Dụ cá sông vào nhà để làm… thú cưng
Ngày cận Tết, đến vùng biên giới tỉnh An Giang, chúng tôi không khỏi ngạc nhiên khi tận mắt chứng kiến cảnh ông Phạm Văn Cường (64 tuổi, ngụ khóm Vĩnh Chánh 1, phường Vĩnh Nguơn, TP Châu Đốc) chăm sóc đàn cá thiên nhiên như thú cưng của mình. Lạ lùng nhất là đàn cá như hiểu được lòng người chủ và chủ nhân của đàn cá này cũng chưa bao giờ ăn con cá nào ở đây.
Trò chuyện với PV Báo CAND trên cái chòi lộng gió được cất trên bãi đất bồi cạnh sông Châu Đốc, ông Cường kể, vợ chồng ông có 4 người con. “Trước kia, gia đình làm nghề chở cát đá mướn để san lấp công trình. Tới năm 2004, sau khi các con ăn học thành tài, ổn định cuộc sống, vợ chồng tôi lên bờ mua miếng đất xây căn nhà, phần bãi bồi còn lại tôi chất đống chà..”, ông Cường cho biết.
Theo chân ông ra mặt sông, tôi thấy trên bề mặt đống chà, ông cất lên căn nhà cây lá để “trưa chiều ra đây hóng gió”. Diện tích đống chà rộng khoảng 500m2 mặt nước. Ông nói, cuộc sống hàn vi như thế là đã mãn nguyện. Cuối tháng, các con của ông cho bao nhiêu tiền thì 2 vợ chồng ông dành để làm từ thiện. Hàng ngày, ông thả thức ăn xuống đống chà để nhử cá thiên nhiên vào để ngắm, vui thú điền viên.
“Tuy nhiên, hai năm đầu lượng cá vào ít, vì thường xuyên bị xiệc điện rà bắt mà không cách nào quản được. Suy nghĩ đủ cách, một hôm, tôi quyết định bỏ ra hơn 100 triệu đồng để xây hàng rào quanh đống chà, nhằm bảo vệ đàn cá. Hàng rào được xây bằng trụ đá, chất thêm tre, toàn bộ được niềng bằng dây sắt, nhằm chống người dân bên ngoài đánh bắt cá trong đống chà. Thế là những năm sau đó, cá kéo đến đống chà của ông ở nhiều dần”, ông Cường kể thêm.
Theo người đàn ông này, hiện đàn cá trong đống chà khoảng 10 tấn, đa phần là cá tra. Ngoài ra các loại cá khác, như: cá chài, cá thác lác cườm, cá chép, cá chim trắng, mè vinh… cũng có mặt. “Chim trời cá nước”, ông chẳng biết sao mà tính, sợ đàn cá bỏ đi, mỗi ngày ông Cường bỏ ra gần 300.000 đồng mua một bao thức ăn 25 cân để cho cá ăn. Dần dà, như một thói quen, mỗi lần hễ thấy bóng dáng ông Cường đi ngang mặt nước là đàn cá ngoi lên đòi ăn.
Khách tham quan chiêm ngưỡng đàn cá kì lạ của ông Cường.
“Cá tra chiếm phần nhiều, có con hơn chục ký (kg). Loại 5, 7 ký thì nhiều vô số, có mấy con nhỏ mới vào ở thì chỉ tầm nửa ký. 3 năm nay cá vào ở trong đống chà tăng đột biến, vì theo tôi quan sát con nào ở lâu thì mập ú, đuôi ngắn lại, còn mấy con mới đến thì mình dài thòng, ốm nhom. Chắc do ở ngoài thiếu ăn, lại phải đối mặt với nạn chích điện…”, ông Cường cười giòn, kể cho tôi nghe từng đặc điểm của đàn cá.
Trò chuyện một lát, trời trưa đứng bóng, ông Cường nói: “Để tôi cho tụi nó ăn cho chú xem, mấy con cá này tui sờ đầu nó như mấy nghệ sĩ xiếc cá heo vậy đó”. Nói rồi, ông Cường cầm thau thức ăn bước xuống mé nước, tay vốc thức ăn thả xuống cho đàn cá ăn. Đàn cá bơi đến quây lấy chân ông như làm nũng, ông Cường vuốt đầu, bợ từng con cá rất dễ dàng, thân thiện.
“Tính ra tôi nuôi đàn cá này đã 14 năm, nhưng chưa bao giờ tôi bắt con cá nào trong đống chà lên làm thịt. Từ khi đi làm từ thiện là tôi đã xác định nghỉ làm ăn, về nhà vui thú tuổi già bằng cách ngắm cá. Hàng ngày tôi đi làm việc thiện. Trưa chiều về nhà tôi ra đống chà ngắm cá làm thú vui”, ông Cường chia sẻ.
Theo người dân xung quanh, đàn cá trong đống chà của ông Cường hoàn toàn tự nhiên, không có chuyện thả con giống. Hiện ông Cường làm Trưởng Ban Trị sự giáo hội Phật giáo Hòa Hảo phường Vĩnh Nguơn. Giờ đây, hàng ngày có vài đoàn khách đến tham quan, xem cá và cũng có nhiều lời mời ông Cường làm du lịch, nhưng ông từ chối.
Khách tham quan thích thú với đàn cá một, thì thú vị với cách bảo vệ và chăm sóc của ông Cường đối với đàn cá mười. Họ cho rằng so với cá ngoài sông, thì đàn cá này “có phước”. Bởi chúng được ông Cường cho ăn mỗi ngày và bảo vệ an toàn. Thay vì những con cá sống bên ngoài hàng ngày đối mặt với mối nguy bị đánh bắt bằng sung điện và dần cạn kiệt.
“Có một điều rất đặc biệt là đàn cá kéo đến ngày càng đông, người đặt dớn biết được mang đến đặt xung quanh đống chà. Thế nhưng tôi chưa thấy con cá nào trong đống chà chạy dớn. Chúng rất khôn và như biết được đống chà của tôi là nơi trú ẩn an toàn”, ông Cường thổ lộ và cho biết sẽ tiếp tục duy trì việc nuôi dưỡng và bảo vệ đàn cá thiên nhiên ban tặng cho mình.
Một người dân vừa đánh bắt được con cá chình hiếm gặp nặng hơn 11kg, dài 1,6m trên thượng nguồn Sông Lam (Nghệ An).