Đụng độ bùng lên tại thủ đô Nepal sau động đất kinh hoàng
Cảnh sát chống bạo động Nepal đã được triển khai và phải vật lộn để trấn áp, kìm chế những người sống sót đang phẫn nộ và giận dữ vì không thể rời khỏi thủ đô Kathmandu sau trận động đất kinh hoàng ngày 25.4.
Báo Anh Telegraph ngày 29.4 đưa tin, các cuộc đụng độ, ẩu đả đã xảy ra ở thủ đô Kathmandu, nơi bị ảnh hưởng nặng nề bởi trận động đất mạnh 7,9 độ richter ngày 25.4 trong khi chính phủ Nepal bị chỉ trích không cung cấp viện trợ kịp thời tới những người sống sót sau thảm kịch kinh hoàng.
Một số người dân địa phương quá khích, thất vọng trước phản ứng chậm chạp của chính phủ đã đụng độ với cảnh sát chống bạo động, sau đó chiếm các nguồn tiếp tế nước uống đóng chai từ xe tải chờ đồ viện trợ tại thủ đô Kathmandu hôm nay (29.4). Một số người biểu tình chặn chiếc xe tải chở nước uống và leo lên thùng xe, ném các chai nước sạch cho đám đông.
Ngày 29.4, hơn 200 người Nepal biểu tình bên ngoài trụ sở quốc hội nước này ở thủ đô Kathmandu, yêu cầu chính phủ triển khai xe bus tới các vùng nông thôn để họ trở về nhà và cải thiện việc cung cấp viện trợ tới các nạn nhân động đất. Chính phủ Nepal đã phải triển khai cảnh sát chống bạo động để trấn áp đám đông đang giận dữ và phẫn nộ.
Tình trạng thiếu lương thực và nước uống ở Nepal đang ngày càng trầm trọng, khiến những người sống sót sau thảm họa động đất đã cướp đi hơn 5.000 mạng người càng thêm tuyệt vọng.
Trong khi đó, hàng nghìn người nôn nóng muốn rời khỏi "vùng đổ nát, hoang tàn" Kathmandu, đã kéo tới trạm xe bus từ lúc bình minh sau khi giới chức trách Nepal hứa hẹn sẽ khôi phục lại hoạt động của các phương tiện giao thông công cộng tới các vùng nông thôn xa xôi.
Người biểu tình tranh cãi với cảnh sát chống bạo động. Ảnh Telegraph.
Tuy nhiên, những chiếc xe bus mà người dân trông ngóng đã không tới như đã được hứa hẹn. Sự tức giận và phẫn nộ trong đám đông tăng lên. Nhiều người quá khích đã ẩu đả với cảnh sát chống báo động được triển khai để giữ an ninh trật tự gần trụ sở quốc hội.
Người biểu tình giận dữ tranh cãi với cảnh sát chống bạo động.
"Chúng tôi đang nôn nóng muốn về nhà (tại các vùng nông thôn) để xem người thân có an toàn không và để đoàn tụ với gia đình mình. Chúng tôi đã đợi từ khi bình minh. Họ (Các nhà chức trách Nepal) thông báo với chúng tôi rằng, sẽ có 250 xe bus được triển khai. Tuy nhiên, chúng tôi không thấy dù chỉ là một chiếc xe", Kishor Kavre, một sinh viên 25 tuổi cho hay.
Tương tự, Kayant Panday, một trong những người biểu tình phản đối chính phủ trước trự sở quốc hội chia sẻ, ông đã dậy từ 4h sáng, tới trạm xe bus chờ trực xe nhưng không được.
"Tôi đã không thể liên lạc được với gia đình mình, những người đang sống ở vùng nông thôn. Tôi không biết người thân còn sống hay đã chết. Không có cách nào liên lạc với mọi người", ông Kayant nhấn mạnh.
Đám đông biểu tình phản đối sự chậm trễ của chính phủ trong việc cung cấp viện trợ cho những người sống sót sau thảm họa động đất ngày 25.4.
Telegraph mô tả, hàng rào cảnh sát chống bạo động đứng phía sau các cuộn dây thép gai trong khi những người quá khích tràn vào các con phố, dùng gậy tấn công các xe bus cũng như những phương tiện khác.
Hàng trăm nghìn người hiện vẫn đang phải ngủ trong những túp lều tạm trên đường phố ở thủ đô Kathmandu, trong khi tại các khu vực hẻo lánh bị tàn phá, người dân cũng đang tìm cách thoát khỏi các khu vực đó do trực thăng thỉnh thoảng mới có thể tiếp cận để đưa hàng cứu trợ.
Tính đến nay, khoảng 5.057 người đã thiệt mạng, hơn 8.000 người bị thương và ước tính 8 triệu người bị ảnh hưởng bởi trận động đất mạnh nhất trong khoảng 8 thập kỷ qua ở Nepal. Thủ tướng nước này Sushil Koirala cảnh báo số nạn nhân thiệt mạng do thảm họa này có thể tăng gấp đôi.
Chính phủ Nepal đã thừa nhận, họ đang bối rối, lúng túng trước sự tàn phá khủng khiếp của trận động đất mạnh nhất nước này trong 80 năm qua dẫn đến sự chậm trễ trong công tác cứu trợ và khắc phục hậu quả thảm họa.
"Có những yếu kém trong công tác điều phối các hoạt động cứu trợ. Thảm họa này quá lớn và chúng tôi đã không thể ngay lập tức đáp ứng đầy đủ nhưng nhu cầu cấp thiết của người dân. Nhưng chúng tôi không ngại nhìn nhận những yếu kém này và sẵn sàng khắc phục để làm tốt nhất có thể", Bộ trưởng truyền thông Nepal Minendra Rijal phát biểu trên kênh truyền hình Kantipur.
Đặc biệt, cùng ngày, trong một động thái mâu thuẫn, một quan chức cấp cao của Liên Hợp quốc cho biết, chính phủ Nepal đã phát đi thông điệp rằng, các đội tìm kiếm và cứu nạn nước ngoài không cần tới hỗ trợ các vùng bị động đất tàn phá vì đã có đủ nguồn lực cứu hộ cứu nạn tại đây.
Theo hãng tin Reuters, Điều phối viên thường trú của Liên Hợp Quốc tại Nepal Jamie McGoldric cho hay, chính phủ nước này đã tuyên bố rằng, đã có đủ các chuyên gia nước ngoài tại các vùng chịu ảnh hưởng của trận động đất kinh hoàng ngày 25.4, đặc biệt là ở bên trong và xung quanh thủ đô Kathmandu
"Họ cho rằng, họ có đủ khả năng để giải quyết những vấn đề cấp bách trước mắt liên quan đến việc tìm kiếm và cứu nạn. Những đội tìm kiếm cứu nạn đang trên đường tới Nepal thì vẫn có thể tiếp tục tới, còn những đội khác đang chuẩn bị đi thì không nên đi nữa", ông Jamie McGoldric cho hay.