Đột nhập lò tái chế chì độc hại
Trong gian nhà xưởng xông mùi khét lẹt, đặc quánh, nhóm công nhân không đồ bảo hộ đang hì hục vác từng bao ắc quy thải đẩy vào lò nấu đang rực lửa. Cạnh đó, một nhóm khác đang tiếp than vào lò, một nhóm khác múc từng gầu chì nóng chảy ra khuôn đúc…
Đó là hình ảnh nhóm phóng viên ghi lại được trong xưởng tái chế chì thải nằm trên đường số 15 KCN Lê Minh Xuân (huyện Bình Chánh, TP HCM).
Lò nấu chì từ ắc quy thải
Nhiều người vẫn thắc mắc, những chiếc ắc quy thải loại, hết hạn sử dụng đi về đâu? Sau nhiều ngày theo dõi, mật phục, phóng viên phát hiện nhiều điểm tập kết, tháo dỡ, nấu ắc quy chì thải loại. Trong đó, lượng ắc quy thải loại đổ nhiều về cơ sở tại đầu cầu Kênh A, đoạn giao giữa đường Trần Đại Nghĩa - Lê Đình Chi, thuộc địa phận xã Lê Minh Xuân (huyện Bình Chánh, TP HCM). Đây là khu vực đất rừng, thuộc xã Lê Minh Xuân, tiếp giáp với cống nước dẫn ra kênh A. Điểm này rộng hàng héc ta, có nhiều nhà xưởng với các ống khói cao vút, luôn nhả khói đen.
Cơ sở khác ở tại đầu cầu Kênh A (đoạn giao giữa đường Trần Đại Nghĩa - Lê Đình Chi) luôn có bảo vệ túc trực.
Hàng ngày, nhiều xe tải chở hàng đổ về. Sau đó, ắc quy qua sơ chế để lấy lõi rồi được vận chuyển về một điểm khác tại đường số 15 KCN Lê Minh Xuân để nấu chì thành phẩm.
Phóng viên đã tiếp cận làm rõ quy trình nấu chì thải độc hại của tổ hợp nhà xưởng này. Cuối chiều, khi công nhân trong KCN Lê Minh Xuân tan ca cũng là lúc nhóm lao động trong xưởng nấu chì bắt đầu ngày làm việc mới.
Trước khi vào ca, nhóm công nhân nấu chì ra cửa hóng gió. Đó là quãng thời gian giúp chúng tôi có thể tiếp cận và biết được bên trong xưởng nấu chì có những gì. Bởi, trong gian nhà xưởng có diện tích chừng 500m2 chỉ có duy nhất một lối ra vào luôn đóng kín. Không chỉ trang bị camera an ninh dày đặc, bên ngoài xưởng luôn có 1 bảo vệ túc trực để xua đuổi người lạ.
Chì được đưa đi bán ngay sau khi tái chế
Rất khó khăn chúng tôi mới tiếp cận được để bắt chuyện. Vẫn là ánh mắt dò xét vì thấy người lạ nhưng sau ít phút trò chuyện nhóm công nhân dường như bớt cảnh giác. Họ đa phần là người dân lao động từ miền Tây lên thành phố kiếm sống.
Trao đổi với phóng viên, lãnh đạo UBND xã Lê Minh Xuân cho biết, trước đây người dân cũng có ý kiến về ô nhiễm của những cơ sở này, đoàn kiểm tra của huyện, xã cũng đã kiểm tra. Vị này cho hay, UBND xã sẽ tổ chức kiểm tra ngay và sẽ thông tin cụ thể về những cơ sở này khi có kết quả. |
Dù tuổi tác và cách nói chuyện còn khá trẻ nhưng khuôn mặt ai cũng sạm đen, đôi mắt thâm quầng. Ngỏ ý xin vào làm trong xưởng, người đàn ông tên S. (người nhiều tuổi nhất nhóm) xua tay: “Vất vả lắm, không dễ ăn đâu. Vô trong này, phải quen mới làm được, chứ mới vô là không có làm được. Đây toàn người làm lâu năm đó!”.
Sau nhiều ngày bắt chuyện làm quen, ông S. tiết lộ, ắc quy cũ, hỏng được các điểm thu gom lại chuyển về một cơ sở khác ở tại đầu cầu Kênh A (đoạn giao giữa đường Trần Đại Nghĩa - Lê Đình Chi).
Ắc quy phế thải được nhóm công nhân cưa ra, lọc lấy phần chì để nấu. Tuy nhiên, lượng ắc quy lớn, cơ sở này có công suất nhỏ. Phần lớn lõi chì được đóng vào từng tải khoảng 60kg, đưa lên xe tải chuyển về lò nấu này.
Mỗi đêm nấu 20 tấn chì thành phẩm
Chỉ ngồi chưa đầy 30 phút nhưng mắt tôi cay xè, cổ họng nghẹn đắng lại. Phía trong, ánh lửa rừng rực từ lò nấu chì hắt ra. Lấy lý do xin đi vệ sinh, tôi tìm cách vào bên trong.
Càng đến gần cửa, không khí càng ngột ngạt hơn, hơi nóng hầm hập. Cạnh cửa có một tấm nệm rải xuống nền bê tông, là nơi nghỉ của bảo vệ. Phía trong là một gian phòng khác là nơi ở của công nhân được ngăn với lò nấu bằng vách nhựa.
Án ngữ ở cửa là chiếc xe tải lớn (loại 25 tấn) đang chờ đổ hàng. Khi bắt đầu ca làm, hai công nhân nhảy phắt lên thùng đẩy từng tải ắc quy chì về sát mép. Hai công nhân khác đợi phía dưới thoăn thoắn đón từng tải lên vai rồi đổ vào lò nấu qua một lỗ lớn.
Lò nấu chì được xây bằng kim loại và gạch chịu lửa kín mít. Phía trên là ống khói. Ống khói được bịt lưới để thu lại bụi chì mịn (quặng chì vẫn chiếm khoảng hơn 20%). Bụi chì này, cùng với xỉ thải sau đó cũng được thu lại, xả nước để đóng gói xuất bán.
Công việc của nhóm công nhân cứ liên tục như thế từ 21h đến 9h sáng hôm sau. Và tại xưởng nấu này, mỗi đêm có 20 tấn chì thành phẩm được nấu và xuất bán. |
Lò nấu được thiết kế một đường dẫn để chì thành phẩm chảy xuống hố xây ngầm dưới đất.
Tại cửa lò là 3 công nhân chân dép lê, người đeo khẩu trang, người không, mặt mũi đen bóng túc trực.
Người tiếp than đá, người xúc từng xẻng chì đổ vào khuôn được xếp ngay ngắn ngay gần đó. Vào đến đây, nước mắt, mũi tôi giàn giụa, cay xè vì không khí đặc quánh mùi khét trộn lẫn mùi axit.
Khi những thỏi chì đã nguội, những công nhân này xếp từng khay đưa ra cạnh cửa. Chì thành phẩm được xe nâng đưa lên xe tải chuyển đi vào sáng hôm sau.
“Nấu đời”... trong lò nấu chì Theo ông S., công nhân ở đây được phân cụ thể từng việc gồm vác tải ắc quy chì thải đổ vào lò, nhóm túc trực ở lò. Trong đó, có 2 nhiệm vụ nguy hiểm, độc hại nhất là tháo chì từ ắc quy và trực lò nấu chì. Để tháo chì, công nhân cưa từng bình ắc quy thải, phân ra hai phần: vỏ và lõi. Để lấy chì, họ đập mạnh ruột ắc quy xuống nền đất để những lõi chì còn ngậm đầy axit rơi ra. Công việc làm thủ công nên mùi axit xộc thẳng vào mặt, mũi. Nước axit đó sau quá trình đập, cũng không được thu hay đựng trong bất kỳ thứ gì, cứ thế chảy thẳng ra nền đất và trôi đi. Lõi chì sẽ được đưa vào lò để nấu. Nhóm công nhân không đồ bảo hộ đang xúc than, đúc khuôn chì trong xưởng tại đường số 15 KCN Lê Minh Xuân Độc hại nhất là 3 người công nhân đứng túc trực ở lò. Họ đều còn trẻ và chưa vợ. Ắc quy chì được đẩy qua lỗ cao vào lò, công nhân phải đẩy làm sao để chì tản ra và làm sao để than cháy đều, đủ nhiệt độ. Trung bình, mỗi đêm công nhân trong nhà xưởng này được trả công 1 triệu đồng thì những người đứng lò được trả 1,2 triệu đồng. “Không có tiền thì cố gắng làm ở đây đôi ba tháng, đôi ba năm rồi về. Chứ con chó nuôi ở đây cũng không sống được. Nuôi được mấy hôm nó hít bụi khói cũng lăn ra chết. Cả ông T. (người quản lý xưởng) cũng phải vào nằm viện chữa phổi cả tháng trời. Bây giờ phải để em trai trông nom chứ ông T. có khỏi cũng không dám về đây”, ông S. thở dài. Ông T. là người được chủ cơ sở giao quản lý xưởng này, cũng là người trực tiếp nhận khoán, bố trí công nhân về đây làm việc. “Ông T. được chủ trả khoảng 350 nghìn đồng/tấn chì thành phẩm. Ông ấy khoán cho đội thợ khoảng 270 nghìn đồng/tấn, còn lại ông thu chênh lệch 80 nghìn đồng/tấn”, ông S. nói rồi cho biết, chủ chỉ quan tâm đến chất lượng chì thành phẩm, đạt chất lượng thì ông ấy thưởng thêm cho người quản lý. Tỷ lệ nấu đạt khoảng 60%, tức là mỗi đêm để làm ra 20 tấn chì thành phẩm thì phải nấu khoảng 35 tấn lõi chì ắc quy thải. Và với giá bán trên thị trường hiện nay, 20 tấn chì thành phẩm, chủ cơ sở này bỏ túi hàng tỷ đồng. |
Theo các chuyên gia môi trường và y tế, việc thu gom, xử lý bình ắc quy cũ không đảm bảo, dẫn tới trường hợp bị ngấm, thấm xuống đất, phát tán ra môi trường xung quanh dưới dạng bụi có thể sẽ vào nguồn nước, đất gây ô nhiễm, ảnh hưởng đến thức ăn, người dân sống trong khu vực đó. Việc nhiễm độc chì sẽ gây thiếu máu, tăng huyết áp, ảnh hưởng đến tiêu hóa - gây đau bụng, ảnh hưởng tới sự phát triển vận động, phát triển chiều cao, phát triển của xương, các cơ quan sinh sản làm giảm khả năng sinh sản ở cả nam và nữ. |
Cứ đến gần Tết Trung thu, nhiều hộ gia đình nơi đây lại tất bật sản xuất những món đồ chơi gắn liền với bao thế hệ từ thời “ông bà anh”.
Nguồn: [Link nguồn]