Dùng cát biển đắp nền cao tốc Hậu Giang - Cà Mau từ tháng 7

00:00 / 0:00
Chuẩn
Tốc độ đọc
Nữ miền Bắc

Từ tháng 7, cát biển sẽ được dùng đắp nền tuyến chính và tuyến nối dự án thành phần cao tốc Hậu Giang - Cà Mau với tổng chiều dài khoảng 55 km.

Theo thông báo của Bộ Giao thông Vận tải, từ 29/6, nhà thầu tổ chức khai thác cát biển tại Sóc Trăng; đến ngày 1/7 sẽ thi công thí điểm đắp nền đường tại công trường của dự án thành phần cao tốc Hậu Giang - Cà Mau.

Việc thí điểm được mở rộng sau khi cơ quan này phối hợp các bộ ngành, chuyên gia, nhà khoa học... dùng 5.000 m3 cát biển đắp nền gần một km đoạn tuyến hoàn trả đường tỉnh 978 (Bạc Liêu) - thuộc cao tốc Cần Thơ - Cà Mau hồi năm ngoái. Kết quả được đánh giá đáp ứng tiêu chuẩn đối với vật liệu thi công nền đường; thi công tương tự cát sông; chưa có biểu hiện tăng độ mặn đối với môi trường xung quanh đoạn thí điểm.

Công trường cao tốc Hậu Giang - Cà Mau tại vị trí giáp ranh giữa huyện Long Mỹ, tỉnh Hậu Giang với huyện Hồng Dân, tỉnh Bạc Liêu, cuối tháng 6/2024. Ảnh: An Bình

Công trường cao tốc Hậu Giang - Cà Mau tại vị trí giáp ranh giữa huyện Long Mỹ, tỉnh Hậu Giang với huyện Hồng Dân, tỉnh Bạc Liêu, cuối tháng 6/2024. Ảnh: An Bình

Theo đó, trên tuyến chính, đoạn thí điểm dài khoảng 45 km, thuộc địa phận huyện Hồng Dân, tỉnh Bạc Liêu; huyện Vĩnh Thuận, tỉnh Kiên Giang và huyện Thới Bình, tỉnh Cà Mau. Trên tuyến nối sẽ thí điểm đoạn dài 10 km, thuộc địa bàn các huyện Thới Bình, Trần Văn Thời và Cái Nước, tỉnh Cà Mau.

Bộ Giao thông Vận tải cho biết khu vực Đồng bằng sông Cửu Long đang thi công các dự án cao tốc Cần Thơ - Cà Mau, Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng; An Hữu - Cao Lãnh và một số dự án trọng điểm khác. Tổng nhu cầu cát đắp khoảng 50 triệu m3. Hiện, các địa phương xác định được khoảng 37 triệu m3 cát sông. Tuy nhiên, nguồn cát sông và công suất khai thác vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu khiến tiến độ thi công các dự án bị ảnh hưởng.

Tàu khai thác cát biển tại biển Sóc Trăng, cách bờ 40 km, sáng 29/6. Ảnh: An Bình

Tàu khai thác cát biển tại biển Sóc Trăng, cách bờ 40 km, sáng 29/6. Ảnh: An Bình

Qua khảo sát, các bộ ngành liên quan và địa phương xác định khu vực vùng biển tỉnh Sóc Trăng có trữ lượng cát 680 triệu m3. Trong đó, khoảng 145 triệu m3 cát có thể khai thác làm vật liệu xây dựng, san lấp nền các công trình hạ tầng, đường cao tốc.

Đến ngày 21/6, UBND tỉnh Sóc Trăng đã xác nhận khu vực, công suất, khối lượng, phương khai thác cát biển phục vụ thi công Dự án cao tốc Bắc Nam phía Đông. Hôm 28/6, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã có quyết định giao quyền sử dụng khu vực biển thuộc tỉnh Sóc Trăng cho đơn vị thi công để khai thác cát biển thi công cao tốc. Địa điểm khai thác có diện tích gần 100 ha, thuộc khu B1, vùng biển tỉnh Sóc Trăng.

Hướng tuyến cao tốc Cần Thơ - Hậu Giang - Cà Mau. Đồ họa: Mạnh Cường

Hướng tuyến cao tốc Cần Thơ - Hậu Giang - Cà Mau. Đồ họa: Mạnh Cường

Trước đó, hồi giữa tháng 6, làm việc với UBND tỉnh Sóc Trăng, ông Trần Văn Thi, Giám đốc Ban quản lý dự án Mỹ Thuận (chủ đầu tư dự án), cho hay khi được cấp phép, nhà thầu sẽ dùng 6 triệu m3 cát biển đắp nền đường cao tốc qua tỉnh Bạc Liêu, Kiên Giang, Cà Mau.

Cao tốc Hậu Giang - Cà Mau đi qua địa phận tỉnh Hậu Giang, Bạc Liêu, Kiên Giang và Cà Mau. Dự án dài hơn 73 km, vốn hơn 17.000 tỷ đồng, khởi công đầu năm 2023, dự kiến khai thác năm 2026. Giai đoạn đầu, cao tốc rộng 17 m, 4 làn xe. Công trình khi hoàn thành sẽ nối với đoạn cao tốc Cần Thơ - Hậu Giang (dài 36,7 km) giúp giao thông miền Tây thuận lợi, phát triển kinh tế - xã hội ở khu vực.

Nguồn: [Link nguồn]

Giáo sư Nguyễn Ngọc Trân cho rằng việc lấy cát biển thay cát sông làm vật liệu san lấp nền đường cao tốc là chưa có tiền lệ. 

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo An Bình ([Tên nguồn])
Công trình giao thông trọng điểm Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN