Dự án nghìn tỉ đắp chiếu và toà lâu đài xây sai phép

Sự kiện: Thời sự

Ngoài số tiền đội vốn “khủng” lên tới 8.100 tỷ đồng, điều gây chú ý tiếp theo trong vụ án hình sự liên quan đến Công ty gang thép Thái Nguyên chính là tòa lâu đài xây không phép của bị can Trần Văn Khâm, nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng Giám đốc.

Mới đây, Cơ quan Cảnh sát điều tra – Bộ Công an đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự về tội "Vi phạm quy định về đầu tư công trình xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng" và tội "Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí" xảy ra tại dự án mở rộng sản xuất giai đoạn 2 tại Công ty cổ phần gang thép Thái Nguyên (TISCO). 

Ngoài số tiền đội vốn “khủng” lên tới 8.100 tỷ đồng, điều gây chú ý tiếp theo trong vụ việc này chính là tòa lâu đài xây không phép của bị can Trần Văn Khâm, nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng Giám đốc Công ty TISCO.

Nghìn tỉ đắp chiếu

Bị can Trần Văn Khâm (SN 1961, quê quán tại xã Nghĩa Thái, huyện Nghĩa Hưng, tỉnh Nam Định) được biết đến không chỉ là một thạc sỹ về Quản trị Kinh doanh, Cử nhân Chính trị mà còn là một Kỹ sư về Cơ khí chế tạo. 

Với những bằng cấp “hoành tráng” đó, mấy ai biết trước khi nhậm chức Tổng giám đốc tại Công ty cổ phần Gang Thép Thái Nguyên, ông Khâm đã trải qua nhiều vị trí công tác khác nhau.

Qua tìm hiểu được biết, công việc đầu tiên ông Khâm đảm nhiệm tại Công ty Gang thép Thái Nguyên chỉ là một công nhân tiện, làm việc tại phân xưởng cơ khí (thuộc Xưởng cơ khí của Công ty Gang thép Thái Nguyên). 

Ông Khâm đã làm công việc này hơn 2 năm, bắt đầu từ tháng 4-1983 đến tháng 12-1985. Từ năm 1986 cho đến đầu năm 1988, ông Khâm được nâng bậc từ một công nhân thành cán bộ kế hoạch tại Xưởng cơ khí.

Từ đó, ông này trải qua một loạt các chức vụ khác nhau như Bí thư Đoàn Xưởng cơ khí; Phó bí thư, Bí thư Đoàn Công ty Gang thép Thái Nguyên; Phó Giám đốc, Phó bí thư, Bí thư Đảng ủy Nhà máy Cơ khí gang thép (thuộc Công ty Gang thép Thái Nguyên); Giám đốc Nhà máy cơ khí Gang thép - Công ty Gang thép Thái Nguyên; Trưởng phòng kế hoạch kinh doanh, Ủy viên Ban Thường vụ Đảng bộ Công ty Gang thép Thái Nguyên.

Như vậy có thể thấy, đường công danh của ông Khâm “lên” rất nhanh. Đỉnh điểm là vào cuối năm 2007, ông này được cất nhắc lên vị trí Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Gang thép Thái Nguyên. Đây cũng là giai đoạn Công ty Gang thép Thái Nguyên bắt đầu mở rộng và xây dựng dự án Gang thép Thái Nguyên giai đoạn 2, với số vốn đầu tư lên tới 8.100 tỷ đồng.

Dự án nghìn tỉ đắp chiếu và toà lâu đài xây sai phép - 1

Công ty cổ phần Gang thép Thái Nguyên.

Đến năm 2009, ông Trần Văn Khâm lên làm Tổng giám đốc và kiêm luôn chức vụ Chủ tịch HĐQT của doanh nghiệp và nắm giữ hai vị trí quyền lực nhất này trong 5 năm kế tiếp. Đây cũng là giai đoạn mà dự án gần như dậmchân tại chỗ, hoạt động thua lỗ với những rắc rối liên quan đến nhà thầu, chậm tiến độ và đội vốn khủng.

Điều đáng nói, với số vốn đầu tư lên tới 8.100 tỷ đồng, thế nhưng đến nay dự án mở rộng sản xuất giai đoạn 2 của Công ty Gang thép Thái Nguyên vẫn “đắp chiếu”. Sau khi Thanh tra Chính phủ vào cuộc đã chỉ ra hàng loạt sai phạm nghiêm trọng thì dự án nghìn tỷ đồng đầu tư đã trở thành đống sắt vụn.

Cụ thể, hợp đồng EPC (thiết kế - E; cung cấp thiết bị - P; xây dựng và lắp đặt - C) được Công ty Gang thép Thái Nguyên và nhà thầu MCC ký kết vào tháng 7-2007 với giá trị xấp xỉ 161 triệu USD (tương đương 2.587 tỉ đồng), thời gian thực hiện là 30 tháng. 

Tuy nhiên, sau gần một năm rưỡi khởi công, trong vòng 18 tháng không thể triển khai thực hiện thi công dự án theo tiến độ hợp đồng đã ký. Tháng 3-2009, phía Trung Quốc đề nghị cho tách phần xây dựng và lắp đặt (C) giao lại cho nhà thầu Việt Nam là Tổng Công ty xây dựng công nghiệp VN (Vinaincon) thực hiện.

Đầu năm 2011, Bộ Công thương đã cho phép Công ty Gang thép Thái Nguyên và MCC được phép chọn thêm một số nhà thầu phụ trong nước vào thi công để đẩy nhanh tiến độ dự án. 

Thế nhưng đến tháng 6-2012 do thiếu vốn, các nhà thầu đã dừng thi công, rút người ra khỏi hiện trường và công trình ngưng trệ từ đó tới nay. Sau gần một năm bị dừng thực hiện, đến tháng 5-2013, dự án chính thức được phê duyệt điều chỉnh tổng mức đầu tư từ 3.843 tỷ đồng lên 8.104 tỷ đồng.

Mặc dù đã tăng vốn nhưng trong hơn một năm sau đó, do dự án không có nhiều tiến triển, nên ông Trần Văn Khâm đã bị miễn nhiệm tư cách thành viên HĐQT, rời khỏi ghế Chủ tịch HĐQT. Thay thế ông Khâm là ông Vũ Bá Ổn (khi đó đang giữ chức Phó Tổng giám đốc Tổng Công ty Thép Việt Nam).

Tiếp đó, hơn hai tháng sau, HĐQT Công ty cổ phần Gang thép Thái Nguyên (TISCO) đã ban hành nghị quyết thông qua chủ trương miễn nhiệm chức danh Tổng giám đốc nhiệm kỳ 2014-2019 đối với ông Trần Văn Khâm. Thay thế ông Khâm là ông Hoàng Ngọc Diệp.

Mất đi hai chức vụ quan trọng nhưng ông Trần Văn Khâm vẫn được giữ chức Bí thư Đảng ủy, đứng đầu một Đảng bộ trực thuộc quản lý của Tỉnh ủy Thái Nguyên cho tới khi bị Cơ quan điều tra Bộ Công an khởi tố.

Dự án nghìn tỉ đắp chiếu và toà lâu đài xây sai phép - 2

Tòa “lâu đài” của ông Trần Văn Khâm.

Xây “lâu đài” trái phép

Sau khi bị bắt, cơ quan điều tra đã tiến hành khám xét nơi ở của bị can Trần Văn Khâm. Đó là một tòa “lâu đài” được đánh giá là thuộc loại lớn nhất thành phố Thái Nguyên. 

Từ hình ảnh tòa “lâu đài” này, ai cũng phải đặt dấu hỏi tại sao trong khi Công ty Gang thép Thái Nguyên liên tục nợ nần chồng chất trong nhiều năm, 8.100 tỷ đầu tư đánh đổi lấy một đống sắt vụn nằm đắp chiếu thì lãnh đạo chủ chốt của công ty này lại xây một tòa biệt thự thuộc loại hoành tráng nhất vùng như vậy. 

Đáng nói, căn biệt thự cao 5 tầng, kín cổng cao tường này được xây từ năm 2013 và từng bị chính quyền địa phương yêu cầu dỡ bỏ phần sai phép. Nhưng qua nhiều năm, căn nhà này vẫn đứng sừng sững, thách thức pháp luật.

