Đưa xe buýt cho người khuyết tật vào sử dụng
Đây là những xe do tư nhân đầu tư sẽ lăn bánh trên đường phố TPHCM vào ngày 4/7.
Không chỉ mạnh dạn đầu tư 6 xe buýt chạy bằng nhiên liệu sạch (khí nén thiên nhiên-CNG) trị giá 1,6 tỉ đồng/xe, các xã viên của Liên hiệp HTX Vận tải TPHCM còn chịu chơi, đầu tư 2 chiếc xe buýt sạch chuyên dùng dành cho người khuyết tật (NKT) trị giá 2 tỉ đồng/xe.
Đúng tiêu chuẩn quốc tế
Đưa chúng tôi xem mô hình 2 chiếc xe buýt chuyên dùng dành cho NKT sẽ chính thức đưa vào sử dụng ngày 4/7, ông Phùng Đăng Hải, Giám đốc Liên hiệp HTX Vận tải TPHCM, cho biết với đặc điểm sàn xe thấp, khi NKT lên xe chỉ cần bước một bậc, nếu ngồi xe lăn thì có hệ thống nâng lên, hạ xuống dễ dàng, trên xe còn có hệ thống giữ xe lăn, 4 hệ thống bầu hơi phân bố đều giúp xe có thể tránh sốc, êm ái vượt qua những đoạn đường gồ ghề, bảo đảm đúng tiêu chuẩn dành cho NKT. So với những xe buýt sàn thấp được đưa vào sử dụng từ năm 2006 để NKT tiếp cận thì xe buýt này hiện đại hơn nhiều, phù hợp tiêu chuẩn quốc tế.
Mô hình xe buýt dành cho người khuyết tật đúng tiêu chuẩn
Hai chiếc xe buýt này sẽ chạy tuyến Bến xe An Sương, Đại học Nông Lâm (mã số 104) cùng với 6 xe buýt CNG mới được đầu tư. Kích cỡ tương đương xe có sức chứa 80 khách nhưng chỉ có 29 ghế, tiêu hao nhiên liệu nhiều hơn nên hiệu quả kinh tế rất thấp. “Đây là duyên may bởi trong lô hàng 8 xe buýt nhập từ Hàn Quốc thì có 2 xe buýt dành cho NKT, còn rất mới nhưng giá khá mềm. Chớp được cơ may này, tôi đã chia sẻ với gia đình ông Ôn Huê Xương, Việt kiều Úc, người đã đầu tư 6 xe buýt CNG mấy tháng trước. Tôi cũng vạch ra những khó khăn về lợi ích kinh tế, chỉ có cái lợi duy nhất là hiệu quả xã hội dành cho NKT. Vậy là họ đồng ý”- ông Hải chia sẻ.
Có cơ chế, xã viên sẽ mạnh dạn hơn
Việc đầu tư xe buýt sạch của gia đình ông Việt kiều Úc cũng khiến các xã viên của Liên hiệp HTX Vận tải nôn nao. Ngay khi thấy được cái lợi về môi trường, hiệu quả trong hoạt động kinh doanh, nhiều xã viên mạnh miệng kêu gọi gia đình hùn vốn mua xe. Anh Hồ Phát Minh (quận 1), hơn 10 năm hoạt động trong ngành xe buýt, đến nay đã mạnh dạn bỏ ra 1,6 tỉ đồng mua xe buýt sạch. “Tôi đi Thái Lan, Malaysia, thấy xe buýt sạch chạy đầy đường, còn TPHCM mình lèo tèo có vài chiếc. Ban đầu, thấy người ta làm thì khoái lắm nhưng cũng phân vân bởi mình vốn ít, TP lại chưa có cơ chế ưu đãi hay hỗ trợ gì cụ thể dành cho xe buýt sạch. Do đó chúng tôi rất mong TP sớm có cơ chế hỗ trợ, có chính sách trợ giá dành cho xe buýt sạch để xã viên mạnh dạn đầu tư thêm xe mới”.
Ngoài anh Minh, nhiều xã viên khác cũng mong TP sớm có đơn giá trợ giá cho xe buýt sạch và đơn giá này phải cao hơn đơn giá dành cho xe chạy bằng dầu diesel. Nếu được như vậy thì chắc chắn không bao lâu, TPHCM sẽ có nhiều xe buýt sạch do tư nhân đầu tư thay vì chỉ hơn 50 xe như hiện nay. “Có chính sách trợ giá cho xe buýt thì mới thúc đẩy việc mở rộng các trạm cung cấp khí CNG, bởi hiện nay nhà cung cấp khí không thể xây trạm nhiều nơi khi chi phí đầu tư cao mà chỉ nạp khí cho vài chục xe. Chưa kể, khi đi nạp tại một trạm, chủ phương tiện cũng mất nhiều thời gian chờ đợi” - ông Hải kiến nghị.
Như một tấm chân tình Bà Võ Thị Hoàng Yến, Giám đốc Chương trình Khuyết tật và Phát triển TPHCM (DRD), phấn khởi: “Tuy chỉ có 2 chiếc xe buýt CNG đưa vào sử dụng nhưng là tin vui cho NKT, mong rằng sẽ có thêm nhiều nhà đầu tư quan tâm hơn tới NKT để họ được tiếp cận phương tiện này. Trước đó, nhiều lần DRD gửi đơn kiến nghị các cơ quan quản lý hỗ trợ phương tiện, dịch vụ để NKT được tiếp cận phương tiện vận tải công cộng, xóa đi rào cản cũng như sự phân biệt, kỳ thị giữa người thường và NKT, nhưng họ đưa ra nhiều khó khăn như chi phí đầu tư xe cao hơn 30% - 50% so với xe thường, xe do tư nhân tự đầu tư, Nhà nước chỉ hỗ trợ một phần lãi vay… |