Đua nhau dựng nhà gỗ "khủng" ở Gia Lai, Kon Tum
Hàng trăm căn nhà gỗ “khủng” đang mọc lên tại trụ sở cơ quan công quyền và tư gia quan chức, đại gia ở Gia Lai, Kon Tum trong khi lực lượng chức năng lúng túng không thể xử lý nhà gỗ vì “không có quy định”.
Một chiếc cổng hoành tráng của một căn biệt thự gỗ
Trùm gỗ thị uy bằng nhà “khủng”
Địa bàn huyện Ia Grai (Gia Lai) là vùng “nóng” về nạn phá rừng, buôn bán gỗ lậu với 5 đầu nậu lớn là “K.Đ.”, “Q.C.”, “P.Đ.”, “H.Đ.Đ” và “Ng.C.”.
Những biệt thự bằng gỗ “khủng” của các trùm gỗ lậu mọc lên dày đặc dọc tỉnh lộ 664, từ trung tâm huyện tới xã Ia O (huyện Ia Grai) với chiều dài 50km.
Theo quan sát, biệt thự gỗ của “Ng.C” có phần cổng làm bằng những thân gỗ quý. “Ng.C” thuê những thợ mộc giỏi nhất vùng thiết kế với không gian trong nhà sang trọng cùng các loại gỗ từ nhóm I đến III. Trước năm 2009, “Ng.C” chỉ là người thu mua gỗ nhỏ lẻ. Chỉ sau 3 năm, “Ng.C” giàu lên sau khi thuê người khai thác gỗ ở huyện Ia H’Drai, Gia Lai.
Căn nhà gỗ của một lãnh đạo xã Uar.
Cũng tại xã Ia Krái (huyện Ia Grai), căn biệt thự gỗ của “K.Đ.” được làm cách đây khoảng 2 năm, thiết kế theo không gian 2 tầng, với bộ bàn ghế bằng gỗ cẩm đục tứ linh. Để làm ra bộ ghế quý này, “K.Đ.” mất khoảng 7m3 gỗ cẩm. Một căn biệt thự gỗ khác cũng tại vùng này đang được “Q.C.” dựng lên. Theo giới lâm tặc, nếu dựng xong, đây sẽ là biệt thự gỗ có “một không hai”. Qua quan sát, có hàng chục thợ mộc ngày đêm đục đẽo những phần lõi gỗ nguyên khối dài hàng chục mét, đường kính 70 cm làm khung cho căn biệt thự. Nhiều khi công trường gỗ đằng sau nhà “Q.C.” quá tải, thợ phải đẩy gỗ ra sát mép đường để tiện cho công việc.
Ông Lâm Văn Long - Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Ia Grai, nói: “Nhà gỗ chúng tôi không xử lý được, vì từ trước đến nay không có quy định nào về kiểm tra nhà gỗ? Chúng tôi chỉ kiểm tra được nguồn gốc gỗ”. Còn ông Nguyễn Ngọc Anh (Chánh văn phòng HĐND - UBND huyện Ia Grai) cho biết việc quản lý, kiểm tra nhà gỗ do phía chính quyền địa phương xã. Nếu việc xử lý có vướng mắc gì, chính quyền địa phương mới báo cáo lên cấp huyện.
Quan chức cũng làm nhà gỗ
Vào năm 2015, căn nhà của ông H.X.M (một lãnh đạo xã Uar,huyện Krông Pa, Gia Lai) mọc sừng sững giữa những ngôi nhà cấp 4 lụp xụp trong khu vực. Theo người dân, vị cán bộ này thuê thợ đục từ Huế vào trạm trổ hoa văn, không gian. Tổng giá trị căn nhà gỗ “khủng” này được ông M. khoe với người dân rằng 7 tỷ đồng với thiết kế 2 tầng, 5 gian. Bên trong được bài trí bằng những vật dụng, tượng gỗ quý hiếm.
Trong khi đó, tại khuôn viên của Tỉnh ủy Gia Lai và Kon Tum cũng dựng hai căn nhà gỗ hoành tráng. Theo thiếu tá Đậu Thiện Lương (Trưởng Phòng Kế hoạch - Tài chính, Binh đoàn 15), vào năm 2012, đơn vị này làm tặng cho Tỉnh ủy Gia Lai căn nhà gỗ có diện tích nhà chính 240 m2 để tri ân chính quyền địa phương đã tạo điều kiện, giúp đỡ cho đơn vị hoạt động trên địa bàn. Còn tại ở tỉnh Kon Tum, căn nhà gỗ trong khuôn viên Tỉnh ủy Kon Tum rộng hơn 150m2 được thiết kế theo dạng nhà rường cổ, mái ngói. Khung nhà được làm từ nhiều thân gỗ lớn kết nối với nhau. Bao quanh là hệ thống tường xây giả cổ và các cánh cửa gỗ được trạm khắc công phu. Theo ông Tô Xuân Tụng (Chánh văn phòng Tỉnh ủy Kon Tum), căn nhà nêu trên được dựng trước khi nhận nhiệm vụ nên “không nắm rõ”.
Ông Nguyễn Tấn Liêm - Chi Cục trưởng Chi cục kiểm lâm tỉnh Kon Tum, cho biết: Để kiểm tra một nhà gỗ phải qua nhiều khâu, nhiều yếu tố bởi mỗi đơn vị có chức năng riêng. Không thể thấy nhà người ta là vào kiểm tra, lập biên bản, mà phải nắm chắc được nguồn gốc như thế nào, có sự phối hợp giữa các ngành chức năng. Việc kiểm tra phải căn cứ theo tình hình cụ thể để triển khai. |
Không chỉ các đại gia, tại nhiều cơ quan nhà nước ở nhiều tỉnh Tây Nguyên cũng đua nhau dựng nhà gỗ để… tiếp khách