Dừng mọi cuộc họp không cần thiết để ứng phó bão Thần Sét

Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng yêu cầu lãnh đạo các tỉnh từ Quảng Ninh đến Thanh Hóa dừng mọi cuộc họp không cần thiết để chỉ đạo công tác ứng phó với cơn bão số 3 – Thần Sét.

Dừng mọi cuộc họp không cần thiết để ứng phó bão Thần Sét - 1

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng chỉ đạo Hội nghị ứng phó bão số 3.

Theo Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn trung ương, bão số 3 – Thần Sét đang ở cách vùng biển Hải Phòng chừng 300km. Sức gió vùng gần tâm bão mạnh cấp 8, giật cấp 10 đến cấp 12 và vẫn đang tiếp tục di chuyển hướng về đất liền nước ta.

Do ảnh hưởng của bão, từ chiều tối nay (18/8), ở Vịnh Bắc Bộ  gió sẽ mạnh dần lên cấp 6 đến cấp 8, vùng gần tâm bão đi qua cấp 9 đến 10, giật cấp 12 đến cấp 14. Biển động rất mạnh.

Từ sáng 19/8, hoàn lưu bão số 3 sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến khu vực các tỉnh phía Đông Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ (từ Quảng Ninh đến Hà Tĩnh), sức gió vùng gần tâm bão mạnh cấp 9, cấp 10, giật cấp 12, cấp 14.

Từ ngày 18-20/8, ở vùng núi phía Bắc và khu vực bắc Trung Bộ khả năng xuất hiện đợt mưa lớn diện rộng với lượng mưa từ 200 - 300mm, có nơi trên 500mm. Nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất tại vùng núi, nhất là tại các những nơi đã bị ảnh hưởng của cơn bão số 1 và số 2 vừa qua.

Nhận định, Thần Sét là cơn bão mạnh, đổ bộ vào thời điểm triều cường, phạm vi ảnh hưởng rộng, vẫn tiếp tục mạnh thêm và diễn biến còn phức tạp, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã yêu cầu 28 tỉnh, thành phố ở vùng núi phía Bắc và khu vực từ Quảng Ninh – Quảng Trị cần đề phòng, hạn chế thiệt hại do bão gây ra.

Theo đó, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Tài nguyên và Môi trường chỉ đạo Trung tâm Khí tượng thủy văn Quốc gia và các cơ quan khí tượng thuỷ văn của các địa phương theo dõi sát diễn biến của bão, mưa lũ. Thông báo liên tục các bản tin để  các cơ quan có liên quan để kịp thời thông tin đến người dân và phục vụ công tác chỉ đạo, ứng phó.

Các cơ quan thông tin đại chúng tăng cường tần suất, thời lượng phát sóng, cập nhật, đưa tin kịp thời về diễn biến, dự báo, cảnh báo, chỉ đạo ứng phó với bão, mưa lũ để chính quyền các cấp ở địa phương và người dân biết, chủ động phòng tránh, ứng phó, tránh tư tưởng chủ quan.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo ngành thủy sản phối hợp với lực lượng biên phòng tuyến biển, chính quyền các địa phương ven biển kiểm đếm, hướng dẫn tàu thuyền về nơi trú ẩn an toàn; rà soát và gia cố các tuyến đê biển xung yếu; kiểm tra hồ đập chứa nước, van xả lũ để chống ngập úng.

Bộ Giao thông vận tải chỉ đạo các đơn vị quản lý hoạt động vận tải hướng dẫn các tàu vận tải trên biển, trên sông bảo đảm an toàn; khắc phục sự cố sạt lở trong đợt mưa lũ vừa qua; bố trí lực lượng, vật tư, thiết bị tại các khu vực xung yếu có nguy cơ sạt lở.

Bộ Công Thương chỉ đạo vận hành an toàn các hồ chứa thuỷ điện, chủ động tham gia phòng, chống lũ cho hạ du, triển khai các biện pháp bảo đảm an toàn hệ thống lưới điện, hầm lò; chủ động dự trữ hàng hoá thiết yếu, nhu yếu phẩm sẵn sàng cung ứng khi có yêu cầu.

Bộ Xây dựng phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công Thương chỉ đạo bảo vệ an toàn các hồ đập; có phương án bảo đảm an toàn đối với các công trình trọng yếu của đất nước.

Bộ Công an chỉ đạo lực lượng công an phối hợp với các lực lượng của địa phương kiểm soát việc giao thông trên các trục giao thông chính trong thời gian bão đổ bộ, hướng dẫn giao thông tại các khu vực ngầm, tràn, đoạn đường bị ngập sâu, nước chảy xiết để bảo đảm an toàn cho người và phương tiện.

Ủy ban Quốc gia tìm kiếm cứu nạn, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an chỉ đạo bố trí lực lượng, phương tiện tại các khu vực xung yếu, sẵn sàng hỗ trợ địa phương triển khai cứu hộ, cứu nạn, tổ chức sơ tán dân khi có yêu cầu.

28 tỉnh, thành phố ơ vùng núi phía Bắc và vùng biển từ Nghệ An – Quảng Trị cần theo dõi diễn biến của cơn bão để kịp thời ứng phó. Miền núi thì cần di dời người dân ra khỏi vùng có nguy cơ sạt lở đất, lũ quét, vận động người dân không ra sông, suối vớt gỗ.

Các địa phương ven biển cần cấm tàu thuyền ra khơi, kêu gọi phương tiện về nơi trú ẩn an toàn. Di dời dân người dân nuôi trồng thủy, hải sản, cá lồng, vùng ven biển vào bờ. Mọi công tác ứng phó phải hoàn thành trước 8 giờ ngày 19/8.

Bộ Y tế, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và các Bộ ngành khác theo chức năng, nhiệm vụ quản lý nhà nước được giao có trách nhiệm chỉ đạo, phối hợp, hỗ trợ các địa phương triển khai có hiệu quả công tác ứng phó với bão, mưa lũ, chủ động khắc phục nhanh hậu quả bão, lũ theo quy định.

Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai tổ chức thường trực, theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão, kịp thời chỉ đạo, đôn đốc của các Bộ, ngành và địa phương triển khai các biện pháp ứng phó với bão; báo cáo Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo kịp thời những vấn đề vượt thẩm quyền.

Yêu cầu lãnh đạo các Bộ, ngành và các tỉnh từ Quảng Ninh đến Thanh Hóa dừng các cuộc họp không cấp thiết để tập trung chỉ đạo phòng, chống bão.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Triệu Quang ([Tên nguồn])
Bão số 3 – Bão Thần Sét Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN