Đột nhập lò “độ” cân gian giữa Sài thành
Bằng cách chế tác một số bộ phận bên trong chiếc cân như: thay, mài, co giãn lò xo, gắn chíp điện tử…, mỗi ngày những cơ sở “độ” cân tại TP.HCM cho ra lò hàng trăm chiếc cân gian, cân thiếu phục vụ cho gian thương móc túi khách hàng.
Kỳ 1: Công nghệ “phẫu thuật” cân điêu
Việc xuất hiện những lò “độ” cân gian đã tiếp tay giới buôn gian bán lận thực hiện những chiêu trò “phù phép” móc túi người tiêu dùng. Phóng viên đã thâm nhập những lò “độ” cân gian tại TP.HCM và bóc trần thủ đoạn làm ăn phi pháp của dân “độ” cân.
Muốn “ăn” bao nhiêu cũng “độ” được hết!
Tiếp cận với nhiều tiểu thương, chúng tôi được họ giới thiệu những địa chỉ “độ” cân gian “tin cậy” ở TP.HCM. Vào vai người đi “độ”, chúng tôi đến lò “độ” cân trên quốc lộ 1A. Đây là đoạn đường gần với chợ đầu mối Thủ Đức, nơi các hoạt động buôn bán diễn ra sôi động suốt ngày đêm. Trên đoạn đường ngắn chưa đầy 200 mét có tới 3 tiệm sửa cân.
Ghé tiệm sửa cân đầu tỉnh lộ 43, tiệm này không có tên, khuôn viên nhỏ hẹp, tềnh toàng nhưng là tiệm “độ” cân có uy tín trong khu vực. Tiệm này còn kiêm việc bơm, vá lốp ô tô. Bên trong tiệm, một số cân nằm ngổn ngang chờ tới lượt “đại tu”. Bên ngoài, chủ tiệm đưa những chiếc cân đã được sửa chữa lên kệ chào bán, mọi người lưu thông trên quốc lộ 1A cũng dễ dàng nhận ra.
Thấy tôi rụt rè bước vào tiệm, nam thanh niên tên K. hất hàm hỏi: “Đến đây làm gì?”. “Dạ em đi sửa cân”, tôi đáp. “Cân bị sao mà phải sửa?”, nam thanh niên gặng hỏi. Tôi bày tỏ: “Em đến nhờ anh làm cho chiếc cân sai tí để buôn bán ấy mà!”. “Ai giới thiệu tới đây?”, K. hỏi với thái độ nghi ngờ. “Có mấy anh bán hàng xe ba gác ở chợ Linh Xuân chỉ tới”, tôi trả lời. Không còn nghi ngờ, K. nhận lời “phẫu thuật” cho chiếc cân của tôi.
Dưới bàn tay của dân “độ”, những chiếc cân được phù phép trở thành cân gian
Trong tiếng ồn ào của xe cộ lưu thông trên Quốc lộ 1A, nam thanh niên tiếp tục màn chào hỏi: “Muốn sửa để bán ra hay mua vào?”. “Anh có thể giải thích “sửa bán ra và mua vào” rõ hơn được không?”, tôi đề nghị. “Nếu là hàng bán ra, bọn tôi sẽ sửa chiếc cân để khi cân hàng, trọng lượng của nó chênh lệch cao hơn so với trọng lượng thật. Chẳng hạn, trọng lượng thật của hàng hóa chỉ có 1 kg thì bọn tôi sẽ làm cho trọng lượng của nó chênh lệch lên thành 1,2 kg. Và ngược lại, nếu anh mua hàng vào, chúng tôi sẽ làm trọng lượng của nó giảm xuống so với trọng lượng thật. Dù anh bán ra hay mua vào, chúng tôi sẽ làm cho cân của anh “ăn” được một lượng giá trị nhất định”, K. hào hứng.
Xong công đoạn chào hỏi, K. cầm kềm mở tung chiếc cân, đưa lò xo ra ngoài và thực hiện động tác “phù phép” cho chiếc lò xo. Chỉ trong chốc lát, nam thanh niên thực hiện xong màn “độ” cân. Để khách hàng yên tâm, K. lấy một thỏi sắt có trọng lượng 1 ký đưa lên bàn cân và nói: “Chiếc cân đã làm xong, một ký thành 1,2 ký, “ăn” được 2 lạng”.
Sau khi “phẫu thuật”, chiếc cân bé này có thể “ăn” 2 lạng/1kg
Theo K., “Việc thay, mài, bóp méo lò xo là xưa rồi. Muốn “ăn” nhiều thì dùng “đồ chơi - chíp điện tử”. Thích “ăn” bao nhiêu cũng được. Kiểu “độ” này người ta gọi là gắn “hàng” cho cân. Chỉ cần đứng từ xa dùng điều khiển nhấn nút là chiếc cân có thể “ăn” bao nhiêu tùy ý muốn của mình”. Cách “độ” này, dân buôn bán lớn thường hay áp dụng để thực hiện việc gian lận dễ hơn mà lại khó bị phát hiện.
Cân “độ”, 1 vốn 4 lời
Chỉ cần bỏ ra số tiền nhất định tùy vào kiểu “độ”, dân buôn gian bán lận sẽ có được chiếc cân “ăn” theo ý muốn của mình. Họ có thể “hô biến” những chiếc cân bình thường biết “nhảy múa” trên thương trường để tạo ra một giá trị lớn hơn rất nhiều lần giá trị thật của một sản phẩm.
Những tiệm “phù phép” cân gian trá hình tiệm sửa cân trên quốc lộ 1A (quận Thủ Đức, TPHCM)
Tiếp tục tìm đến tiệm độ cân AD, tiệm nằm ngay đầu tỉnh lộ 43 giao với Quốc lộ 1A, và yêu cầu cửa hàng “đại phẫu” cho chiếc cân của mình. Người đàn ông trung niên trên mình đầy hình xăm giới thiệu là chủ tiệm, tiến tới hỏi cộc lốc: “Muốn “ăn” nhiêu?”. “Anh làm “độ” được bao nhiêu thì “ăn” vậy!”, tôi ra vẻ sành sỏi việc “độ” cân. “Nếu cân có trọng lượng tối đa 30 kg, bọn tui “độ” cho ông “ăn” được ít nhất là 2 kg, nhiều nhất là 5 kg. Loại cân từ 100 kg trở lên tui “độ” cho ông để có thể “hô biến”, “ăn” được ít nhất là 5 kg và nhiều nhất là 20 kg”, tay chủ tiệm nhiệt tình giải thích.
Theo tìm hiểu, mỗi lần độ như thế này giá tiền công từ 300.000 đến 500.000 đồng tùy theo yêu cầu “ăn” nhiều hay ít của chủ buôn.
“Ăn nhiều quá sợ bị phát hiện”, tôi tỏ vẻ lo ngại. Ngay lập tức, người đàn ông quay sang tư vấn: “Muốn an toàn, ăn nhiều mà không bị phát hiện thì gắn “hàng điện tử”, loại này có tinh ý đến đâu cũng không phát hiện được. Chỉ cần bỏ ra 5 triệu sẽ có được “bảo bối” muốn “ăn” bao nhiêu cũng được”.
Bất ngờ trước màn ngã giá kiểu “quăng bom”, tôi đề nghị: “Vừa rồi tụi em hỏi tiệm bên, người ta trọn gói cả cân và chíp điện tử là 4,5 triệu, anh bớt chút để anh em lấy mối làm ăn lâu dài”.
Ngay lập tức, người này mỉa mai: “Làm nhiều thì ăn nhiều, có 5 triệu mà kêu trời. Chỗ tôi hàng ngày có nhiều người đặt hàng, họ không thèm trả giá nửa câu. Mấy anh ăn nhiều, tụi tôi ăn được bao nhiêu đâu mà kỳ kèo”. Nói xong, người này đi thẳng vào trong tiệm cân không nói thêm một lời.
Hiện nay, trên địa bàn thành phố xuất hiện nhan nhản những lò “độ” cân gian. Nhờ cách “hô biến” cho chiếc cân biết “làm tiền”, mỗi ngày người tiêu dùng bị móc túi một số tiền nhất định mà không hề hay biết.
_______________________
Đón đọc kỳ tiếp theo: Bóc trần thủ đoạn “hô biến” cân gian vào 19h ngày 1/5