Dự báo một nơi, bão vào một ngả?
Lãnh đạo tỉnh Phú Yên cho rằng trong khi dự báo tâm bão số 12 sẽ ở phía Nam Khánh Hòa, Bắc Ninh Thuận thì nó lại vào Nam Phú Yên, Bắc Khánh Hòa nên không kịp trở tay.
Tại cuộc họp báo cáo thiệt hại và triển khai công tác khắc phục cơn bão số 12, ông Nguyễn Trọng Tùng - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Phó Ban Chỉ đạo Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Phú Yên - đánh giá đây là cơn bão hết sức lớn, giật cấp 14, thời gian kéo dài từ 0 giờ đến hơn 7 giờ ngày 4-11. "Trung ương chỉ báo Nam Khánh Hòa đến Bắc Ninh Thuận nhưng bão lại vào ranh giới giữa Phú Yên và Khánh Hòa. Trung ương nhận định tình hình cơn bão như thế là chưa chính xác" - ông Tùng nói.
Nhà chị Trần Thị Nhanh (xã Hòa Xuân Đông, huyện Đông Hòa, tỉnh Phú Yên) bị hư hỏng hoàn toàn Ảnh: HỒNG ÁNH
Trao đổi về điều này, ông Bùi Thanh Toàn - Bí thư Huyện ủy Đông Hòa, tỉnh Phú Yên - cho rằng cần chấn chỉnh công tác dự báo bão. Theo tọa độ, Đông Hòa nằm từ 1205’ đến 1208’ vĩ độ Bắc. Cách 2 ngày, tâm bão ở khoảng 1207’-1208’ vĩ độ Bắc và trực chỉ hướng Tây. "Vậy mà cứ nói ở vùng biển Khánh Hòa - Ninh Thuận. Phải nói là vùng biển Phú Yên mới đúng. Dự báo bão số 12 vừa rồi là rất không chính xác" - ông Toàn phản ứng.
Theo ông Toàn, vì dự báo như vậy, khi ông xuống cơ sở vận động người dân phòng tránh bão thì người dân đều bảo bão chẳng vào mình đâu mà lo. "Tôi phải vội vã cho xe lưu động chạy liên tục đến từng xóm báo cho dân biết là bão vô Đông Hòa. Tôi yêu cầu không có nói bão Khánh Hòa, Ninh Thuận gì cả mà xe cứ đến chỗ nào ở Đông Hòa là nói bão vào ngay chỗ đó" - ông Toàn chia sẻ. Điều không ngờ là huyện Đông Hòa gần như nằm trong tâm bão và người dân vì quá chủ quan nên không trở tay kịp. Tính đến thời điểm này, đã có 30 ngôi nhà ở Đông Hòa bị sập đổ hoàn toàn.
Một lãnh đạo tỉnh Phú Yên cũng khẳng định trong các thông báo bằng văn bản của trung ương gửi về tỉnh này đều dự báo tâm bão sẽ vào đất liền ở 12 vĩ độ Bắc, tức là phía Nam Khánh Hòa vì Phú Yên được tính từ 1205’ trở ra. Tuy nhiên, thực tế thì tâm bão lại quét qua phía Nam Phú Yên như nói trên.
Trước phản ứng của lãnh đạo tỉnh Phú Yên, chiều 5-11, ông Lê Thanh Hải, Phó Tổng Giám đốc Trung tâm Khí tượng thủy văn quốc gia, chỉ nói ngắn gọn: "Chúng tôi không muốn tranh luận về việc này và bây giờ càng không phải là thời điểm để tranh luận. Chúng tôi đang tập trung tối đa cho công tác dự báo, cảnh báo để phục vụ công tác ứng phó về tình hình mưa lũ đang diễn ra rất nghiêm trọng ở khu vực miền Trung".
Ông Trần Quang Hoài, Ủy viên Thường trực Ban Chỉ đạo trung ương về phòng chống thiên tai, cho rằng ông không bình luận về phát ngôn của ông Nguyễn Trọng Tùng vì đây là quyền của mỗi cá nhân.
"Việc cơ quan khí tượng đưa ra dự báo bão số 12 đổ bộ tập trung vào Bắc Ninh Thuận, Nam Khánh Hòa thì phải hiểu đây là dự báo khu vực tâm bão đổ bộ. Tuy nhiên, vùng ảnh hưởng của bão số 12 rất rộng, chứ không phải chỉ có khu vực Bắc Ninh Thuận, Nam Khánh Hòa ứng phó. Ngay cả khu vực Quảng Nam, Quảng Ngãi, Thừa Thiên - Huế còn phải tiến hành sơ tán dân" - ông Hoài phân tích.
Báo cáo của Ban Chỉ đạo trung ương về phòng chống thiên tai cũng đã nêu ra nguyên nhân thiệt hại lớn về người. Theo đó, ban chỉ đạo đánh giá bão số 12 là cơn bão mạnh nhất trong nhiều năm qua đổ bộ vào khu vực nhưng nhiều cấp chính quyền địa phương và người dân còn chủ quan, chưa quyết liệt và không có kinh nghiệm trong ứng phó.
"Việc kiểm soát, tổ chức neo đậu, cứu hộ, cứu nạn các tàu vận tải ở cảng Quy Nhơn, tỉnh Bình Định còn nhiều bất cập, hạn chế; phương án ứng phó của một số địa phương còn chưa sát với thực tế, nhất là việc sơ tán, di dời dân ở những nơi không an toàn; bố trí sắp xếp neo đậu tàu làm công tác cứu hộ, cứu nạn chưa hợp lý nên khi có sự cố cần tổ chức cứu nạn thì chưa kịp thời, không di chuyển được do không có đường ra phía biển" - Ban Chỉ đạo trung ương về phòng chống thiên tai đánh giá.
Mưa lớn cộng với thủy điện xả lũ khiến hàng ngàn nhà dân ở các tỉnh miền Trung bị ngập sâu, nhiều trường hợp nhà...