Dúi tiền vào “tay” Phật: Tạo “nghiệp xấu”

Bà Lê Thị Tân Trang – Phó Giám đốc Sở VHTT-DL Hà Nội cho rằng, hành động dúi tiền vào tay tượng Phật, vô tình tạo nghiệp xấu cho người khác.

Chiều 14/1, tại Hội nghị giao ban báo chí thường kỳ do Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội tổ chức, bà Lê Thị Tân Trang Phó Giám đốc Sở VHTT-DL Hà Nội cho rằng, tiền lẻ dắt vào tay tượng Phật, đặt trên bệ thờ hay gốc cây, từ lâu nay đã trở thành vấn nạn của toàn quốc.

Nguyên nhân do nhiều người dân thiếu hiểu biết nên cho rằng phải dúi đồng tiền vào tận tay tượng thì “ngài” mới chứng cho. Theo bà Trang, hành động đó không chỉ phản cảm mà nhiều khi gây nghiệp cho những người có lòng tham thấy tiền để hớ hênh nên lấy mất.

Phó Giám đốc Sở VHTT-DL Hà Nội gợi ý: “Thay vì rải tiền lẻ, sao chúng ta không để tiền chẵn vào một điểm?”.

Ví dụ, thay vì đặt ở 5 điểm, mỗi nơi 10 nghìn đồng, có thể đặt 50 nghìn đồng vào một điểm thì Phật, thánh cũng vẫn chứng cho ta rằng ta đã cúng tiến 50 nghìn đồng.

“Tôi biết vẫn có những người dân không có nhiều tiền nên phải đổi tiền lẻ để dâng chút lòng thành. Thế thì người ta phải tự tích trữ hoặc chịu giá cắt cổ để đổi”, bà Trang cho hay.

Phó Giám đốc Sở VHTT-DL Hà Nội cho rằng, với chính sách hạn chế phát hành tiền lẻ từ phía ngân hàng Nhà nước sẽ làm giảm hiện trượng đổi tiền lẻ để rải ở chùa, đền. Bởi không có tiền lẻ mớ, năm nay chỉ đổi tiền cũ, người dân sẽ không chuộng vì không đáp ứng được tâm linh. Bên cạnh đó, ít tiền lẻ lưu thông, cò mồi đổi tiền sẽ không có đất mà hoạt động.

Dúi tiền vào “tay” Phật: Tạo “nghiệp xấu” - 1

Bà Lê Thị Tân Trang – Phó Giám đốc Sở văn hóa – thể thao – du lịch Hà Nội tại cuộc họp ngay 14/1

Bà Trang cũng cho rằng, khó có thể phạt người dân rải tiền ở chùa chiền. Bởi Sở VHTT-DL chỉ có chức năng thanh tra kiểm tra, không được đứng ra phạt.

“Ngoài ra, không có quy định ai được đứng ra phạt. Đó là trưởng thôn, chủ tịch huyện hay chánh thanh tra huyện? Nên đây là vấn đề quản lý chưa tới nơi tới chốn trong hoạt động lễ hội”, bà Trang cho hay.

Cũng tại cuộc giao ban, ông Nguyễn Thanh Phong – Chánh Thanh tra Sở VHTT-DL Hà Nội cho rằng, nhiều người dân đi lễ thiếu kiến thức và hiểu biết về lễ hội. Vẫn còn nhiều có tâm lý  muốn “tiền múa chúa cười” đặt vào tiền tay thánh để ngài chứng cho.

Ông ví dụ tại chùa Hương (Mỹ Đức, HN), cách đây vài năm vàng mã đốt vàng ngợp trời, khói cuộn hàng chục mét, tro bay xuống cả suối Yến. Thanh tra Sở phải đề nghị các nhà tu hành tuyên truyền không mang tiền vào cửa Phật, không mang đồ mặn...

Ngoài ra, ông cũng cho biết, người đi lễ hội không biết đến đây là gì, thấy khấn là khấn, muốn xin gì được nấy.

“Đến lễ đền chùa để du xuân, cầu thánh xin sức khỏe chứ đừng xin buôn một bán mười, phòng thuế công an có mắt như mù...”,  Chánh Thanh tra Sở VHTT-DL Hà Nội đưa ra lời khuyên.

Trước đó, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cho biết, dịp Tết Nguyên đán năm nay, Ngân hàng Nhà nước không in tiền đồng mệnh giá từ 2.000 đồng trở xuống.

Ngân hàng Nhà nước cho biết: Hằng năm, trước dịp Tết Nguyên đán, cơ quan này thường đưa ra một lượng tiền mới mệnh giá nhỏ vào lưu thông. Tuy nhiên, trên thực tế, chỉ một phần lượng tiền này được dùng làm phương tiện thanh toán, số còn lại chủ yếu được dùng cho các hoạt động lễ hội, tín ngưỡng. Sau Tết số tiền này lại quay trở lại ngân hàng và rất khó đưa trở lại lưu thông.

Theo Phó Thống đốc Đào Minh Tú, ước tính, chi phí cho hoạt động in tiền mới mệnh giá nhỏ chiếm tới trên 300 tỷ đồng mỗi năm. Bên cạnh đó, công tác kiểm đếm, phân loại, vận chuyển, bảo quản các loại tiền này cũng rất tốn kém và phải huy động nhiều nhân lực. Trong điều kiện kinh tế khó khăn hiện nay, điều này đã gây lãng phí rất lớn cho xã hội vì chi phí in ra một đồng tiền mệnh giá nhỏ thường cao hơn so với mệnh giá của chính đồng tiền đó.

Nhu cầu tiền mới mệnh giá nhỏ tăng cao cũng là nguyên nhân làm phát sinh loại hình kinh doanh dịch vụ đổi tiền hưởng chênh lệch nhằm trục lợi cá nhân, ảnh hưởng tới việc lưu thông tiền tệ và môi trường cảnh quan các khu di tích, đền chùa, lễ hội.

Ngày 7/1, thông tin phát đi từ NHNN cho biết, Thống đốc vừa có văn bản yêu cầu các đơn vị theo dõi sát diễn biến thu, chi tiền mặt, chủ động xây dựng kế hoạch tiền mặt đảm bảo đáp ứng đầy đủ nhu cầu tiền mặt cả về giá trị và cơ cấu các loại mệnh giá tiền.

Yêu cầu này nhằm mục đích đáp ứng tốt hơn nhu cầu tiền mặt tại các địa phương trong dịp Tết nguyên đán Giáp Ngọ 2014; đồng thời hạn chế tối đa việc sử dụng tiền nhỏ lẻ không đúng mục đích, gây tốn kém chi phí in ấn, bảo quản đồng tiền.

NHNN yêu cầu các cơ quan liên quan có biện pháp phù hợp nhằm phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp kinh doanh đổi tiền lẻ để lấy lãi tại các khu vực Lễ hội, đền, chùa hoặc kinh doanh trên mạng gây ảnh hưởng tới việc lưu thông tiền tệ.

Đồng thời, tuyên truyền rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng để nhân dân đồng tình, ủng hộ việc sử dụng đồng tiền mệnh giá nhỏ một cách hợp lý, đúng chức năng và tăng cường bảo vệ hình ảnh đồng tiền Việt Nam.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Dương Tùng ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN