Du khách bị vòi tiền khi vào khu vực… tham quan miễn phí (!)

Sự kiện: Tin nóng Lâm Đồng

Gần đây, nhiều địa điểm công cộng, tham quan miễn phí ở Đà Lạt và huyện Lạc Dương (Lâm Đồng), bỗng xuất hiện một số cá nhân tự đứng ra quản lý, du khách tới tham quan, chụp ảnh phải trả cho những người này từ 10.000 - 20.000 đồng/người.

Một hồ nước có diện tích khoảng 500m2 nằm lọt giữa rừng sâu thuộc tiểu khu 110, thôn Suối Cạn, xã Lát, huyện Lạc Dương, cách TP Đà Lạt khoảng 45km một năm qua trở nên nổi tiếng cùng với tên gọi do “dân phượt” tự đặt - “Tuyệt tình cốc”.

Thật ra, “Tuyệt tình cốc” chính là vũng nước đọng được tạo thành từ việc trước đây UBND tỉnh Lâm Đồng giao cho một doanh nghiệp khai thác đá để xây dựng đường Trường Sơn Đông qua địa phận tỉnh Lâm Đồng. Sau khi hoàn thành con đường, doanh nghiệp này trả lại địa điểm trên cho địa phương quản lý gần 10 năm qua.

Du khách bị vòi tiền khi vào khu vực… tham quan miễn phí (!) - 1

Hồ nước với tên gọi tự đặt “Tuyệt tình cốc”.

Do bao quanh là đá và rừng thông nên nước ở đây quanh năm trong xanh. Năm 2017, một số người chụp hình hố nước này đưa lên mạng xã hội, sau đó được đặt tên là “Tuyệt tình cốc” cho giống với tên gọi phổ biến của một địa điểm ở phía Bắc. Nơi này đang lên “cơn sốt” sau khi hai cô gái chụp ảnh nude tung lên mạng...

Được sự tiếp sức của nhiều trang thông tin điện tử, mạng xã hội, hố nước này nhanh chóng nổi tiếng với tên gọi ấn tượng trên. Vậy là du khách, nhất là người trẻ tuổi tò mò đổ xô tới chủ yếu để khám phá và chụp hình khoe với nhau. Vào cao điểm, mỗi ngày có tới cả nghìn người vượt rừng đổ vào “Tuyệt tình cốc”. Ngay lập tức, một số người lạ xuất hiện, họ ghép vài cây tre làm bè, tạo thêm một chiếc đu ngay trên miệng hố nước, lập lán trại đứng ra thu tiền du khách tới tham quan, chụp hình khi sử dụng “dịch vụ” ở vũng nước này.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, nếu khách bước xuống bè chụp hình là 15.000 đồng/người, ngồi trên đu là 10.000 đồng/người, chụp hình cưới nếu sử dụng cả hai dịch vụ trên phải đóng cho những người này khoảng 500.000 đồng/cặp.

Quanh khu vực này, hàng quán cũng bắt đầu mọc lên. Đã xuất hiện nhiều đống rác thải gần đó. Vào thời gian này, do mưa kéo dài nên đường tới “Tuyệt tình cốc” hầu như không thể di chuyển bằng xe máy. Để đáp ứng việc đi lại, đầu con đường mòn vào “Tuyệt tình cốc” xuất hiện luôn một đội xe ôtô hùng hậu với gần 10 chiếc chuyên phục vụ chở khách vào… vũng nước với giá 150.000 đồng/người cho chiều dài khoảng 7km.

Cách “Tuyệt tình cốc” khoảng 10km (cũng thuộc địa phận xã Lát (huyện Lạc Dương) xuất hiện những chiếc xuồng máy tự chế, nhộn nhịp chở du khách tham quan, chụp hình ở hồ Suối Vàng. Có thời điểm những người này còn sử dụng thuyền lớn loại 3,5 tấn để vận chuyển khách tham quan “chui” trên hồ.

Tuy nhiên, sau đó chiếc thuyền đã bị lực lượng chức năng của huyện Lạc Dương bắt giữ, lập biên bản xử phạt. Dù vậy, loại xuồng nhỏ thì vẫn đua nhau hoạt động, thu tiền, chở khách trên hồ bất chấp nhiều lần cơ quan chức năng ra quân kiểm tra, xử lý. Hoạt động du lịch chui trên hồ Suối Vàng đang có nguy cơ đe dọa tới tính mạng của du khách.

Du khách bị vòi tiền khi vào khu vực… tham quan miễn phí (!) - 2

Nhiều địa điểm xuất hiện những nhóm người thu tiền của khách.

Ngay giữa đèo Tà Nung (TP Đà Lạt) là một vị trí rất đẹp. Đứng ở đây có thể nhìn bao quát về hướng xã Tà Nung và một phần huyện Lâm Hà. Chính vì vậy, khi ngang qua tuyến đèo này, du khách thường dừng lại nghỉ ngơi, ngắm cảnh non nước và chụp hình, trong đó có nhiều đoàn khách nước ngoài.

Hơn một năm nay, địa điểm dừng chân miễn phí trên lại cũng xuất hiện một người đàn ông khoảng 45 tuổi chọn làm nơi bán nước giải khát. Người đàn ông này đặt vài chiếc ghế nhựa ngay vị trí du khách thường đứng chụp hình, ai ngồi vào sẽ phải đóng cho anh từ 10.000 - 20.000 đồng/lượt.

Vào mùa du lịch, mỗi ngày có hàng trăm du khách đi ngang qua dừng chân và chụp hình, trong đó có không ít người vì tưởng ghế “công cộng” nên hồn nhiên ngồi lên và đương nhiên phải ấm ức móc túi trả tiền trước khi đi. Hay chỉ là một gốc hoa giấy bên đường, đoạn gần cuối đèo Mimosa, TP Đà Lạt.

Vào khoảng tháng 5-6 hằng năm, cây hoa giấy trên thường nở bông rất đẹp, dưới gốc là một lán gác được làm bằng gỗ. Thấy cây nở hoa đẹp bên một đồi thông thơ mộng trên lưng chừng đèo, nhiều du khách đi trên đường không cưỡng được lòng mình, dừng lại chụp hình, lập tức phải đóng cho một người đàn ông khoảng 60 tuổi, tự xưng là người quản lý cây hoa giấy 20.000 đồng/người.

Liên quan đến “Tuyệt tình cốc”, ông Cil Poh, Phó Chủ tịch UBND huyện Lạc Dương cho biết, ngày 20-8 vừa qua, UBND huyện Lạc Dương đã chỉ đạo Công an huyện, Phòng Văn hóa - Thông tin, UBND xã Lát kiểm tra công tác quản lý hoạt động du lịch tự phát khu vực hồ đá thuộc tiểu khu 110, xã Lát. Trong đó UBND huyện chỉ đạo UBND xã Lát chủ trì phối hợp lập biên bản, tịch thu toàn bộ các dụng cụ xuồng, bè tự chế…

Đồng thời, cắm biển báo nguy hiểm, cấm lại gần, dùng dây rào chắn quang khu vực hồ nước, không để người dân và du khách vào trong. Theo ông Cil Poh, việc du lịch tại địa điểm tự phát như ở hồ nước rất sâu mà người ta hay gọi là “Tuyệt tình cốc” này là rất nguy hiểm. 

“Các điểm du lịch tự phát tại mỏ đá cũ, hoạt động chở khách… chui trên hồ Suối Vàng, chúng tôi sẽ làm quyết liệt, xử phạt nặng,  đồng thời tính toán, đánh giá lại một số khu vực tiềm năng để đưa vào quy hoạch phát triển du lịch!..”, ông Cil Poh cho biết.

Không mua hải sản ở Hạ Long, khách du lịch bị hắt nước, đẩy ngã bong gân tay

Vào chợ Cái Dăm (TP Hạ Long, Quảng Ninh) mua hải sản đầu giờ sáng, một nữ du khách ở Hà Nam đã bị một chủ cửa hàng...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Khắc Lịch ([Tên nguồn])
Tin nóng Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN