Dừng bay 171 máy bay B737 MAX để kiểm tra, Việt Nam ảnh hưởng gì?
Cơ quan Hàng không Liên bang Mỹ đang yêu cầu kiểm tra ngay lập tức khoảng 171 máy bay Boeing 737 MAX trước khi cho phép bay trở lại sau khi máy bay của hãng Alaska Airlines bị bung cửa khi đang khai thác.
Liên quan đến việc Cơ quan Hàng không Liên bang Mỹ (FAA) đang yêu cầu kiểm tra ngay lập tức khoảng 171 máy bay Boeing 737 MAX trước khi cho phép bay trở lại, trao đổi với Báo Người Lao Động, một lãnh đạo Cục Hàng không Việt Nam cho biết FAA đã có thông báo cho nhà chức trách hàng không các quốc gia về việc này. FAA đã mời đại diện Cục Hàng không Việt Nam tham gia một cuộc họp online để thông báo và cập nhật một số thông tin về sự việc.
Cửa thoát hiểm chiếc máy bay B737 MAX-9 của hãng hàng không Alaska Airlines (Mỹ) bung khi đang bay
Theo đó, sau sự cố máy bay B737 MAX-9 của hãng hàng không Alaska Airlines (Mỹ) bị bung cửa khi đang khai thác hôm 5-1, FAA đã ra chỉ lệnh kỹ thuật yêu cầu tất cả các máy bay B737 Max phải kiểm tra khu vực cửa thoát hiểm trước khi đưa vào khai thác trở lại. Có khả năng một chốt ở cửa thoát hiểm bị bung gây nên sự cố trên.
Như vậy, khi có sự cố, nhà chức trách hàng không của quốc gia sản xuất máy bay có hành động kịp thời, trong trường hợp này là yêu cầu tất cả các máy bay B737 MAX phải kiểm tra khu vực cửa trước khi đưa vào khai thác. Quá trình kiểm tra sẽ kéo dài từ 4-8 giờ đối với mỗi máy bay, sau đó máy bay khai thác bình thường.
Theo lãnh đạo Cục Hàng không, hiện Việt Nam chưa có hãng nào khai thác máy bay B737 MAX (gồm cả máy bay B737 MAX-9). Còn trong các máy bay bay đến Việt Nam có một số hãng có sử dụng B737 MAX như Singapore Airlines, China Southern Airlines...
Về nguyên tắc hàng không toàn cầu, khi FAA với tư cách nhà chức trách hàng không quốc gia nơi sản xuất máy bay B737 MAX-9 đã thông báo tạm đình chỉ khai thác loại máy bay này để kiểm tra, các hãng hàng không toàn cầu đang khai thác loại máy bay này sẽ phải tuân thủ. Nhà chức trách hàng không các nước nơi đăng ký máy bay sẽ có động thái kiểm tra. Về phía Cục Hàng không Việt Nam, lãnh đạo Cục đã quán triệt bộ phận phụ trách kỹ thuật hàng không của Cục giám sát chặt chẽ về việc thực hiện các chỉ lệnh kỹ thuật này.
Trước đó, cửa sổ và một mảnh thân trên một máy bay B737 MAX 9 của hãng hàng không Alaska Airlines (Mỹ) đã nổ giữa không trung ngay sau khi cất cánh từ TP Portland thuộc bang Oregon (Mỹ) hôm 5-1 (giờ địa phương).
Vụ nổ khiến máy bay phải hạ cánh khẩn cấp. May mắn là 174 hành khách và 6 thành viên phi hành đoàn đều an toàn.
Sau vụ nổ, Alaska Airlines đã cho dừng các chuyến bay của tất cả 18 máy bay B737 MAX 9 của hãng.
Sau đó, FAA ngày 6-1 tuyên bố cấm khai thác tạm thời với một số máy bay B737 MAX-9 do các hãng hàng không Mỹ hoặc các hãng khác tới sân bay của Mỹ. FAA yêu cầu các hãng và nhà sản xuất Boeing tiến hành kiểm tra ngay lập tức một số máy bay B737 MAX-9 trước khi xem xét cho hoạt động trở lại. Việc kiểm tra bắt buộc sẽ mất khoảng 4-8 giờ đồng hồ cho mỗi máy bay. Dự kiến toàn thế giới có khoảng 171 máy bay B737 Max-9 buộc phải dừng khai thác để kiểm tra.
Hiện Ủy ban An toàn giao thông quốc gia Mỹ (NTSB) đã bắt tay điều tra sự cố này.
Từ năm 2019, Boeing đã phải đối mặt với một số cuộc điều tra về thiết kế của máy bay B737 MAX sau 2 vụ rơi máy bay của Lion Air (Indonesia) hồi tháng 10-2018 và của Ethiopian Airlines hồi tháng 3-2019 khiến tổng cộng 346 người thiệt mạng.
Các máy bay B737 MAX, dòng máy bay đắt hàng nhất của Boeing, đã bị cấm bay trên toàn thế giới sau các tai nạn thảm khốc kể trên. Cục Hàng không cũng đã quyết định tạm thời không cấp phép bay mới và đình chỉ hiệu lực phép bay đã cấp đối với các chuyến bay sử dụng loại máy bay B737 MAX trong vùng trời Việt Nam từ 10 giờ sáng 13-3-2019.
Các điều tra sơ bộ cả hai vụ tai nạn trên cho thấy lỗi hệ thống tăng cường tính năng điều khiển bay (MCAS) được thiết kế đặc biệt cho dòng 737 MAX, có thể là nguyên nhân dẫn tới tai nạn.
Sau đó, đến tháng 3-2021, lệnh cấm hoạt động dòng máy bay B737 MAX đã được dỡ bỏ tại hầu hết các nước trên thế giới. Tới ngày 31-12-2021, Việt Nam cho phép khai thác máy bay B737 MAX trong lãnh thổ sau khi các nhà chức trách hàng không Mỹ và châu Âu khẳng định máy bay này đã khắc phục hết sự cố, đảm bảo an toàn khai thác trở lại.
Hàng không Việt Nam đặt mua B737 MAX, chưa khai thác
Hiện chưa có hãng hàng không Việt Nam nào khai thác máy bay B737 MAX (gồm cả máy bay B737 MAX-9), Hãng hàng không Vietjet có hợp đồng đặt mua tổng cộng 200 máy bay B737 MAX của Boeing vào các năm 2016, 2019. Tuy nhiên, hợp đồng giao 200 máy bay đã bị gián đoạn do sự cố liên quan tới máy bay 737 MAX và những tác động dồn dập của đại dịch COVID-19.
Tại Triển lãm hàng không quốc tế Farnborough 2022, Vietjet và Boeing chính thức ký kết thỏa thuận tái cấu trúc và tiếp tục thực hiện hợp đồng đặt mua 200 máy bay B737.
Nhân chuyến thăm chính thức của Tổng thống Mỹ Joe Biden đến Việt Nam, ngày 11-9-2023, Vietjet và Boeing thống nhất bàn giao những máy bay đầu tiên cho Vietjet theo đặt hàng 200 máy bay B737 MAX. Đơn hàng trị giá hơn 25 tỉ USD sẽ được thực hiện trong 5 năm tới với 12 máy bay đầu tiên được bàn giao ngay trong năm 2024.
Cũng trong ngày 11-9-2023, Vietnam Airlines và Boeing ký kết bản ghi nhớ về việc chào bán 50 máy bay thân hẹp B737 MAX với giá trị 10 tỉ USD. Theo đó, hai bên sẽ phối hợp chặt chẽ để nghiên cứu, đánh giá, sớm báo cáo các cấp có thẩm quyền xem xét, làm cơ sở thúc đẩy quá trình đàm phán, hoàn thiện các thủ tục đầu tư của Vietnam Airlines.
Nguồn: [Link nguồn]
Tối 28-12, nguồn tin cho biết máy bay của hãng hàng không Vietnam Airlines bị rạn nứt bề mặt kính buồng lái trong chuyến bay từ TP HCM đi Narita (Tokyo, Nhật Bản) đã về tới Hà Nội