Dự án đường sắt Cát Linh-Hà Đông sẽ vận hành vào giữa tháng 1/2021

Sự kiện: Thời sự

Về dự án đường sắt đô thị Cát Linh-Hà Đông, ông Nguyễn Ngọc Đông - Thứ trưởng Bộ GTVT - cho biết, dự án được vận hành thử nghiệm toàn hệ thống theo 166 quy trình, từ ngày 12/12 đến 31/12/2020.

Tàu đường sắt trên cao tuyến Cát Linh-Hà Đông chạy thử nghiệm

Tàu đường sắt trên cao tuyến Cát Linh-Hà Đông chạy thử nghiệm

Toàn hệ thống dự án được vận hành theo cơ chế điều khiển tập trung, tự động từ Trung tâm Điều hành OCC đặt tại Depot Hà Đông. Các thông tin, tín hiệu của hệ thống tự động truyền về trung tâm điều hành để phục vụ chỉ huy, điều hành. Theo Thứ trưởng Bộ GTVT, Dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông đã hoàn tất chương trình vận hành thử nghiệm theo đúng kế hoạch đã được phê duyệt trong 20 ngày. Suốt quá trình này có sự giám sát chéo, chặt chẽ của nhiều bên là Hội đồng nghiệm thu Nhà nước, Ban Quản lý dự án, tư vấn độc lập của Pháp, Metro Hà Nội, Tổng thầu Trung Quốc.

Hiện nay, Tổng thầu Trung Quốc và các đơn vị có trách nhiệm đang xây dựng báo cáo chung, đánh giá về quá trình vận hành thử nghiệm này. Trong khi đó, Tư vấn độc lập của Pháp đang trong kỳ nghỉ Tết dương lịch, tới 10/1 mới trở lại công việc và hoàn thiện báo cáo đánh giá riêng về dự án.

Đến khoảng 15/1, cơ bản các báo cáo đánh giá an toàn, kỹ thuật, vận hành dự án sẽ được hoàn tất. Khi đó, những nội dung trong báo cáo đánh giá độc lập và báo cáo tổng thể sẽ được thẩm định, xem xét, phân tích kỹ lưỡng. Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông nhấn mạnh, an toàn chạy tàu là yêu cầu số 1. Sau khi kết thúc quá trình vận hành thử, những vấn đề còn chưa nhuần nhuyễn sẽ tiếp tục được đánh giá kỹ để có hướng khắc phục và hoàn thiện, thậm chí có phương án tiếp tục diễn tập những tình huống giả định trong vận hành, khai thác chạy tàu. Dự án phải đảm bảo an toàn mới đưa vào vận hành khai thác.

Với vai trò là đơn vị tham gia vận hành dự án, ông Vũ Hồng Trường - Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Metro Hà Nội - thông tin: “Chúng tôi đang chờ kết quả đánh giá về dự án của các đơn vị có trách nhiệm. Đội ngũ vận hành dự án đã tuân thủ quy trình vận hành đã được phê duyệt, chúng tôi sẽ tiếp tục củng cố, bồi dưỡng kiến thức để nâng cao hiệu quả vận hành”.

Đề cập tới thời gian tiếp nhận dự án và chính thức đưa vào khai thác thương mại, ông Trường cho biết việc này phụ thuộc vào kết quả đánh giá, nghiệm thu dự án. Metro Hà Nội sẵn sàng tiếp nhận càng sớm càng tốt.

Được biết, chiều 4/1, Tổ công tác riêng về đường sắt Cát Linh - Hà Đông của TP. Hà Nội đã có cuộc họp về dự án này. Tuy nhiên, một đại diện Tổ công tác cho biết đây là cuộc họp thường lệ và ít nhất 10 ngày nữa kết quả đánh giá vận hành thử nghiệm Dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông mới được công bố.

Bộ GTVT dự kiến trong khoảng 15/1 đến 20/1/2021 sẽ kết thúc quá trình đánh giá an toàn về dự án. Khi dự án hoàn thiện sẽ bàn giao cho UBND TP.Hà Nội đưa vào khai thác thương mại. Mới đây, đề cập tới dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng khẳng định, đặc thù đường sắt khác với đường bộ. Đường bộ làm xong có thể thông xe kỹ thuật và đưa vào khai thác, sử dụng. Đường sắt phải đánh giá kỹ lưỡng và đảm bảo an toàn mới được vận hành khai thác.

Trước câu hỏi sau khi đi vào hoạt động, liệu dự án có giải quyết được vấn đề bất cập của giao thông Hà Nội? Đại diện Ban Quản lý dự án đường sắt cho hay, dự án đưa vào hoạt động nhằm từng bước hiện thực hóa quy hoạch giao thông vận tải của Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 519/QĐ-TTg ngày 31/3/2016.

Việc tuyến Cát Linh Hà Đông đưa vào hoạt động đầu tiên trong các tuyến sẽ giúp nhân dân tiếp cận được phương thức vận tải tiên tiến trên thế giới, hình thành thói quen sử dụng phương tiện vận tải đường sắt đô thị.

Lãnh đạo Ban quản lý dự án chia sẻ thêm: Một số lợi ích chính khi đưa dự án vận hành chính là tiết kiệm thời gian cho hành khách và thời gian lưu thông đường bộ: Theo tính toán trong năm đầu vận hành sẽ giảm được 106 triệu lượt lưu thông bằng xe máy, ôtô do chuyển đổi từ các phương tiện này sang hệ thống đường sắt đô thị. Chi phí của người đi phương tiện cá nhân sẽ giảm đi. Đồng thời cũng giảm thời gian di chuyển, tiết kiệm 6 phút so với đi lại bằng xe máy hoặc ôtô (trong giờ bình thường), đặc biệt trong giờ cao điểm thì việc di chuyển bằng đường sắt đô thị sẽ có ưu thế hơn.

Nguồn: [Link nguồn]

Hành khách đi tàu Cát Linh - Hà Đông sẽ được miễn phí vé

Đến nay, dự án đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông đã được vận hành chạy thử 10 ngày để đánh giá an toàn, chuẩn...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Nhật Uyên ([Tên nguồn])
Thời sự Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN