Du khách Trung Quốc lắm thủ đoạn
Mượn danh nghĩa du lịch, nhiều người Trung Quốc đến tỉnh Khánh Hòa kinh doanh du lịch, điều hành buôn bán và tuồn hàng dỏm bán cho du khách
Ngày 26-5, UBND tỉnh Khánh Hòa tổ chức cuộc họp để giải quyết những vướng mắc, tồn tại trong công tác quản lý đối với du khách nước ngoài.
Đi du lịch để làm... ông chủ
Theo số liệu của Sở Du lịch tỉnh Khánh Hòa, từ đầu năm đến nay, du khách Trung Quốc (TQ) đến tỉnh này khoảng 175.000 người, tăng 4,8 lần so với cùng thời gian năm ngoái và chiếm gần 40% lượt khách quốc tế. Sở này cho đây là hiện tượng đột biến. Thế nhưng, để phục vụ số du khách trên, tỉnh Khánh Hòa chỉ có 11 hướng dẫn viên (HDV) tiếng TQ. Từ thực tế này, mới nảy sinh tình trạng người TQ làm “HDV chui”. Một số công ty lữ hành dùng chính trưởng đoàn khách TQ để làm HDV.
Lực lượng chức năng kiểm tra một điểm kinh doanh bán hàng cho khách Trung Quốc tại TP Nha Trang
“Theo quy định hiện hành, người nước ngoài được cấp giấy phép lao động phải có chứng chỉ phù hợp và kinh nghiệm trong nghề ít nhất 3 năm. Không có một người TQ nào đáp ứng được nhu cầu này nên không ai được cấp phép” - ông Nguyễn Văn Khả, Trưởng Phòng Việc làm - An toàn lao động Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Khánh Hòa, cho biết.
Đại tá Trần Nhân Nghĩa, Trưởng Phòng An ninh Kinh tế Công an tỉnh Phú Yên, cho rằng tình trạng du khách TQ sang Việt Nam bằng đường du lịch nhưng lại hoạt động HDV “chui”, kinh doanh rất phổ biến. “Qua kiểm tra, chúng tôi phát hiện một số người TQ đến với danh nghĩa là đi du lịch nhưng thực tế là ông chủ chỉ huy, điều hành số đông người TQ tại đây. Khách đến cho ở khách sạn nào, đưa khách mua hàng ở đâu, đi chơi ra sao đều do những người này chỉ đạo” - ông Nghĩa nói.
Những ông chủ này không hề mở doanh nghiệp, đăng ký kinh doanh nên rất khó quản lý. Theo đại tá Nghĩa, có những khách sạn, nhà hàng đang được người Việt Nam đứng tên nhưng thực tế là do người TQ làm chủ. “Trước đây, họ phải thuê khách sạn, nhà hàng, tàu, ô tô và các điểm du lịch của mình. Bây giờ họ đã nắm được khách, tự làm luôn. Nếu ngành du lịch tỉnh Khánh Hòa không có phương án tốt thì dần dần ngành du lịch tại đây thuộc về các ông chủ TQ hết” - đại tá Nghĩa băn khoăn.
Đưa cả hàng “đểu” vào Việt Nam
Đại tá Trần Nhân Nghĩa cho rằng những người nước ngoài kinh doanh trái phép trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa đang làm loạn thị trường nơi đây. Không chỉ là việc niêm yết, giao dịch bằng đồng ngoại tệ trái pháp luật mà hàng hóa kém chất lượng cũng đổ vào.
“Qua kiểm tra, chúng tôi phát hiện một số hàng hóa bày bán ở nhiều cửa hiệu được nhập từ TQ nhưng đóng nhãn mác Việt Nam rồi lại bán cho chính khách du lịch TQ. Những hàng đó toàn là hàng “đểu”, giá chỉ có 1 nhưng lại bán đến 10” - đại tá Nghĩa cảnh báo.
Theo ông Nguyễn Sỹ Khánh, Phó Chủ tịch UBND TP Nha Trang, qua kiểm tra có khoảng 430 hộ gia đình cho người nước ngoài thuê. TP chỉ biết có một số người thuê nhà làm du lịch chui nhưng chưa xác định cụ thể. Một số đoàn khách TQ thường căng băng rôn bằng chữ TQ để chụp hình. “Nhiều người biết tiếng TQ cho biết những băng rôn trên viết không đúng sự thật về Việt Nam. Mỗi khi thấy đoàn kiểm tra đến, họ cuốn đi hết” - ông Khánh nói.
Trước vấn đề này, ông Trần Sơn Hải, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa, yêu cầu thắt chặt hơn nữa công tác quản lý trước tình hình khách TQ tăng đột biến như hiện nay. Ngành tài chính tỉnh Khánh Hòa ngay trong cuối tháng 5 đầu tháng 6-2016 phải thanh - kiểm tra dịch vụ lưu trú, lữ hành và dịch vụ mua bán hàng hóa cho khách nước ngoài. Ông Hải yêu cầu cũng trong tháng 6, các ngành ngân hàng, quản lý thị trường, lao động phải kiểm tra các cơ sở kinh doanh, mua bán với du khách nước ngoài, không chỉ về giấy phép lao động mà còn phải kiểm tra xuất xứ hàng hóa, chấn chỉnh việc phân biệt đối xử với khách Việt.
Đã xử phạt nhiều trường hợp Theo bà Phan Thanh Trúc, Phó Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Khánh Hòa, trong tháng 4-2016, Sở Du lịch tỉnh Khánh Hòa đã phối hợp với các cơ quan chức năng kiểm tra, xử phạt nhiều công ty, khách nước ngoài vi phạm các quy định về du lịch với số tiền lên gần 190 triệu đồng; hủy thị thực, rút ngắn thời gian lưu trú tại Việt Nam đối với nhiều du khách nước ngoài. Trong đó, phần lớn là người TQ với hành vi hoạt động hành nghề chưa được phép của cơ quan thẩm quyền tại Việt Nam. |