Dự án điện hạt nhân Ninh Thuận được loạt cơ chế đặc thù
Khi xây nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận, Thủ tướng được quyền giao chủ đầu tư và hình thức chỉ định thầu hợp đồng chìa khóa trao tay được áp dụng.
Việt Nam khởi động lại dự án điện hạt nhân Ninh Thuận, với hai nhà máy số 1 và 2 đặt tại xã Phước Hải và Vĩnh Hải. Dự kiến nhà máy đầu tiên vận hành (phát điện) năm 2030, chậm nhất cuối 2031 để đảm bảo cho phát triển kinh tế, xã hội.
Sáng 19/2, với hơn 96% đại biểu tán thành, Quốc hội quyết nghị nhiều cơ chế, chính sách đặc thù để xây dựng nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận. Theo đó, Thủ tướng được quyền giao chủ đầu tư thực hiện dự án này.
Chính phủ được áp dụng chỉ định thầu hợp đồng chìa khóa trao tay khi xây dựng nhà máy chính với nhà thầu trong điều ước quốc tế. Hợp đồng này gồm lập hồ sơ phê duyệt địa điểm, dự án đầu tư, thiết kế, cung cấp thiết bị công nghệ, thi công và mua bảo hiểm của doanh nghiệp nước ngoài. Bản hợp đồng cũng có điều khoản về cung cấp nhiên liệu hạt nhân, vận hành, bảo dưỡng nhà máy trong 5 năm từ ngày dự án nghiệm thu đưa vào sử dụng.
Chỉ định thầu được áp dụng quy trình rút gọn với các gói tư vấn trong giai đoạn chuẩn bị đầu tư như lập, thẩm tra báo cáo cứu tiền khả thi, hồ sơ duyệt địa điểm, báo cáo nghiên cứu khả thi..., cũng như tư vấn chủ đầu tư đàm phán, ký, quản lý hợp đồng chìa khóa trao tay và giám sát thi công.
Việc thẩm định công nghệ, an toàn, an ninh trong các giai đoạn đầu tư làm dự án cũng được áp dụng chỉ định thầu.
Các đại biểu Quốc hội bấm nút thông qua Nghị quyết cơ chế đặc thù cho điện hạt nhân Ninh Thuận, sáng 19/2. Ảnh: Trung tâm báo chí Quốc hội
Cũng theo quyết nghị của Quốc hội, quá trình đàm phán điều ước quốc tế, hợp đồng chìa khóa trao tay được thực hiện song song với lập, thẩm tra báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, rà phá bom mìn, xây hạ tầng điện nước, quan trắc cũng.
Quốc hội lưu ý các quy chuẩn, tiêu chuẩn, hướng dẫn kỹ thuật do đối tác đề xuất áp dụng cho dự án phải tuân thủ theo hướng dẫn của Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) và không thấp hơn các tiêu chuẩn, điều kiện của Việt Nam.
Chủ đầu tư không phải trình cơ quan đại diện chủ sở hữu Nhà nước duyệt nội dung liên quan dự án, phương án huy động vốn, thế chấp vay vốn.
Liên quan phương án tài chính, thu xếp vốn, Chính phủ được phép đàm phán với chính phủ các đối tác thực hiện để có vốn theo nhu cầu, cam kết của nhà tài trợ nước ngoài.
Chủ đầu tư được phép thu xếp vốn đối ứng từ nguồn vốn vay, trái phiếu. Họ được vay, vay lại theo điều kiện ưu đãi (không phải chịu rủi ro tín dụng, không phải lập đề xuất chương trình, dự án dùng vốn ODA, vay ưu đãi...). Nguồn tăng thu, tiết kiệm chi ngân sách và vốn khác cho dự án sẽ do Thủ tướng quyết định.
Các ngân hàng được cho vay vượt giới hạn phần vốn đối ứng dự án. Khoản này không tính vào tổng dư nợ tín dụng của ngân hàng với chủ đầu tư, tránh ảnh hưởng tới thu xếp vốn các dự án khác.
Khoản dư nợ vay, trái phiếu không tính vào số nợ phải trả trên vốn chủ sở hữu của chủ đầu tư, tránh ảnh hưởng đến thu xếp vốn các dự án khác. Thủ tướng duyệt chủ trương tăng vốn điều lệ của chủ đầu tư từ nguồn đánh giá lại tài sản của các nhà máy thủy điện đa mục tiêu, BOT.
Quốc hội cho phép không phải thực hiện thủ tục chuyển mục đích dùng rừng để lấy đất làm dự án, nhưng lưu ý hạn chế việc chuyển đổi rừng tự nhiên.
Khác với dự thảo, tại Nghị quyết được thông qua đã bỏ tên cụ thể của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) và Tập đoàn Công nghiệp năng lượng quốc gia (PVN) trong vai chủ đầu tư hai nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1 và 2.
Trả lời VnExpress tại họp báo kết quả kỳ họp bất thường, đại diện Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường cho biết theo quy định Nghị quyết của Quốc hội chỉ quy định chung về cơ chế, chính sách mà không nêu cụ thể doanh nghiệp.
