Đừng trì hoãn tăng lương tối thiểu
Nhiều đại biểu Quốc hội không đồng tình về dự kiến hoãn điều chỉnh lương đối với người hưởng lương ngân sách từ ngày 1/5/2013 và lo ngại việc này gây ra hệ lụy không nhỏ
Ghi nhận những nỗ lực của Chính phủ trong kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô trong bối cảnh có nhiều khó khăn, các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) cũng đề nghị không trì hoãn tăng lương tối thiểu, giải quyết nợ xấu… khi thảo luận tổ về tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách, ngày 24/10.
Phần lớn sống nhờ lương
Nhiều ĐBQH băn khoăn, lo lắng và không đồng tình về việc Chính phủ dự kiến hoãn điều chỉnh lương đối với người hưởng lương ngân sách từ ngày 1/5/2013 do thiếu nguồn. ĐB Trần Thanh Hải (TPHCM) cho rằng rất không nên trì hoãn tăng lương theo lộ trình và hệ lụy việc trì hoãn là không nhỏ. Theo ĐB Trần Thanh Hải, TPHCM có 138.431 người hưởng lương hưu, trong đó người có mức thấp nhất 1,030 triệu đồng (bình quân lương hưu ở TPHCM 2,17 triệu đồng).
Với mức chi đủ sống của người dân TPHCM tính từ năm 2011 là 2,058 triệu đồng/tháng, chưa kể lạm phát năm nay dự báo là 5,7% và sang năm lạm phát 8% thì tình hình càng khó khăn hơn. “Việc tăng lương và ổn định tâm lý, tạo niềm tin trong nhân dân là hết sức quan trọng để Chính phủ và nhân dân đồng thuận vượt qua khó khăn” - vị ĐB hiện là Phó Chủ tịch Thường trực LĐLĐ TPHCM phân tích.
ĐB Trần Du Lịch đề nghị ngân hàng thương mại phải sẻ chia cùng đất nước, doanh nghiệp bằng cách giảm lãi, tiết giảm chi phí. Ảnh: Thế Dũng
Ông Hải cũng cho biết tại TP lớn nhất cả nước này có tới 78.443 CBCC có hệ số lương 3,0 trở xuống thì việc tăng lương là rất quan trọng để bảo đảm đời sống. “Hiện nay mức sống nói chung của CBCC là chưa bảo đảm. Nếu không điều chỉnh lương thì sẽ không giải quyết được nhu cầu cần thiết của một bộ phận lớn người dân hiện nay. Tuy nhiên, bên cạnh điều chỉnh lương cũng cần có biện pháp cụ thể để nâng cao chất lượng đội ngũ CBCC và xã hội hóa một số bộ phận để giảm chi ngân sách”- ĐB Hải đề nghị.
ĐB Lê Minh Thông (Thanh Hóa) cũng rất băn khoăn trước việc Chính phủ dự kiến không tăng lương theo lộ trình trong năm 2013, bởi theo ông, trong đấu tranh chống tham nhũng thì tiền lương đủ sống là rất quan trọng. ĐB Nguyễn Thị Hồng Hà (Hà Nội) đề nghị: “Phải tăng lương, không nên trì hoãn”.
Về mối lo thiếu hụt nguồn thu để tăng lương, ĐB Trần Thanh Hải cho rằng Chính phủ phải tiết kiệm chi tiêu công, không chi bất hợp lý đồng thời bảo đảm thu tốt, nhất là nguồn thu từ doanh nghiệp (DN) FDI, hạn chế tối đa việc chuyển giá của khối DN. Ông Hải dẫn chứng thực tế DN trong nước khó khăn nhưng dự kiến năm nay nộp ngân sách tăng 15%-20% trong khi DN FDI đánh giá tốt hơn nhiều nhưng dự kiến chỉ có 19,1%.
ĐB Lê Trọng Sang (TPHCM) đề nghị Chính phủ sớm soạn thảo, ban hành Luật Tiền lương tối thiểu để khắc phục tình trạng “chạy” theo lộ trình điều chỉnh lương tối thiểu vùng và lương tối thiểu khối CBCC như suốt thời gian qua.
Xử lý 2 “cục máu đông”
Nhận xét về báo cáo tình hình kinh tế - xã hội của Chính phủ, ĐB Trần Thị Quốc Khánh (Hà Nội) cho rằng báo cáo gần như không có điểm gì mới ngoài phần nhận lỗi của Thủ tướng. Bà Khánh đề nghị Chính phủ cần công khai nợ xấu ở đâu, có đánh giá thực chất và phương án giải quyết cho từng trường hợp, thậm chí phải xử lý hình sự với những người có trách nhiệm.
Cùng mối quan ngại về nợ xấu, ĐB Lê Minh Thông cho rằng hiện nền kinh tế có 2 “cục máu đông” là nợ xấu và hàng tồn kho. Theo ĐB này, thông tin về 1 triệu tỉ đồng đang “chôn” trong bất động sản cho thấy thị trường này đang có cả 2 “cục máu đông” lớn nhất của nền kinh tế.
Chuyên gia kinh tế, Phó Trưởng Đoàn ĐBQH TPHCM Trần Du Lịch đề nghị ngân hàng thương mại phải chia sẻ cùng đất nước, DN bằng cách giảm lãi, tiết giảm chi phí chứ không thể cứ tháng nào cũng khoe lãi. “Xóa nợ xấu chỉ có cách lấy nợ nuôi nợ, cụ thể là khoanh nợ cũ, cho vay mới để phát triển sản xuất” - ông Lịch nói.
Hiến kế với Chính phủ, ĐB Lê Minh Thông cho rằng phá băng thị trường bất động sản bằng giải pháp hạ giá, tái cơ cấu lại thị trường nhà ở (giảm căn hộ cao cấp, tăng căn hộ bình dân) đi đôi với kích cầu, cho vay tiêu dùng… sẽ giúp giải quyết nợ xấu và hàng tồn kho.
Hôm nay (25/10), QH tiếp tục thảo luận về một số nội dung còn có ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quản lý thuế, dự thảo Luật Hợp tác xã (sửa đổi).