Đức sẽ đón Snowden đến tị nạn để chống lại Mỹ?
Nhiều nhân vật nổi tiếng của nước Đức đang kêu gọi chính phủ nước này cho phép Snowden tị nạn và đứng ra làm chứng về chương trình do thám của Mỹ.
Hiện đang có ngày càng nhiều các nhân vật nổi tiếng ở Đức đang kêu gọi nước này cho phép “kẻ phản bội nước Mỹ” Edward Snowden được tị nạn ở nước này khi hơn 50 chuyên gia và chính trị gia nước Đức yêu cầu Berlin ủng hộ mạnh mẽ hơn nữa đối với Snowden.
Ông Heiner Geissler, cựu Tổng thư ký đảng Dân chủ Công giáo của Thủ tướng Đức Angela Merkel đã kêu gọi: “Snowden đã cống hiến rất nhiều cho thế giới phương Tây, và giờ là lúc chúng ta giúp đỡ anh ấy.”
"Kẻ phản bội nước Mỹ" Edward Snowden
Nhà văn Hans Magnus Enzensberger cũng tuyên bố “giấc mơ Mỹ đang biến thành ác mộng” và cho rằng Na Uy sẽ là thiên đường cho Snowden tị nạn sau khi nước này cho phép Leon Trotsky tị nạn vào năm 1935.
Một số nhân vật nổi tiếng khác của Đức như diễn viên Daniel Bruhl, nhà văn Daniel Kehlmann, nhà hoạt động nữ quyền Alice Schwarzer và Chủ tịch Liên đoàn bóng đá Đức Reinhard Rauball cũng đã bày tỏ sự ủng hộ đối với Snowden.
Một số chính trị gia trong đảng của Thủ tướng Đức Merkel cũng đang rất muốn tới Nga để gặp gỡ Snowden, tuy nhiên họ lại loại trừ khả năng mời Snowden tới Đức bởi họ không muốn đối đầu với Washington trong giai đoạn hiện nay.
Về phần mình, Nga cũng đã tỏ dấu hiệu rằng họ sẽ cho phép các đại biểu Đức được tới Moscow để gặp Snowden. Người phát ngôn của Tổng thống Putin nói rằng Snowden được tự do gặp gỡ bất kỳ ai và sẽ không bị phía Nga cản trở.
Snowden gặp chính trị gia Đức Hans-Christian Strobele tại Moscow
Trong cuộc gặp với Snowden ở Nga hôm thứ Năm tuần trước, chính trị gia nhiều ảnh hưởng của Đức Hans-Christian Strobele đã ngỏ ý nhờ Snowden đứng ra làm chứng trước Quốc hội Đức về chương trình do thám quy mô lớn của Mỹ, trong đó Thủ tướng Đức Angela Merkel là một nạn nhân. Tuy nhiên, nếu Snowden đồng ý tới Đức để làm chứng, anh này sẽ mất quyền tị nạn tạm thời ở Nga vốn sẽ hết hạn vào tháng 6 năm sau, và khi đó, việc được tị nạn ở Đức sẽ có ý nghĩa rất lớn đối với anh.
Tuy nhiên, có vẻ như hiện nay chính quyền của Thủ tướng Đức Merkel đang tìm cách giải quyết cuộc khủng hoảng do thám với Mỹ bằng một thỏa thuận song phương không do thám lẫn nhau hơn là thúc đẩy một cuộc cải cách về đạo luật bảo mật thông tin ở châu Âu. Một số nguồn tin cho hay thỏa thuận “không do thám lẫn nhau” này sẽ được Mỹ và Đức ký kết vào đầu năm tới.