Ông cho biết chủ trương đầu tư dự án điện hạt nhân Ninh Thuận chưa được điều chỉnh (dự kiến tới kỳ họp vào tháng 5/2025 Quốc hội mới xem xét việc này - PV), nên chưa có cơ sở đưa tên cụ thể doanh nghiệp làm chủ đầu tư hai nhà máy.
"Nghị quyết của Quốc hội cho phép Thủ tướng giao chủ đầu tư thực hiện dự án. Do đó, việc giao EVN, PVN thực hiện dự án điện hạt nhân Ninh Thuận thuộc thẩm quyền của Thủ tướng", ông nói.
Trước đó, nêu ý kiến tại phiên thảo luận hôm 17/2, ông Nguyễn Mạnh Hùng, Chủ tịch PVN đề nghị cơ chế đặc thù cần dứt khoát có tên chủ đầu tư dự án, cụ thể EVN và PVN, để "rõ người, rõ việc". Bởi theo ông đây là dự án siêu lớn, nhiều cơ chế được thực hiện song song với thủ tục chuẩn bị đầu tư. "Nếu không có tên doanh nghiệp cụ thể chúng tôi sẽ không làm được vì sau khi được duyệt sẽ lại phải đi xin các cơ chế đó", ông nói.
Hai nhà máy điện hạt nhân đầu tiên được đặt tại tỉnh Ninh Thuận, nên Quốc hội đồng ý hàng năm ngân sách trung ương bổ sung có mục tiêu cho tỉnh 70% nguồn tăng thu từ triển khai dự án, nhưng không vượt quá tổng số tăng thu ngân sách trung ương trên địa bàn so với thực hiện thu ăm trước và ngân sách trung ương không hụt thu. Tỉnh này cũng được vay lại vốn ODA, vốn vay ưu đãi nước ngoài với tổng dư nợ tối đa 90% số thu ngân sách địa phương được hưởng theo phân cấp. Tổng mức vay, bội chi của tỉnh hàng năm sẽ do Quốc hội quyết định.
Bên cạnh đó, tỉnh được áp dụng một số cơ chế đặc thù trong cấp phép khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng cung cấp cho dự án điện hạt nhân.
Ninh Thuận được áp dụng chính sách bồi thường, hỗ trợ tái định cư khi thu hồi đất để xây dựng dự án ở mức cao nhất theo quy định nhân (x) 1,5 lần.
Địa phương được áp dụng bồi thường tái định cư khi Nhà nước thu hồi thực hiện dự án với người sử dụng đất chưa có giấy chứng nhận nhưng đã đủ điều kiện. Tỉnh này cũng được làm đồng thời việc bồi thường, hỗ trợ, tái định cư với điều chỉnh dự án đầu tư dự án di dân, tái định cư. TỈnh không phải điều chỉnh thủ tục khu vực dự trữ và thời gian dự trữ khoáng sản quốc gia khu vực thăm dò, khai thác trong trường hợp chồng lấn.
Điện hạt nhân Ninh Thuận là dự án quy mô rất lớn, lần đầu thực hiện tại Việt Nam và đòi hỏi nguồn lực lớn nên Quốc hội yêu cầu cần có cơ chế, chính sách bảo đảm phòng, chống tham nhũng, lãng phí. Chính phủ phải có tổ công tác để giám sát việc thực hiện dự án.
Chủ đầu tư nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1 và 2 phải gửi dự thảo hợp đồng chìa khóa trao tay xây nhà máy chính cho Kiểm toán Nhà nước. Cơ quan kiểm toán có trách nhiệm gửi lại kết quả kiểm toán cho cấp có thẩm quyền ký hợp đồng này trong tối đa 30 ngày.
Quốc hội cũng yêu cầu tổng thầu, nhà thầu ưu tiên sử dụng các sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ trong nước cho dự án này. Với gói thầu quốc tế, hồ sơ mời thầu phải có yêu cầu về chuyển giao công nghệ, đào tạo nhân lực cho đối tác Việt Nam. Việc này nhằm từng bước Việt Nam làm chủ vận hành, công nghệ trong phát triển năng lượng hạt nhân.
Trường hợp phát sinh cần điều chỉnh chủ trương đầu tư (trừ thay đổi tổng mức đầu tư), cơ chế đặc biệt cho dự án trong thời gian Quốc hội không họp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội được ủy quyền xem xét, quyết định.
Việt Nam đặt mục tiêu tăng trưởng kinh tế trên 8% năm nay và hai chữ số từ 2026. Tức là nhu cầu tăng trưởng điện mỗi năm khoảng 12-14%. Điện hạt nhân là nguồn điện sạch, sẽ giúp Việt Nam đa dạng nguồn cung, bảo đảm an ninh năng lượng và đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế, phát thải ròng bằng 0 (Net Zero) vào năm 2050 theo cam kết tại COP26.
“Việc áp dụng chỉ định thầu gói thầu chìa khóa trao tay là hợp lý để đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án điện hạt nhân Ninh Thuận. Tuy nhiên, hình thức...
Nguồn: [Link nguồn]
-19/02/2025 09:53 AM (GMT+7)