Dự báo thời tiết sai thì ai chịu trách nhiệm?

Thảo luận tại Quốc hội về dự thảo Luật Khí tượng Thủy văn, nhiều đại biểu cho rằng các quy định còn chung chung.

Góp ý vào dự thảo Luật Khí tượng Thủy văn, đại biểu Trần Văn Minh (Quảng Ninh) đưa ra ý kiến về nhu cầu dự báo, cảnh báo tại điều 21, phải đảm bảo sự tin cậy và cơ quan dự báo phải chịu trách nhiệm. 

Theo đại biểu Minh, thực tế rất khó để quy định cụ thể về sự đảm bảo tin cậy. Chính vì dự báo khó chính xác nên chỉ quy định cơ quan thực hiện phải chịu trách nhiệm bản tin do mình ban hành hoặc không được vi phạm các hành vi bị cấm.

Đại biểu Mai Thị Ánh Tuyết (An Giang) đưa ra các góp ý về những hành vi bị cấm tại điều 8. Theo đại biểu, để tạo hành lang pháp lý chặt chẽ, đây là nội dung rất quan trọng. Chính vì vậy cần quy định cụ thể, chặt chẽ về phạm vi giới hạn, tránh quy định chung chung.

Theo đại biểu, về dự báo, cảnh báo của các tổ chức, cá nhân, đây là hoạt động có tính chuyên môn cao. Tại khoản 3, điều 25 quy định chưa rõ ràng. Về cơ quan, tổ chức, cá nhân phục vụ dịch vụ khí tượng thủy văn: đồng thuận việc cho phép thực hiện theo hình thức công-tư, tuy nhiên phải quy định rõ cách thức thực hiện, cơ chế tài chính. Cần quy định rõ cả chất lượng, thời gian cung cấp hợp đồng dịch vụ.

Dự báo thời tiết sai thì ai chịu trách nhiệm? - 1

Nhiều đại biểu quốc hội cho rằng cần có quy định rõ trách nhiệm khi dự báo thời tiết sai lệch (Ảnh minh họa: Duy Hậu/Dân Việt)

Đại biểu Nguyễn Anh Sơn (Nam Định) đưa ra một số góp ý liên quan đến khoản 1, điều 4 và điều 21 của dự thảo Luật Khí tượng Thủy văn. Các điều khoản này quy định hoạt động khí tượng thủy văn phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, phòng, chống thiên tai, quốc phòng, an ninh quốc gia do ngân sách nhà nước bảo đảm.

Tuy nhiên, theo đại biểu, dự thảo Luật cũng có quy định cho các cơ quan, tổ chức, cá nhân thực hiện hoạt động dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn. Đại biểu đặt ra câu hỏi: “Vậy đối tượng này có được ngân sách đảm bảo không?”. “Vậy cơ quan khí tượng dự báo, cảnh báo nhưng không đúng, gây thiệt hại rất lớn về tài sản, sinh mạng thì trách nhiệm thế nào và đến đâu?”

Đại biểu cũng cho rằng, trong báo cáo giải trình có nói tại điều 4, 21, 40 thì chung chung quá. Tại điều 40 quy định Cơ quan, tổ chức, cá nhân cung cấp dịch vụ khí tượng thủy văn có nghĩa vụ chịu trách nhiệm trước pháp luật và khách hàng về chất lượng dịch vụ khí tượng thủy văn do mình cung cấp. “Thế nhưng chịu trách nhiệm trước pháp luật như thế nào thì không ai biết”.

Theo ông Sơn, vẫn biết tình hình thời tiết nó diễn biến rất phức tạp, khó lường. Tuy nhiên nếu dự báo sai thì quá nguy hiểm, nhưng cứ dự báo quá lên, vống lên để cho nó an toàn thì cũng gây thiệt hại rất lớn về kinh tế.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo P. Hoàng ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN