Đủ chiêu đòi nợ thuê
Công ty đòi nợ thuê dùng nhiều chiêu thức có khi “ngoài luật” để gây sức ép với con nợ nhưng cơ quan chức năng khó “sờ gáy”.
Được cho phép hoạt động như một doanh nghiệp, các công ty đòi nợ thuê xuất hiện ngày càng nhiều. Trên thực tế, nhiều công ty hoạt động theo phương thức có thể chấp nhận được nhưng cũng có một số công ty sử dụng cách đòi nợ hổng giống ai như căng băng rôn, đến nhà, nơi làm việc của con nợ “ngồi đồng”… để gây áp lực.
Ngày 25/12/2012, Công an phường 2, quận Tân Bình cho biết đã lập biên bản và báo cáo sự việc nhân viên Công ty Đòi nợ thuê Thành Công (trụ sở tại 133/58 Lê Hồng Phong, phường 3, quận 5) xông vào trụ sở, xô đẩy, lớn tiếng với công an phường.
Tới trước, báo sau
Đầu tháng 11/2012, chị T.T.Trang (ngụ quận 3) đến gặp vợ chồng chị Nhiêu ở phường 2, quận Tân Bình đòi nợ và bị chị Nhiêu cùng em gái đôi co, xô đẩy làm chị Trang trầy xước. Công an phường 2 nhanh chóng đến hiện trường giải quyết, sau đó chị Trang đi bệnh viện khám bệnh.
Ba ngày sau, người nhà chị Trang đến công an phường yêu cầu cho giấy giới thiệu để lấy giấy chứng nhận thương tật tại BV 115 và công an phường hẹn cả hai bên đến công an phường giải quyết.
Sáng 22/11/2012, theo hẹn, chị Nhiêu có mặt tại trụ sở thì bất ngờ khi thấy người nhà chị Trang đi cùng với sáu thanh niên mặc quần ka ki xám, đội nón kết, đeo theo công cụ hỗ trợ xuất hiện. Đến nơi, hai thanh niên đi vào công an phường, yêu cầu cho tất cả số thanh niên trên vào trụ sở cùng với người nhà chị Trang. Công an phường giải thích rằng đây là buổi làm việc, giải quyết việc đôi co giữa hai bên nên không cho số thanh niên mặc đồng phục đi cùng chị Trang vào. Nhưng các thanh niên này đã yêu cầu công an phường phải làm giấy xác nhận “không giải quyết cho vào trụ sở” và xô đẩy, to tiếng với trưởng công an phường. Họ tự xưng là nhân viên của công ty đòi nợ thuê, có quyền theo thân chủ đến bất cứ nơi đâu.
Việc Công ty Song Long đòi nợ tại nhà 671 Trần Xuân Soạn (phường Tân Hưng, quận 7) ngày 2/1/2012 thu hút nhiều người hiếu kỳ. Ảnh: ĐH
Khi biết công an phường gọi báo cho công an quận xuống xử lý thì những người này lên xe bỏ đi. Sau đó công an phường nhận được thư chuyển qua đường bưu diện của Công ty TNHH DV Đòi nợ Thành Công kèm công văn, giấy giới thiệu, giấy chứng nhận đủ điều kiện về ANTT… và hợp đồng đòi nợ thuê với thân chủ. Kèm theo đó, công ty có giấy thông báo cho Công an phường 2, công ty sẽ cho người đến nhà chị Nhiêu trên địa bàn phường 2 để đòi nợ.
Căng băng rôn, “ngồi đồng” nhà con nợ
Thời gian qua báo chí cũng thông tin nhiều về chuyện các công ty đòi nợ sử dụng nhiều chiêu thức gây mất trật tự.
Sáng 2/1/2012, Công ty Đòi nợ Song Long (phường 2, quận Tân Bình) dừng ô tô trước nhà 671 Trần Xuân Soạn (phường Tân Hưng, quận 7) để đòi nợ. Gọi cửa nhưng không ai mở, nhóm thanh niên đạp cửa, la lối gây hiếu kỳ cho người đi đường. Công an phường đến can thiệp, yêu cầu nhóm người này xuất trình giấy tờ và cảnh cáo vì họ thực hiện việc đòi nợ không đúng quy trình.
Một trường hợp khác, sáng 19/10/2012, một nhóm người đến nhà 69 Hồ Biểu Chánh (phường 12, quận Phú Nhuận) đập cửa đòi gặp chủ nhà. Người nhà mở cửa liền bị hai thanh niên đấm vào mặt rồi dắt chiếc xe trong nhà ra. Hàng xóm can thiệp, hai thanh niên mới bỏ đi. Hôm sau, khoảng 10 người quay lại căn nhà la lối đòi nợ, chìa ra tấm thẻ nhân viên thu nợ của Công ty Cổ phần Dịch vụ Đòi nợ Song Long.
Anh HMH, Giám đốc Công ty S. (quận 1), than phiền về cách hành xử của nhân viên đòi nợ của Công ty Đòi nợ M. Theo anh H., các nhân viên đòi nợ thuê thường xuyên cắt cử người đến công ty và đến nhà riêng của anh tại quận Thủ Đức để đòi nợ. Tại công ty, trong ba nhân viên thu hồi nợ túc trực thì có hai người đầu trọc, xăm trổ vằn vện, ngồi gần cửa ra khiến nhân viên công ty anh cũng như khách hàng đến làm việc đều e ngại. Còn tại nhà riêng của anh ở Thủ Đức thì hai thanh niên người đầy hình xăm đến nhà ngồi suốt buổi. Anh H. báo cáo sự việc cho công an địa phương thì cơ quan công an nói phía công ty đòi nợ có thực hiện thủ tục thông báo đòi nợ cho công an theo quy định, họ cũng không có hành vi gì sai phạm nên khó can thiệp!
Theo anh H., dù họ không dùng vũ lực hay đe dọa gì nhưng kiểu đòi nợ của họ là uy hiếp tinh thần, gây thiệt hại uy tín công ty và gây ức chế…
Có công ty còn dùng chiêu cho nhân viên mang theo băng rôn đòi nợ ngồi giăng phía trước công ty của con nợ hoặc đậu ô tô có dán chữ đòi nợ án ngữ trước công ty bị thu nợ…
Chiều 20/12/2012, hai ô tô chở 50 người của Công ty Dịch vụ Vệ sĩ Phi Vũ (phường 5, quận Gò Vấp, TP.HCM) dẫn theo 16 xe bồn từ Đà Nẵng lên Nhà máy cồn Đại Tân (Đại Lộc, Quảng Nam) phong tỏa đường đi, đập phá, đâm thủng lốp và khiêng hai xe tải loại 3,5 tấn đang đậu chắn trước cổng nhà máy của một số chủ nợ khác sang một bên. Họ xông vào tìm cách tháo dỡ cổng để xe bồn vào chở cồn. Khi công an yêu cầu xuất trình thẻ hành nghề, không ai chấp hành. Sự việc lộn xộn chỉ được vãn hồi khi công an nổ súng cảnh cáo. Đám vệ sĩ này do bà Hà Thị Kim Oanh, Giám đốc Công ty Dịch vụ Vệ sĩ Phi Vũ, dẫn đầu được thuê để lấy cồn tại Nhà máy Đại Tân bán xiết nợ cho một ngân hàng. |