Dữ liệu dân cư: Có giữ bí mật cá nhân?

Xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và cấp số định danh cá nhân có đảm bảo tính bí mật thông tin cá nhân của công dân?

Tại cuộc họp báo do Bộ Tư pháp tổ chức chiều 13/6, đại diện các Bộ Tư pháp và Công an đã trả lời một số vấn đề về số định danh cá nhân và cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.

Như đã đưa tin, mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định phê duyệt “Đề án tổng thể đơn giản hóa thủ tục hành chính, giấy tờ công dân và các cơ sở dữ liệu liên quan đến quản lý dân cư giai đoạn 2013-2020”.

Theo đó, Bộ Tư pháp và Bộ Công an phối hợp với một số cơ quan sẽ xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và cấp số định danh cá nhân cho công dân. Mục tiêu của việc cấp số định danh cá nhân là giảm giấy tờ công dân và nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về dân cư.

Hiện nay, mỗi công dân có thể phải giữ hàng chục loại giấy tờ như giấy khai sinh; thẻ bảo hiểm; sổ hộ khẩu; chứng minh nhân dân; hộ chiếu; giấy đăng ký kết hôn; giấy phép lái xe; sổ bảo hiểm xã hội; thẻ bảo hiểm y tế;...

Việc cấp số định danh cá nhân sẽ làm giảm giấy tờ công dân thông qua việc tích hợp thông tin của nhiều giấy tờ công dân trên một giấy tờ công dân hoặc hướng đến việc quản lý công dân không sử dụng giấy tờ.

Dữ liệu dân cư: Có giữ bí mật cá nhân? - 1

Thiếu tướng Trần Văn Vệ (Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự an toàn xã hội - Bộ Công an) cho biết, mã số định danh gắn với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Các bộ, ngành thống nhất, lấy số CMND mà Bộ Công an đang cấp thí điểm theo mẫu mới làm mã số định danh. Số này có thể đảm bảo sau 500 năm vẫn không bị trùng lặp.

Báo chí đặt vấn đề, Đề án xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và cấp số định danh cá nhân có đảm bảo tính bí mật thông tin cá nhân của công dân?

Đại tá Vũ Xuân Dung (Cục trưởng Cục Cảnh sát đăng ký quản lý cư trú và dữ liệu Quốc gia về dân cư) cho biết, không phải ai cũng có thể truy cập vào cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.

Ông Dung cho hay, việc truy cập thông tin sẽ được phân cấp cho người dùng. Sau này, các bộ ngành sẽ phải xây dựng Nghị định quy định về việc quản lý, khai thác, sử dụng cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để đảm bảo bí mật thông tin của công dân.

Trước câu hỏi, liệu có thể bỏ CMND hay không, Đại tá Vũ Xuân Dung khẳng định điều này là không thể được. Theo ông Dung, chúng ta thu thập cơ sở dữ liệu về công dân nên mỗi người có một mã số. Công dân phải có một giấy tờ nào đó để công nhận mã số này.

Theo ông Dung, Đề án cũng đã tính đến việc sau này có đầy đủ hạ tầng và các điều kiện, thiết bị đầy đủ, có thể sẽ hướng tới cấp thẻ công dân điện tử. Lúc đó mới có thể bỏ CMND được.

Báo chí nêu vấn đề: Năm 2016 mới bắt đầu cấp mã số định danh. Từ giờ đến lúc đó, mọi thủ tục giấy tờ vẫn thực hiện bình thường. Vậy sau đó, người dân một lần nữa phải sửa đổi, lại gây lãng phí. Tại sao việc cấp mã số định danh không thực hiện luôn bây giờ mà phải đợi?

Dữ liệu dân cư: Có giữ bí mật cá nhân? - 2

Thứ trưởng Bộ Tư pháp Lê Hồng Sơn

Thứ trưởng Bộ Tư pháp Lê Hồng Sơn cho biết, số định danh như một chìa khóa để truy cập vào cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Nếu chưa thu thập được cơ sở dữ liệu về dân cư thì cấp mã số định danh cũng không có ý nghĩa gì.

Điều này giống như việc chúng ta mở khóa để vào một kho dữ liệu. Vậy việc đầu tiên phải làm là nhập những thông tin cơ bản của công dân vào kho. Kế đến mới cấp mã số định danh vào để khai thác thông tin, giải quyết các thủ tục hành chính và sử dụng để thực hiện việc quản lý nhà nước. Trong một phạm vi nhất định, người dân có thể truy cập vào cơ sở dữ liệu để biết thông tin về mình.

Thủ tục hành chính và giấy tờ công dân phải được quy định trong văn bản quy phạm pháp luật. Không thể có thủ tục hành chính nào nằm ngoài văn bản quy phạm pháp luật. Muốn cải cách thủ tục hành chính, đưa ra phương án đơn giản hóa việc thực thi phải phù hợp với văn bản quy phạm pháp luật liên quan.

Một trong những nhiệm vụ quan trọng là rà soát và lược bỏ các thủ tục. Về cơ bản các bộ ngành đã hoàn thành việc sửa đổi các thông tư để thực hiện các phương án mà đề án quy định.

Chính phủ đã đề xuất Quốc hội ưu tiên xem xét những văn bản quy phạm pháp luật cần sửa đổi bổ sung, thay thế khi thực hiện đề án cải cải cách thủ tục hành chính.

Số định danh cá nhân là dãy số gồm 12 chữ số. Số định danh cá nhân sẽ chứa tất cả thông tin tổng hợp của công dân như: ảnh, họ và tên, ngày tháng năm sinh, giới tính, nơi sinh, quê quán, dân tộc, tôn giáo, quốc tịch, nhóm máu, họ tên cha mẹ, tình trạng hôn nhân, họ tên vợ/chồng, con cái...

Thiếu tướng Trần Văn Vệ cho biết, kinh phí dự kiến thực hiện đề án xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư sẽ tốn khoảng 3.500 tỷ đồng. Riêng Hải Phòng được xây dựng cơ sở dữ liệu bằng vốn ODA. Như vậy, tổng kinh phí là khoảng 4.000 tỷ đồng.

Báo chí cũng nêu câu hỏi, việc giảm chi phí thủ tục hành chính mỗi năm khoảng 1.600 tỷ, có tinh giảm biên chế một bộ phận công chức hay không? Ông Ngô Hải Phan (Cục trưởng Cục Kiểm soát thủ tục hành chính, Bộ Tư Pháp) cho biết, hiện các cơ quan thực hiện Đề án chưa tính đến điều này.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Cảnh Kiên ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN