Dự báo bão sai: Xử lý thế nào?

Vì sao quy định phạt báo chí đưa tin sai về dự báo bão, lũ. Vậy Trung tâm Khí tượng Thủy văn Trung ương bị xử lý thế nào khi chính cơ quan này dự báo sai?

Đưa tin sai về bản tin dự báo bão, lũ có thể bị phạt đến 50 triệu đồng là quy định được đưa vào trọng Nghị định 173 xử phạt vi phạm trong lĩnh vực khí tượng thủy văn, đo đạc và bản đồ mà Chính phủ vừa ban hành.

Nghị định nêu rõ, phạt 10 triệu đến 20 triệu đồng nếu làm sai lệch nội dung bản tin dự báo áp thấp nhiệt đới, bão, lũ do cơ quan có thẩm quyền cung cấp. Nếu vi phạm điều này mà gây hậu quả nghiêm trọng, bị phạt 40 triệu đến 50 triệu đồng.

Chúng tôi có cuộc phỏng vấn đối với ông Nguyễn Văn Sự (Trưởng phòng KTTV) và ông Nguyễn Trần Linh (Trưởng phòng Chính sách Pháp chế) - Cục Khí tượng Thủy văn và Biến đổi khí hậu - Bộ Tài nguyên Môi trường về quy định này.

Dự báo bão sai: Xử lý thế nào? - 1

Ngư dân kéo thúng lên bờ cất vào nơi an toàn.

Theo Nghị định xử phạt vi phạm lĩnh vực khí tượng thủy văn, đo đạc, bản đồ mà Chính phủ mới ban hành, nhiều đối tượng và hành vi bị xử phạt. Báo chí đưa tin sai về dự báo bão lũ cũng bị phạt. Vậy cơ quan dự báo, cụ thể là Trung tâm Khí tượng Thủy văn Quốc gia bị xử lý thế nào nếu dự báo bão lũ sai?

Ông Nguyễn Văn Sự: Trung tâm Khí tượng Thủy văn Quốc gia chịu trách nhiệm trước Nhà nước. Trách nhiệm đó còn nặng nề hơn chế tài xử phạt. Mỗi khi đưa ra dự báo thời tiết, luôn có một hội đồng thảo luận, đánh giá. Sau mỗi đợt dự báo, các cơ quan này lại kiểm điểm trách nhiệm.

Lãnh đạo, cán bộ sẽ bị xem xét xử lý kỷ luật nếu vi phạm dẫn đến dự báo sai lệch. Mặt khác, những cán bộ lãnh đạo này còn bị xem xét xử lý theo luật công chức. Từng có lãnh đạo Trung tâm bị cách chức vì vi phạm, thiếu trách nhiệm dẫn đến dự báo không chính xác. Đó là kỷ niệm buồn của ngành dự báo thời tiết. Tôi không muốn nêu cụ thể họ tên, chức danh.

Nhưng tôi xin lưu ý, chúng ta không nên đòi hỏi sự rạch ròi đúng sai. Dự báo thời tiết là công việc có tính đặc thù, phức tạp. Việc dự báo chỉ có thể đảm bảo chính xác ở một mức độ và cần sự đánh giá theo tiêu chuẩn khoa học. Tôi thừa nhận, quy định pháp luật hiện nay để đưa ra mức độ đánh giá còn thiếu. Chúng tôi đang nghiên cứu để tới đây có thể làm rõ hơn, cụ thể hơn vấn đề này.

Ông Nguyễn Trần Linh: Năm 2010, Bộ TNMT đã ban hành 2 thông tư quy định về quy trình dự báo về bão lũ. Từ đó, các cơ quan dự báo thực hiện đúng theo quy định của thông tư. Đó chính là cơ sở xem xét khi có phản ứng xã hội về việc dự báo không chính xác. Nếu cơ quan dự báo thực hiện sai quy trình sẽ bị xử lý. Nếu đúng quy trình, đúng phương tiện, trình độ mà dự báo vẫn chưa chính xác, thì rõ ràng còn nhiều yếu tố khách quan khác.

Vậy lâu nay, tỷ lệ chính xác trong công tác dự báo của Trung tâm Khí tượng Thủy văn Quốc gia đến mức nào thưa ông?

Ông Nguyễn Văn Sự: Nếu so sánh, Việt Nam có trình độ dự báo thời tiết, thiên tai vẫn chiếm tỷ lệ chính xác cao so với các nước trong khu vực. Chúng tôi vẫn thường xuyên đánh giá mức độ chính xác, sai lệch trong dự báo của Trung tâm Khí tượng Thủy văn nước ta so với các cơ quan dự báo các nước, kể cả Mỹ, Nhật, Đài Loan,...

Nghị định quy định, báo chí đưa tin sai về dự báo bão lũ sẽ bị phạt đến 50 triệu đồng. Đưa quy định xử phạt báo chí vào Nghị định này có phù hợp và đúng quy định pháp luật?

Ông Nguyễn Trần Linh: Đưa hành vi nào vào quy định xử phạt đều phải có cơ sở pháp lý. Việc xử phạt báo chí đưa tin bão, lũ sai được đưa vào là căn cứ Luật Xử lý vi phạm hành chính và Pháp lệnh khai thác và bảo vệ công trình khí tượng thủy văn. Trong đó, có quy chế phát tin về bão lũ, thiên tai.

Chính phủ đã ra Nghị định xử phạt vi phạm trong lĩnh vực báo chí xuất bản. Việc đưa quy định xử phạt báo chí vào Nghị định này nữa sẽ thành chồng chéo?

Ông Nguyễn Văn Sự: Nếu báo chí đưa tin dự báo sai so với bản tin của Trung tâm Khí tượng Thủy văn, sẽ bị phạt theo Nghị định này chứ không theo Nghị định xử phạt về lĩnh vực báo chí. Nghị định này quy định cụ thể hơn về một hành vi vi phạm. Văn bản nào quy định cụ thể hơn thì xử phạt theo văn bản đó.

Đã có nhiều văn bản, thông tư, nghị định với các quy định, chế tài được ban hành nhưng rơi vào quên lãng. Liệu Nghị định 173 xử phạt vi phạm lĩnh vực khí tượng thủy văn có được thực hiện tốt hơn?

Ông Nguyễn Văn Sự: Chính phủ ban hành Nghị định 173 nhằm ngăn chặn những hành vi xâm hại công trình, thiết bị đo đạc, dự báo. Phổ biến Nghị định để nâng cao ý thức người dân. Không nên đặt nặng vấn đề đưa ra quy định để xử phạt càng nhiều càng tốt.

Tôi từng sang thăm Philippin và nhận thấy, người dân nước này rất có ý thức trân trọng những công trình, thiết bị của các cơ quan dự báo thời tiết. Họ được giáo dục, nhắc nhở thường xuyên về nhận thức tầm quan trọng của các công trình này.

Xin cảm ơn các ông!

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Cảnh Kiên (thực hiện) ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN