Đốt xe ôtô rồi livestream trên mạng bị xử lý như thế nào?
Nếu ô tô là tài sản của người khác thì người đốt xe có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội huỷ hoại tài sản.
Mới đây, sự việc một người đàn ông ông tên T.C.V (44 tuổi) tại Đà Nẵng châm lửa đốt một chiếc xe ô tô trên đường, sau đó dùng điện thoại livestream trên mạng xã hội đã gây xôn xao dư luận.
Liên quan đến sự việc này nhiều bạn đọc thắc mắc hành vi đốt xe của người đàn ông này này có vi phạm pháp luật hay không, nếu vi phạm thì sẽ bị xử lý như thế nào?
Trao đổi với PLO về vấn đề này, Luật sư Trần Thái Bình, Đoàn Luật sư TP.HCM, cho biết trước tiên cơ quan chức năng cần làm rõ mục đích của hành vi đốt xe là gì và xác định chiếc xe ô tô bị đốt là tài sản của ai.
Chiếc xe bị ông V thiêu rụi trên đường. Ảnh: Ngô Quang
Trường hợp ô tô là tài sản của người khác thì hành vi của ông V. có thể sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản theo quy định tại Điều 178 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017). Khung hình phạt thấp nhất của tội này là bị phạt tiền từ 10-50 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm.
Trường hợp kết quả xác minh cho thấy có căn cứ để xác định hành vi đốt xe nhằm quảng cáo cho một hãng xe hoặc quảng cáo cho một sản phẩm nào đó thì ông V. có thể bị xử phạt hành chính theo quy định tại điểm c khoản 4, Điều 34 Nghị định 38/2021.
Cụ thể, điều khoản này quy định phạt tiền từ 40-60 triệu đồng đối với người nào thực hiện hành vi quảng cáo có hành động, lời nói, hình ảnh, âm thanh, chữ viết tạo cho trẻ em có suy nghĩ, lời nói, hành động trái với đạo đức, thuần phong mỹ tục; gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe, an toàn hoặc sự phát triển bình thường của trẻ em (đốt xe rồi livestream trên mạng xã hội có thể ảnh hướng xấu đến trẻ em).
Đây cũng được xem là hành vi quảng cáo thiếu thẩm mỹ, trái với truyền thống lịch sử, văn hóa, đạo đức, thuần phong mỹ tục Việt Nam theo quy định tại điểm d khoản 4, Điều 34 Nghị định 38/2021.
Ngoài ra, đối với hành vi đốt xe rồi livestream trên mạng xã hội có thể được xem là hành vi cung cấp, chia sẻ đường dẫn đến thông tin trên mạng có nội dung bị cấm (cố tình chia sẻ hình ảnh tai nạn, cháy nổ kinh dị, rùng rợn…). Mức phạt tiền cho cá nhân vi phạm là bị phạt tiền từ 5-10 triệu đồng (tổ chức vi phạm phạt tiền từ 10-20 triệu đồng) theo quy định tại điểm h, khoản 1, Điều 101 Nghị định 15/2020 (được sửa bổ sung tại Nghị định 14/2022).
Nguồn: [Link nguồn]
Khuya 2-10, người đàn ông tự lái xe ô tô tới đường 2-9 và tự đốt xe rồi livestream lên mạng xã hội.