Đừng để hộp ngủ là những 'quả bom cài giờ'
Nỗi lo hộp ngủ có thể xảy ra cháy nổ bất cứ lúc nào luôn thường trực, cần phải phòng ngừa từ xa để không phải nuối tiếc muộn màng.
Hẳn nhiều người còn nhớ vụ cháy chung cư mini tại phố Khương Hạ (Hà Nội) hồi tháng 9-2023 khiến 56 người dân thiệt mạng, hay vụ cháy tại phố Trung Kính (Hà Nội) làm 14 người chết vào tháng 5-2024. Mới đầu tháng 6 này, cũng tại Hà Nội lại xảy ra vụ cháy chung cư mini tương tự, rất may lần này không gây thiệt hại về người.
Những vụ cháy vừa được đề cập đều xảy ra tại các khu vực tập trung quá đông người sống trong diện tích nhỏ, khi sự cố xảy ra, việc thoát hiểm gần như bất khả. Nhà trọ còn vậy, thử hỏi hàng trăm hộp ngủ chồng chất lên nhau trên mấy chục mét vuông thì nguy cơ sẽ cao đến đâu?
Sự cố bất ngờ khó có thể lường trước song về mức độ thiệt hại, liệu có cách chủ động giảm thiểu hay không? Theo đánh giá của các cơ quan chức năng và giới chuyên môn, hộp ngủ là mô hình tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ rất cao. Đây thực chất chỉ là chiêu thức mà các chủ thuê trọ tối đa hóa nguồn thu (dựa trên nhu cầu có thật của người thuê là muốn thuê với giá rẻ) mà bỏ qua hoặc xem nhẹ an toàn cho người ở, thậm chí cho tài sản của chính họ.
Nỗi lo hộp ngủ có thể cháy nổ bất cứ lúc nào luôn thường trực. Ảnh: N.YÊN
Rủi ro là có thể nhìn thấy song khung pháp lý chưa rõ ràng khiến các cơ quan quản lý khó có thể “xóa sổ” hoàn toàn mô hình này. Tuy vậy, không hẳn pháp lý về loại hình này không có, bởi Thông tư 20/2016 của Bộ Xây dựng và Phụ lục 2 Văn bản hướng dẫn số 3979/2020 của Sở Xây dựng TP.HCM đã quy định rất rõ về vấn đề này.
Cụ thể, hộ gia đình, cá nhân đầu tư xây dựng nhà ở cho công nhân, người lao động thuê để ở phải đảm bảo các yêu cầu đối với phòng ở như diện tích sử dụng không được nhỏ hơn 10 m2; diện tích sử dụng bình quân không nhỏ hơn 5 m2 cho một người; có các thiết bị phòng, chống cháy nổ theo quy định, phòng ở phải có cửa đi, cửa sổ đảm bảo yêu cầu thông gió và chiếu sáng tự nhiên…
Về PCCC, khách sạn, nhà nghỉ, nhà trọ... phải đáp ứng các điều kiện an toàn theo quy định tại Điều 5 Nghị định 136/2020 hướng dẫn Luật PCCC và Luật PCCC sửa đổi. Hơn nữa, theo điểm d khoản 2 Điều 89 Luật Xây dựng năm 2014 (sửa đổi bởi khoản 30 Điều 1 Luật Xây dựng sửa đổi năm 2020), việc cải tạo, sửa chữa bên trong căn nhà nếu không thuộc trường hợp phải xin giấy phép xây dựng thì vẫn phải đảm bảo các yêu cầu về PCCC.
Như vậy, liệu việc kiểm tra điều kiện cho thuê lưu trú, PCCC tại các khu nhà hộp ngủ này có “giơ cao đánh khẽ” trong khi thực tế nhiều nơi rõ ràng đang rất thiếu an toàn và không đảm bảo theo quy định?
Sở Xây dựng đã chỉ rõ căn cứ vào quy chế phối hợp quản lý trật tự xây dựng trên địa bàn TP thì công trình xây dựng sau khi hoàn thành đưa vào sử dụng sẽ chuyển UBND cấp xã tiếp tục theo dõi, giám sát. Do đó, việc kiểm tra công trình cho thuê phòng, giường ngủ dạng hộp ngủ sau khi hoàn thành đưa vào sử dụng là do UBND cấp xã thực hiện. Như vậy, “địa chỉ” chịu trách nhiệm về vấn đề này đã rõ ràng.
Tuy chưa thể dẹp bỏ hoàn toàn hộp ngủ song dựa trên các quy định đã có, các địa phương nếu sâu sát hơn, quyết liệt hơn thì hoàn toàn có thể ngăn ngừa tốt hơn hậu quả từ những “quả bom nổ chậm”.
Về phía người kinh doanh, các chủ trọ cũng cần tự rà soát và có đánh giá khách quan về khu nhà cho thuê của mình. Với vai trò là chủ nhà, trách nhiệm đầu tiên là phải đảm bảo điều kiện sống an toàn, căn bản cho nguời ở thuê, như vậy việc kinh doanh mới bền vững, lâu dài. Không nên chủ quan cho rằng rủi ro sẽ chừa mình ra, thay vào đó hãy có sự chuẩn bị chu đáo để không phải chịu những hậu quả đáng tiếc khi có sự cố xảy ra.
Nguồn: [Link nguồn]
Hầu hết mô hình hộp ngủ tại các quận trung tâm TP.HCM đều rất chật hẹp, lối thoát hiểm có nơi không đảm bảo an toàn.