Dự án cao ốc 11 tầng ở trung tâm quận Ba Ðình, Hà Nội: Không phù hợp quy hoạch mới
Theo nhiều chuyên gia, dự án đã được phê duyệt tại 61 Trần Phú không phù hợp quy hoạch phân khu mới. Do đó, nếu chưa thực hiện, cần phải tạm dừng để rà soát, điều chỉnh cho phù hợp quy hoạch hiện hành.
Khu nhà 61 Trần Phú
Vị trí trọng yếu về chính trị
Về căn cứ pháp lý phê duyệt dự án Công trình đa chức năng Postef tại khu đất số 61 phố Trần Phú (phường Điện Biên, quận Ba Đình, Hà Nội): Khu đất nêu trên thuộc khu trung tâm chính trị Ba Đình (lô G1), yêu cầu quản lý quy hoạch và không gian kiến trúc các công trình theo “Điều chỉnh quy hoạch chi tiết khu trung tâm chính trị Ba Đình” được Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng ký tháng 12/2013.
Tháng 1/2017, Phó Giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội (QH&KT) Nguyễn Thế Công đã ký văn bản chấp thuận bản vẽ tổng mặt bằng và phương án kiến trúc Công trình đa chức năng Postef tại khu đất số 61 phố Trần Phú (phường Điện Biên, quận Ba Đình). Đây là bản vẽ do Cty cổ phần Thiết bị bưu điện (chủ đầu tư) đề nghị.
Đối với các yêu cầu về kiến trúc công trình, Sở QH&KT Hà Nội yêu cầu trong quá trình triển khai các bước tiếp theo, Cty cổ phần Thiết bị bưu điện cần tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện phương án thiết kế kiến trúc công trình theo góp ý của các thành viên Hội đồng Kiến trúc - Quy hoạch thành phố.
Bên cạnh đó, chủ đầu tư phải tổ chức lấy ý kiến rộng rãi các chuyên gia, hội nghề nghiệp, các tổ chức tư vấn thiết kế có năng lực để được tư vấn, góp ý, hoàn thiện hình thức kiến trúc công trình, đảm bảo phù hợp với chức năng sử dụng, có tính thống nhất với các công trình lân cận, đóng góp hiệu quả cho không gian kiến trúc cảnh quan trong tổng thể khu Trung tâm chính trị Ba Đình theo quy hoạch chi tiết tại khu vực đã được phê duyệt.
Sở QH&KT yêu cầu Cty cổ phần Thiết bị bưu điện có trách nhiệm chủ động phối hợp với UBND quận Ba Đình để thực hiện niêm yết công khai bản vẽ Tổng mặt bằng và phương án kiến trúc công trình tại vị trí dự án và trụ sở chính quyền địa phương làm cơ sở quản lý quy hoạch, quản lý trật tự xây dựng đô thị theo quy định…
Ngày 24/6/2017, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung đã ký quyết định chủ trương đầu tư đối với dự án này với tổng vốn và nguồn đầu tư khoảng hơn 1.574 tỷ đồng. Thời gian hoạt động của dự án là 50 năm kể từ ngày được quyết định chủ trương đầu tư.
Đến năm 2018, UBND thành phố Hà Nội có quyết định cho phép chủ đầu tư chuyển mục đích sử dụng đất để thực hiện dự án Công trình đa chức năng Postef.
Dự án cao ốc 11 tầng được cho không phù hợp quy hoạch mới
Cần điều chỉnh đúng quy hoạch hiện hành
Đối với việc tổ chức lấy ý kiến người dân khu vực, một lãnh đạo quận Ba Đình cho biết, quận đã tổ chức lấy ý kiến của người dân về dự án theo đúng quy định, tuy nhiên khu vực này 4 mặt đường, ít người dân ảnh hưởng, chỉ có chưa đến chục hộ dân đối diện mặt đường Nguyễn Thái Học. Phó Chủ tịch UBND quận Ba Đình Cồ Như Dũng cho biết thêm, vào năm 2016 UBND phường Điện Biên đã niêm yết đầy đủ thông tin, công khai bản vẽ phương án kiến trúc của dự án tại trụ sở UBND phường.
Vào thời gian đó, không có ý kiến phản đối của người dân, đa số đều đồng tình với phương án được đưa ra. Theo tìm hiểu của PV Tiền Phong, thời điểm niêm yết thông tin về bản vẽ dự án Công trình đa chức năng Postef, ông Cồ Như Dũng đang giữ chức Chủ tịch UBND phường Điện Biên.
Kiến trúc “kệch cỡm” KTS Phạm Thanh Tùng, Chánh văn phòng Hội Kiến trúc sư Việt Nam cho rằng: Khu vực trung tâm hành chính Ba Ðình là khu vực đặc trưng được quy hoạch hài hòa với nhà thấp tầng và cây xanh trải dài. Trong đó có Dinh toàn quyền Ðông Dương xưa dựa lưng vào Công viên Bách Thảo, mặt kia là Hồ Tây. Có hàng chục biệt thự vườn Pháp cổ với phần nhiều là cây xanh. Toàn bộ đều là nhà thấp tầng nên để một dự án 11 tầng tại đây là “kệch cỡm”, cần phải suy nghĩ, tính toán lại. |
TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam nhận định, thời điểm dự án phê duyệt thì đúng quy định.
Tuy nhiên, đầu năm 2021 Hà Nội đã công bố quy hoạch phân khu 4 quận nội đô với nhiều quy định mới. Như vậy, dự án đã được phê duyệt không phù hợp với quy hoạch phân khu mới, do đó nếu chưa thực hiện thì phải tạm dừng để rà soát, điều chỉnh cho phù hợp.
Ông Nghiêm dẫn chứng Luật Quy hoạch Đô thị năm 2009 quy định: Khi quy hoạch thay đổi, các dự án chưa thực hiện mà không phù hợp với quy hoạch mới thì phải điều chỉnh cho phù hợp.
Đối với việc Sở QH&KT Hà Nội chấp thuận chiều cao công trình 11 tầng để tương đồng với tòa nhà Quốc hội gần đó, KTS Đào Ngọc Nghiêm cho rằng: “Phải lấy quy định mới trong phân khu để điều chỉnh quy mô, chiều cao công trình chứ không thể so chiều cao với các công trình trong khu vực”.
Không được hỏi ý kiến
Đáng chú ý, dù là thành viên trong Hội đồng Kiến trúc - Quy hoạch thành phố Hà Nội nhiệm kỳ 2016 - 2020, thế nhưng KTS Đào Ngọc Nghiêm, KTS Hoàng Đạo Kính và một số chuyên gia tên tuổi khác lại không được lấy ý kiến quy hoạch, kiến trúc liên quan đến dự án này.
Trong khi đó, KTS Ngô Trung Hải, nguyên Viện trưởng Viện Quy hoạch đô thị và Nông thôn Quốc gia - đơn vị thực hiện Đồ án điều chỉnh Quy hoạch chi tiết Khu trung tâm chính trị Ba Đình lại cho rằng, ông không nắm rõ quy hoạch khu vực và dự án Công trình đa chức năng Postef.
KTS Phạm Thanh Tùng, Chánh văn phòng Hội Kiến trúc sư Việt Nam cho rằng: Khu vực trung tâm hành chính Ba Đình là khu vực đặc trưng được quy hoạch hài hòa với nhà thấp tầng và cây xanh trải dài. Trong đó có Dinh toàn quyền Đông Dương xưa dựa lưng vào Công viên Bách Thảo, mặt kia là Hồ Tây. Có hàng chục biệt thự vườn Pháp cổ với phần nhiều là cây xanh. Toàn bộ đều là nhà thấp tầng nên để một dự án 11 tầng tại đây là “kệch cỡm”, cần phải suy nghĩ, tính toán lại.
Ngoài ra, đưa công trình 11 tầng vào trung tâm Ba Đình “va” phải hàng loạt quy định của Thủ đô như Quy hoạch nội đô không xây dựng công trình cao quá 9 tầng; Chủ trương di dời các công trình nhà máy ra khỏi 4 quận nội thành để làm các không gian công cộng…
Về góc độ văn hóa kiến trúc, KTS Tùng nói thêm: Người Pháp sang Việt Nam đầu tiên họ xây dựng ngân hàng, bưu điện, cầu đường, nhà hát… Có thể thấy rằng thiết chế văn hóa là cực kỳ quan trọng, là nền của một đô thị phát triển đầy đủ.
Trong đó, bưu điện là một trong những thiết chế đầu tiên của đô thị. Theo ông Tùng, đừng nghĩ văn hóa không tạo ra tăng trưởng, thực chất văn hóa là nền tạo ra tăng trưởng, thế nên mới có công nghiệp văn hóa. Hà Nội rất muốn phát triển kinh tế, để tạo GDP không khó nhưng để tạo ra văn hóa phát triển là cả vấn đề từ nhận thức, tư duy người lãnh đạo.
“Từ trước đến nay chưa bao giờ coi văn hóa phát triển GDP mà chỉ nhìn vào những con số. Nhưng chính văn hóa lại là nền rất quan trọng, trước văn minh phải có văn hiến”, KTS Tùng nói.
Bộ Xây dựng ”tuýt còi” Bộ Xây dựng vừa có Văn bản số 1145/BXD-QHKT gửi UBND thành phố Hà Nội về việc rà soát tổng mặt bằng và phương án kiến trúc công trình đa chức năng tại số 61 phố Trần Phú, quận Ba Ðình, thành phố Hà Nội theo phản ánh của báo chí. Theo Quy hoạch chi tiết Khu trung tâm chính trị Ba Ðình, thành phố Hà Nội, tỷ lệ 1/2000 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt điều chỉnh tại Quyết định số 2411/QÐ-TTg ngày 10/12/2013, Nhà máy thiết bị bưu điện tại lô G1 (khu đất số 61 phố Trần Phú, Hà Nội) được di chuyển ra khỏi khu trung tâm. Tuy nhiên, Khu trung tâm chính trị Ba Ðình có tính chất là khu vực có nhiều giá trị mang tầm quốc gia về văn hóa, lịch sử, không gian kiến trúc gắn liền với lịch sử phát triển đất nước, với mục tiêu bảo tồn, tôn vinh các giá trị di sản văn hóa, lịch sử, kiến trúc đô thị. Với lý do trên, Bộ Xây dựng đề nghị UBND thành phố Hà Nội trước mắt tạm dừng thi công; rà soát về các chỉ tiêu quy hoạch, phương án kiến trúc công trình tại số 61 phố Trần Phú, quận Ba Ðình, Hà Nội đảm bảo tuân thủ quy định, phù hợp với quy hoạch, không gian, kiến trúc, cảnh quan Khu trung tâm chính trị Ba Ðình (nội dung này cũng đã được Bộ Xây dựng lưu ý tại Văn bản số 515/BXD-QHKT ngày 24/3/2016 gửi UBND thành phố Hà Nội); nghiên cứu tiếp thu các ý kiến phản ánh để có giải pháp thực hiện phù hợp; công bố thông tin đầy đủ, đảm bảo công khai, minh bạch. T. H |
Nguồn: [Link nguồn]
Lãnh đạo Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội khẳng định, kết cấu, kiến trúc của công trình 61 Trần Phú (quận Ba Đình) không có gì đặc biệt và thiết kế tòa nhà cao ốc mới "tương...