Qua tìm hiểu, vào ngày 24-4-2012, UBND TP. Thái Nguyên đã cấp giấy phép xây dựng số 340/GPXD cho hộ ông Trần Văn Khâm và bà Nguyễn Thị Hồng tại địa chỉ tổ 13, phường Trung Thành (TP. Thái Nguyên). Trong giấy phép này ghi rõ, tổng diện tích sàn là 420m², tổng số tầng được phép xây dựng là 2 tầng với chiều cao 7m.

Tuy nhiên, khi thực hiện, ông Khâm lại cho xây dựng trên lô đất này một tòa “lâu đài” hoành tráng cao đến 5 tầng, ngang nhiên lấn cả lộ giới đường quy hoạch. Vì lý do đó, vào ngày 6-9-2013, UBND phường Trung Thành đã lập biên bản vi phạm hành chính, yêu cầu ngừng thi công xây dựng công trình vi phạm trật tự xây dựng.

Dự án nghìn tỉ đắp chiếu và toà lâu đài xây sai phép - 3

Ông Trần Văn Khâm.

Trong biên bản của UBND phường Trung Thành ghi rõ rằng, công trình xây dựng của gia đình ông Trần Văn Khâm và bà Nguyễn Thị Hồng tổ chức thi công xây dựng trái với nội dung giấy phép xây dựng được cấp có thẩm quyền cấp. 

Công trình xây dựng được cấp là 2 tầng nhưng gia đình ông Trần Văn Khâm xây dựng là 5 tầng, số tầng vượt quá là 3 tầng (chiều cao 17,10m trong khi đó giấy phép xây dựng quy định chỉ được xây dựng chiều cao 7 mét).

Ngoài ra, 1 phần công trình xây dựng sai phép vi phạm lộ giới đường quy hoạch là 22m. Đồng thời, chính quyền cũng yêu cầu hộ gia đình ông Trần Văn Khâm ngừng ngay việc thi công xây dựng công trình vi phạm và khắc phục kịp thời hành vi vi phạm trong vòng 24 giờ kể từ khi lập biên bản; tháo dỡ toàn phần diện tích xây dựng sai nội dung giấy phép xây dựng đã được cấp.

Tiếp đó, đến ngày 11-9-2013, UBND TP. Thái Nguyên đã ra Quyết định số 7355/QĐ-XPHC xử phạt hành chính đối với công trình vi phạm trật tự xây dựng của ông Trần Văn Khâm với mức phạt 7,5 triệu đồng. 

Quyết định này nêu rõ, buộc hộ ông Trần Văn Khâm và bà Nguyễn Thị Hồng tự phá dỡ công trình sai nội dung giấy phép xây dựng. Gia đình vi phạm phải chấp hành nghiêm quyết định hành chính trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày được giao quyết định xử phạt. Quá thời hạn trên, gia đình không chấp hành thì bị cưỡng chế thi hành.

Trên văn bản là vậy, tuy nhiên cho tới nay quyết định xử phạt này vẫn chưa được thi hành, chưa có ai đến cưỡng chế tòa “lâu đài” xây trái phép này sau hơn 5 năm. Trong thời gian đó, căn nhà “khủng” của ông Trần Văn Khâm vẫn tiếp tục xây dựng cho đến khi hoàn thành.

Khi đó, dư luận xã hội rất bức xúc trước hành vi coi thường pháp luật của gia đình ông Khâm, nhiều người cho rằng ông Khâm dựa vào chức vụ lớn tại Công ty Gang thép Thái Nguyên và là Tỉnh Ủy viên thời điểm ông Khâm xây nhà nên chính quyền phường Trung Thành không dám thực hiện quyết định đã ban hành.(?)

Bắt 5 cựu lãnh đạo gang thép Việt Nam và gang thép Thái Nguyên

Cựu Chủ tịch Hội đồng quản trị Tổng Công ty Thép Việt Nam và 4 người khác bị cơ quan điều tra bắt tạm giam để điều...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Đinh Hiền ([Tên nguồn])
Thời sự Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN