Dữ liệu BHYT 47 bệnh viện sẽ hiển thị trên VNeID
Ngoài 47 bệnh viện, Hà Nội còn có 32 phòng khám đa khoa và 286 trạm y tế hiển thị hồ sơ sức khỏe điện tử của công dân trên ứng dụng VNeID.
Ngày 27-3, Tổ công tác triển khai Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030 của Chính phủ (Đề án 06) đã tổ chức cuộc họp tháng 3-2024. Đại tướng Tô Lâm, Bộ trưởng Bộ Công an, Tổ trưởng Tổ công tác triển khai Đề án 06, chủ trì cuộc họp.
Nhiều kết quả nổi bật
Theo cổng thông tin điện tử Bộ Công an, kết quả báo cáo của tổ công tác cho thấy việc triển khai thực hiện Đề án 06 trong tháng này tiếp tục đạt được những kết quả nổi bật tại các bộ, ngành, địa phương. Cụ thể, vừa qua, TP Hà Nội đã triển khai thực hiện sổ sức khỏe điện tử, thiết lập được hơn 8,1 triệu hồ sơ sức khỏe của người dân trên địa bàn.
Thứ trưởng Bộ Công an Nguyễn Duy Ngọc điều hành tham luận tại cuộc họp. Ảnh: HỒNG GIANG
Đồng thời tổ chức kết nối, liên thông dữ liệu BHYT của 47 bệnh viện, 32 phòng khám đa khoa và 286 trạm y tế để hiển thị hồ sơ sức khỏe điện tử của công dân trên ứng dụng VNeID (có 1.155.824 hồ sơ sẵn sàng hiển thị trên ứng dụng VNeID).
Hà Nội cũng đã triển khai thí điểm thu phí không dùng tiền mặt tại các điểm trông giữ xe trên địa bàn quận Tây Hồ. Tỉ lệ thu không dùng tiền mặt tại các bãi đỗ xe thí điểm đạt trên 50% đối với xe máy, gần 70% đối với ô tô.
Ngoài ra, Hà Nội đã đẩy mạnh thực hiện số hóa dữ liệu hộ tịch. Từ đó, giúp người dân và cơ quan quản lý nhà nước tái sử dụng thông tin hộ tịch trong việc cắt giảm thành phần hồ sơ của các thủ tục hành chính và các thủ tục hành chính khác liên quan đến hộ tịch.
Về phát triển công dân số, đến nay Bộ Công an đã thu nhận trên 86 triệu thẻ căn cước gắn chip, thu nhận gần 74,5 triệu hồ sơ định danh điện tử, kích hoạt trên 53 triệu tài khoản (tăng 500.000 tài khoản so với tháng 2). Tỉ lệ kích hoạt trên tổng số hồ sơ thu nhận đạt 71,5%.
“TP Hà Nội đã triển khai thực hiện sổ sức khỏe điện tử, thiết lập được hơn 8,1 triệu hồ sơ sức khỏe của người dân trên địa bàn.” |
Đối với tám tiện ích trên VNeID đã công bố vào ngày 25-1 và được người dân hưởng ứng sử dụng, trong tháng 3-2024 đã có 29,3 triệu lượt truy cập vào VNeID. Trong đó một số tiện ích có người dùng cao như dịch vụ công thông báo lưu trú (237.522 lượt); thông báo, phổ biến chính sách pháp luật mới cho công dân (9,2 triệu lượt)...
Đến nay, cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư đã kết nối với 18 bộ, ngành, 1 doanh nghiệp nhà nước, 3 doanh nghiệp viễn thông và 63 địa phương. Tiếp nhận hơn 1,5 tỉ yêu cầu để tra cứu, xác thực thông tin (tăng 42,6 triệu yêu cầu so với tháng 2).
Giải quyết dứt điểm 428 thủ tục hành chính chưa đơn giản hóa
Tại hội nghị, các đại biểu đã tập trung đánh giá những kết quả thực hiện Đề án 06 đối với các bộ, ngành, địa phương. Đồng thời, đề xuất những giải pháp nhằm phát huy những kết quả đạt được và tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong triển khai các nhiệm vụ của Đề án 06.
Cụ thể như tiếp tục rà soát các văn bản quy phạm pháp luật của các bộ, ngành phục vụ đơn giản hóa thủ tục hành chính; lộ trình cụ thể và phương án khắc phục đối với vấn đề phát sinh trong quá trình thực hiện hai dịch vụ công liên thông; hướng dẫn các bộ, ngành có liên quan chuẩn hóa dữ liệu khoản thu (phí, lệ phí, viện phí, học phí...); đẩy mạnh kết nối, chia sẻ dữ liệu phục vụ phát triển thương mại điện tử, chống thất thu thuế, bảo đảm an ninh tiền tệ…
Phát biểu kết luận cuộc họp, nhấn mạnh về lĩnh vực pháp lý, Bộ trưởng Tô Lâm đề nghị Bộ Tư pháp tham mưu với Tổ công tác của Chính phủ về rà soát các văn bản quy phạm pháp luật. Khẩn trương hoàn thành rà soát, đề xuất phương án giải quyết dứt điểm đối với 428 thủ tục hành chính còn chưa thực thi phương án đơn giản hóa.
Bộ trưởng Tô Lâm đề nghị 13 bộ, ngành có văn bản tham gia ý kiến đối với dự thảo báo cáo Thủ tướng Chính phủ về kết quả rà soát, điều chỉnh phương án đơn giản hóa, lộ trình xử lý văn bản quy phạm pháp luật. Bộ trưởng yêu cầu phải hoàn thành trong tháng 3 để tổ công tác rà soát văn bản quy phạm pháp luật kịp thời báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
Về dịch vụ công, bộ trưởng đề nghị các bộ, ngành bám sát vào các danh mục 28 nhóm dịch vụ công trực tuyến ưu tiên tái cấu trúc quy trình, tích hợp, cung cấp trên cổng dịch vụ công quốc gia năm 2024.
Ngoài ra, để phục vụ xây dựng Luật Căn cước, là căn cứ pháp lý để triển khai các nhiệm vụ của Đề án 06, Bộ trưởng Tô Lâm đề nghị Bộ Tư pháp hoàn thành việc thẩm định các văn bản liên quan đến luật này để báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
Đề xuất lệ phí “0 đồng” với dịch vụ công trực tuyến Đối với việc thúc đẩy, triển khai Đề án 06 trên địa bàn TP Hà Nội, làm tiền đề thúc đẩy triển khai Đề án 06 trên toàn quốc, Bộ trưởng Tô Lâm đề nghị các bộ, ngành khẩn trương phối hợp với UBND TP Hà Nội tập trung thực hiện chín nhiệm vụ phối hợp với Hà Nội theo Thông báo 06/2024 của Ban chỉ đạo chuyển đổi số Đề án 06 TP Hà Nội. Bên cạnh đó, UBND các địa phương (TP.HCM, Khánh Hòa, Bình Dương, Thừa Thiên-Huế, Quảng Ninh, Kiên Giang) nghiên cứu các nhóm tiện ích thúc đẩy Đề án 06 của UBND TP Hà Nội để tổ chức nghiên cứu, lựa chọn áp dụng triển khai phù hợp với tình hình địa phương. Bộ trưởng cũng lưu ý việc thực hiện Đề án 06 tại các địa phương phải gắn theo năm nhóm (pháp lý - hạ tầng - an ninh an toàn - dữ liệu - nguồn lực). Đặc biệt, các địa phương cần tham mưu đề xuất HĐND ban hành mức phí, lệ phí “0 đồng” để thúc đẩy dịch vụ công trực tuyến. Các địa phương cũng khẩn trương rà soát, triển khai ngay dữ liệu đã được số hóa, làm sạch với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để cắt giảm thủ tục hành chính cho người dân đảm bảo tiết kiệm, tránh lãng phí… “TP Hà Nội đã triển khai thực hiện sổ sức khỏe điện tử, thiết lập được hơn 8,1 triệu hồ sơ sức khỏe của người dân trên địa bàn”. |
Nguồn: [Link nguồn]
Chiều 27/3, tại hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách, một số ý kiến đề nghị lùi thông qua dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) sang kỳ họp thứ 8, thay vì thông qua tại kỳ họp thứ 7. Đại biểu cho rằng, sau thời điểm cải cách tiền lương từ 1/7, sẽ có nhiều vấn đề tác động, thay đổi, nếu lùi thông qua sẽ tránh được tình trạng "vừa thông qua luật lại phải sửa ngay".