ nhằm tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người dân, trẻ em về về biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường. Bên cạnh đó, anh cùng nhóm nghệ sỹ muốn làm cho các chung cư, toà nhà cũ có được vẽ đẹp mới, người dân thích thú hơn.
Ngoài làm quen với độ cao khi vẽ bức tranh lớn, các hoạ sỹ còn phải luồn dưới dây điện để vẽ những chi tiết của bức tranh. Các nghệ sỹ sẽ chọn một trong số các Mục tiêu phát triển bền vững của Liên Hiệp Quốc để phát triển ý tưởng và thực hiện các tác phẩm của mình.
Mặc dù chưa hoàn thiện nhưng những bức tranh khổng lồ, đầy màu sắc và đẹp mắt thu hút người dân và khách qua lại khu chung cư nhìn ngắm, chụp hình.
Những cửa sổ, tấm tôn, lô gia… của các hộ dân vẫn được giữ nguyên, trang trí thêm màu dắc và sử dụng bình thường khi các hoạ sỹ thực hiện.
Tại Villa 48 Nguyễn Đình Chiểu - Mai Thị Lựu, hai nghệ sỹ khác dùng cẩu xếp vẽ bức tranh graffiti lớn dài gần 40m, cao gần chục mét với nhiều nội dung kết hợp.
Bà Frédérique Horn - Giám đốc Viện Pháp tại TP.HCM cho biết dự án với mục tiêu làm cho đông đảo người dân biết đến thể loại nghệ thuật đường phố là làm đẹp cho khu phố, thành phố. Nếu thành phố thấy phù hợp thì đơn vị sẽ triển khai nhân rộng ở khu vực khác trên địa bàn.
Những hình ảnh đầy màu sắc mang lại vẽ đẹp, thay áo mới cho bức tường cũ trước đây. Tranh phun sơn từ gốc tiếng Anh là Graffiti bắt nguồn từ tiếng Latin: Graffito có nghĩa là "hình vẽ trên tường" là tên gọi chỉ chung về những hình ảnh hoặc chữ viết kiểu trầy xước, nguệch ngoạc trên các bức tường ở các đường phố, khu phố và được vẽ bằng sơn hoặc đánh dấu bằng bất cứ vật liệu gì.
Sau 7 ngày thực hiện, hôm nay (11/12), người dân, khán giả có thể đến 2 địa điểm này để xem trực tiếp các tác phẩm, gặp gỡ và giao lưu với các nghệ sỹ để hiểu thêm về nghệ thuật vẽ tranh tường.
Nguồn: [Link nguồn]