Dự án 61 Trần Phú: Xây cao ốc là phá vỡ cảnh quan Ba Đình

Sự kiện: Thời sự

 Theo kiến trúc sư, việc đặt một tòa nhà 11 tầng nổi, sáu tầng hầm vào khu trung tâm Ba Đình sẽ gây áp lực nên hạ tầng giao thông, phá vỡ cảnh quan chung của khu vực.

Liên quan đến dự án 61 Trần Phú, quận Ba Đình, Hà Nội, mới đây, Phó Giám đốc Sở QH-KT TP Hà Nội Nguyễn Trọng Kỳ Anh cho hay đây vốn là một công trình công nghiệp do người Pháp xây dựng và mặt kiến trúc, kết cấu không có gì đặc biệt. Theo ông Anh, công trình không nằm trong “Danh mục công trình kiến trúc khác xây dựng trước năm 1954 cần tập trung nguồn lực để bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa” được ban hành kèm theo Nghị quyết 24/2013 của HĐND TP Hà Nội.

Dự án không có trong danh mục bảo tồn

Lãnh đạo Sở QH-KT TP Hà Nội khẳng định việc di dời nhà máy tại 61 Trần Phú khỏi khu vực trung tâm nội đô để xây dựng công trình đa năng với các chỉ tiêu quy hoạch kiến trúc nêu trên là phù hợp định hướng đã được Thủ tướng phê duyệt và đã được cấp có thẩm quyền xem xét, chấp thuận. Quy mô công trình không làm ảnh hưởng tới cảnh quan kiến trúc của trung tâm Ba Đình.

Tuy nhiên, theo tư liệu vừa được Trung tâm Lưu trữ quốc gia I công bố, nhà máy cũ do người Pháp xây dựng tại 61 Trần Phú từ những năm 1920 của thế kỷ 19. Công trình đã có 100 tuổi với những dấu ấn lịch sử đặc biệt và trước khi bị phá dỡ thì đây là một trong những công trình Pháp cổ hiếm hoi còn giữ được dáng vẻ nguyên vẹn.

Chia sẻ về kiến trúc này, kiến trúc sư (KTS) Phạm Thanh Tùng, Chánh văn phòng Hội KTS Việt Nam, cho hay khi thiết kế công trình này người Pháp đã tính toán rất kỹ về điều kiện đường sá, cảnh quan kiến trúc xung quanh. “Ở bốn mặt phố họ làm nhà hai tầng, nơi đặt văn phòng làm việc. Ở giữa lô đất là nhà kho, nhà xưởng. Kiến trúc này khiến một công trình công nghiệp ở khu vực trung tâm khá biệt lập và không làm ảnh hưởng đến không gian quanh đó” - KTS Tùng cho hay.

Theo KTS Tùng, nhà máy cũ tại 61 Trần Phú với 100 năm tuổi có ý nghĩa đặc biệt, là nhân chứng cho sự phát triển của Hà Nội. Bên cạnh đó, nó cũng có ý nghĩa lịch sử khi bên tường nhà máy có lưu giữ bức phù điêu (phía mặt đường giao cắt Nguyễn Thái Học - Lê Trực) tôn vinh chiến thắng của quân dân thủ đô bắn rơi máy bay Mỹ. Đây chính là những giá trị văn hóa, lịch sử mà khi phá bỏ đi không thể nào lấy lại được...

Nhà máy 100 tuổi tại 61 Trần Phú đang bị phá dỡ dở dang. Ảnh: TRỌNG PHÚ

Nhà máy 100 tuổi tại 61 Trần Phú đang bị phá dỡ dở dang. Ảnh: TRỌNG PHÚ

Phá vỡ kiến trúc, cảnh quan khu vực

Theo KTS Tùng, việc xây dựng tòa nhà 11 tầng nổi, sáu tầng hầm tại 61 Trần Phú sẽ phá vỡ cảnh quan, kiến trúc và gây áp lực lên hạ tầng giao thông quanh khu trung tâm chính trị Ba Đình.

Cụ thể, lô đất mà dự án sắp triển khai với bốn mặt tiền là các đường Nguyễn Thái Học, Lê Trực, Trần Phú, Hùng Vương. Đây là nơi thường xuyên diễn ra những sự kiện chính trị trọng đại của đất nước. Đồng thời nơi này cũng giáp với sân vận động Hàng Đẫy, các ga của các tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông, Nhổn - ga Hà Nội. Do đó, mật độ giao thông rất cao, nếu đặt một công trình quy mô 11 tầng nổi, sáu tầng hầm tại khu vực này tất yếu sẽ dẫn đến xung đột giao thông, gây ra ùn tắc.

Về mặt kiến trúc, cảnh quan, KTS Tùng cho hay quanh khu vực này đều là các tòa nhà thấp tầng, mái ngói, tường sơn vàng, đặc trưng kiến trúc Pháp cổ như tòa nhà Bộ Tư pháp, BV Xanh Pôn, các nhà vườn biệt thự Pháp (đại sứ quán các nước...). Xa hơn nữa là trụ sở làm việc của các cơ quan trung ương, Lăng Bác. Đặc biệt là Nhà Quốc hội, nơi thể hiện quyền lực của nhân dân...

“Đô thị nào cũng là một chuỗi kết nối quá khứ, hiện tại và tương lai. Trung tâm Ba Đình cực kỳ quan trọng, do đó mỗi đồ án quy hoạch phải nương vào cảnh quan đã có, chứ không nên phá vỡ cảnh quan đó” - KTS Tùng nói và đề nghị nên dành lô đất này để làm các công trình công cộng như công viên, trồng cây xanh để đảm bảo cảnh quan cho khu vực.

Chánh văn phòng Hội KTS Việt Nam cũng chia sẻ thêm dự án tại 61 Trần Phú có câu chuyện tương tự như dinh Thượng thư tại TP.HCM vì đều được yêu cầu phá dỡ vì không nằm trong danh mục công trình văn hóa, di sản cần được bảo tồn. Tuy nhiên, dinh Thượng thư có số phận may mắn hơn vì lãnh đạo TP.HCM đã lắng nghe các nhà khoa học, trí thức và dư luận giữ lại tôn tạo công trình này, còn khu 61 Trần Phú thì đang bị đập bỏ dở dang mới bị yêu cầu tạm dừng phá dỡ.

Nguồn: [Link nguồn]

Bức phù điêu ở Dự án 61 Trần Phú đáng giá bao nhiêu mà Hà Nội phải hỏa tốc tạm dừng thi công?

Theo nhà sử học Dương Trung Quốc, mặc dù không có giá trị về kinh tế nhưng bức phù điêu mang lại giá trị lịch sử rất lớn. Do đó, bằng bất cứ giá nào cũng cần được bảo...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo TRỌNG PHÚ ([Tên nguồn])
Thời sự Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN