Đưa gần 800 người lang thang xin ăn về các trung tâm

Sự kiện: Tin nóng

Mặc dù TP.HCM ra sức tập trung trẻ em, người lang thang xin ăn nhưng nhiều người vẫn tìm cách đối phó, một phần do trông chờ vào tình thương của nhà hảo tâm.

Sau hơn sáu tháng triển khai Quyết định 812 của UBND TP về quy định cơ chế phối hợp thực hiện công tác tập trung trẻ em, người lang thang xin ăn và đối tượng cần bảo vệ khẩn cấp khác trên địa bàn (có hiệu lực từ ngày 16-3), theo ghi nhận của PV trong hai tháng 8 và 9, tình trạng ăn xin vẫn tiếp tục diễn ra tại các quận trong TP.

Mưa hay nắng vẫn đi xin

15 giờ ngày 4-8, khi dừng xe chờ đèn đỏ tại ngã tư Nguyễn Hữu Thọ - D15, D4 (thuộc phường Tân Hưng, quận 7), hai bé gái trạc 6-7 tuổi tiến lại gần chúng tôi, một bé nói khẽ: “Chú ơi, con khổ quá, cho con xin vài ngàn đi chú” và chìa bàn tay đen sần ra xin tiền. Đứng kế bên có thêm một bé gái cũng đang giương ánh mắt mệt mỏi mong chờ sự thương xót của khách qua đường.

18 giờ ngày 22-8, hai bé gái khác lớn hơn (khoảng 10 tuổi) được trang bị dép, mũ, áo khoác rất tiện lợi để sẵn sàng “mưu sinh” đến khuya.

21 giờ 30 ngày 15-9, khu vực ngã tư Nguyễn Hữu Thọ - D15, D4 có một nhóm trẻ em gồm ba bé gái đang xin tiền của người đi đường. Mặc dù trời mưa phùn nhưng các bé này vẫn chịu khó luồn lách vào dòng người dừng xe để xin tiền mỗi khi có đèn đỏ.

Bên cạnh tình trạng trẻ em xin ăn, PV Pháp Luật TP.HCM vẫn còn ghi nhận người lang thang tập trung trên địa bàn phường 6, quận 4, nhất là khu vực ngã ba cầu Ông Lãnh - Hoàng Diệu.

Như một thông lệ, khoảng 19 giờ mỗi ngày, người lang thang bắt đầu đến “cát cứ” vỉa hè trên cầu, bắt đầu từ dốc cho đến giữa cầu. Họ đến ngồi, nằm, trườn ra vỉa hè mặc cho người bộ hành phải đi xuống lòng đường. Khi chúng tôi hỏi vì sao lại tới dốc cầu này mà không đi nơi khác, những người này đều có cùng câu trả lời: “Chờ nhận quà từ thiện”.

Nhóm hai bé gái và ba bé gái xin tiền tại ngã tư Nguyễn Hữu Thọ - D15, D4 (thuộc phường Tân Hưng, quận 7) lần lượt vào các ngày 4-8 và 15-9.

Nhóm hai bé gái và ba bé gái xin tiền tại ngã tư Nguyễn Hữu Thọ - D15, D4 (thuộc phường Tân Hưng, quận 7) lần lượt vào các ngày 4-8 và 15-9.

Các nhà hảo tâm hoạt động từ thiện cần phối hợp với MTTQ và các tổ chức chính trị, xã hội phát quà nhằm tránh trường hợp người xin quà giành giật nhau, sau đó không ăn mà vứt bỏ lung tung và có thể xảy ra tai nạn, ách tắc giao thông tại các khu vực chân cầu, trên cầu Ông Lãnh.

Bà NGUYỄN THỊ NGỌC LAN, Phó Chủ tịch UBND phường 6, quận 4, TP.HCM

Bà H (74 tuổi) chia sẻ: “Tối nào tôi cũng ngồi chỗ này để chờ người ta phát đồ ăn. Hôm nay đi gom sắt vụn, đồ nhựa không được vì trời mưa quá nên tôi núp bên quận 1 chờ tới tối ra thẳng đây luôn”.

Ông T (45 tuổi) cho biết buổi sáng sẽ đến các bệnh viện lớn ở các quận 5, 1, 3 để lấy cơm từ thiện, tối về lại dốc cầu Ông Lãnh chờ nhận quà từ thiện. “Cũng nhằm ngày nữa, chú ơi. Bữa người ta cho đồ ăn quá trời, có bao lì xì thì mình khỏe. Có bữa trời mưa, không “ma” nào cho cũng phải ráng ngồi, hên xui có miếng ăn. Phước đức tại trời” - ông T nói.

22 giờ ngày 15-9, tại ngã ba cầu Ông Lãnh - Hoàng Diệu, có nhà hảo tâm đem đồ ăn đến, nhiều người ùa ra vây xung quanh mạnh thường quân này, tạo ra khung cảnh hỗn độn, mất trật tự.

Nhà hảo tâm cần liên hệ chính quyền trước

Trước tình trạng trẻ em, người lang thang xin ăn vẫn còn tiếp diễn tại TP.HCM, chính quyền các cấp đã chủ động trong việc rà soát các đối tượng này, bước đầu đạt nhiều chuyển biến tích cực.

Ông Nguyễn Trường Giang, Chủ tịch UBND phường Tân Hưng, quận 7, cho biết UBND phường đã thành lập tổ công tác xử lý tình trạng trẻ em, người ăn xin và gom được 16 đối tượng (gồm 7 người Campuchia, 9 người Việt Nam). Tuy nhiên, theo ông Giang, các đối tượng sau khi được tập trung luôn tìm cách chống chế, hoạt động 3-4 lần/ngày nhưng mỗi lần hoạt động thì chỉ hoạt động 1 tiếng và hoạt động ba ngày/tuần vào các khung giờ khác nhau.

Bà H ngồi tại dốc cầu Ông Lãnh (hướng từ quận 4 sang quận 1) vào tối 22-8 và đám đông tập trung tại vỉa hè đường Hoàng Diệu (thuộc phường 6, quận 4) vào tối 28-8 để nhận quà từ thiện.

Bà H ngồi tại dốc cầu Ông Lãnh (hướng từ quận 4 sang quận 1) vào tối 22-8 và đám đông tập trung tại vỉa hè đường Hoàng Diệu (thuộc phường 6, quận 4) vào tối 28-8 để nhận quà từ thiện.

“Vì có kinh nghiệm nên người ăn xin nhớ mặt cán bộ và có tính cảnh giác cao nên khi thấy cán bộ từ xa là bỏ chạy” - ông Giang thông tin thêm.

UBND phường 6, quận 4 qua chín đợt ra quân (từ ngày 8-2 đến 8-6) đã tập trung và chuyển lên Trung tâm Hỗ trợ xã hội TP 16 trường hợp (trong đó có 2 trẻ thổi lửa).

Về tình trạng người tập trung tại các khu vực như vỉa hè ngã ba cầu Ông Lãnh - Hoàng Diệu, dốc cầu Ông Lãnh (hướng từ quận 4 sang quận 1) vào mỗi tối để nhận quà từ thiện, bà Nguyễn Thị Ngọc Lan, Phó Chủ tịch UBND phường 6, quận 4, mong muốn nhà hảo tâm liên hệ với địa phương để đến đúng tay người cần, tránh trường hợp lãng phí khi tặng quà tự phát ở nơi công cộng.

Sẽ xử lý nghiêm đối tượng có hành vi ép buộc người khác ăn xin

Từ ngày 16-3 đến 10-9, Sở LĐ-TĐ&XH TP.HCM đã tiếp nhận 797 trường hợp, trong đó tại Trung tâm Bảo trợ xã hội là 694 trường hợp, Trung tâm Điều dưỡng bệnh tâm thần là 103 trường hợp. Mặt khác, Sở LĐ-TĐ&XH ban hành các văn bản chỉ đạo, phối hợp với các cơ quan chức năng rà soát trẻ em, người lang thang xin ăn và sẽ mạnh tay xử lý các đối tượng có hành vi trục lợi từ sức lao động của người khác.

“Sở sẽ phối hợp với Công an TP, các cơ quan chức năng xử lý triệt để, nghiêm minh theo quy định của pháp luật đối với các đối tượng có hành vi tổ chức xúi giục, ép buộc trẻ em, người cao tuổi, người khuyết tật... đi xin ăn trên các tuyến đường” - ông Trần Quốc Dũng, Phó Trưởng phòng Bảo trợ xã hội (Sở LĐ-TB&XH), cho biết.

Nguồn: [Link nguồn]

Công an Hà Nội làm rõ “âm mưu” của cặp vợ chồng đằng sau nhóm người ăn xin, bán hàng rong

Không chỉ đưa những người già, người khuyết tật ở quê ra Hà Nội bán hàng rong, ăn xin, vợ chồng Nguyễn Văn Kiện và Nguyễn Thị Nga còn theo dõi từ xa để "đôn đốc"...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo QUỐC HƯƠNG ([Tên nguồn])
Tin nóng Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN