Đột nhập "công trường" tàn phá rừng
Rừng quốc gia Ba Bể - nơi có hệ sinh thái đa dạng với loài gỗ nghiến quý hiếm đang bị lâm tặc ngày đêm xẻ thịt. PV đã có hành trình xuyên sâu vào khu vực lõi rừng, chứng kiến cảnh lâm tặc ngang nhiên đốn hạ những cây gỗ nghiến hàng trăm năm tuổi.
Vượt qua "chim lợn"
Theo tìm hiểu, thực trạng tàn phá rừng nghiến diễn ra ở Bắc Kạn không phải bây giờ mới diễn ra. Trước đây, người dân ở những cánh rừng già chủ yếu vào rừng đốn hạ nghiến để về xây nhà.
Tình hình tàn phá rừng chỉ rầm rộ lên trong mấy năm trở lại đây, khi giá trị loại gỗ này được thương lái đẩy lên chót vót. Tên tuổi các đại gia phất lên vì gỗ nghiến với hệ thống các biệt thự triệu đô ở Hà Nội cũng xuất hiện sau công cuộc phá rừng không mệt mỏi.
Đi bộ được chừng 10 phút, lại gặp 1 'chim lợn' đang ngồi câu cá. Cũng giống như trước đó, chúng tôi thoát khỏi ánh mắt dè chừng của các vệ tinh này không mấy khó khăn. Người cảnh giới nhìn chúng tôi từ đầu đến cuối và tỏ ra không có nghi ngờ gì
Sau khi những cánh rừng nghiến ở các cánh rừng thuộc huyện Na Rì, Bạch Thông… bị cạn kiệt, lâm tặc bắt đầu chuyển hướng khai thác sang các khu vực thuộc vùng lõi rừng quốc gia.
Những cây gỗ nghiến trăm tuổi ngủ quên trong các khu rừng già bỗng chốc bị triệt hạ không thương tiếc. Rừng quốc gia Ba Bể cũng không nằm ngoài số phận đó, dù rằng nơi đây, các chốt chặn của kiểm lâm được mọc lên dày đặc để giữ rừng.
Được một thổ dân giới thiệu, chúng tôi đến khu vực bến phà phía Nam hồ Ba Bể để tìm đường đột nhập vào khu rừng bị tàn phá.
Biết mục đích của chuyến công tác, một người dân bản địa tên T. niềm nở đón chúng tôi. Theo lời T. kể, hiện tại khu vực lõi rừng quốc gia Ba Bể (xã Nam Mẫu, huyện Ba Bể), lâm tặc vẫn ngày đêm vào đốn hạ gỗ nghiến.
Địa điểm bị chặt phá nhiều nhất thuộc các bản Cốc Tộc, Pắc Ngòi, bản Cám, Khâu Qua, Nặm Dài. Đây là những địa điểm mà theo như lời ông Giám đốc Vườn quốc gia Ba Bể là “khu vực nội bất xuất, ngoại bất nhập”, được bảo vệ nghiêm ngặt bởi hệ thống trạm kiểm lâm dày đặc.
“Ngày trước, ngay cả khu vực Ao Tiên - một hòn đảo ở giữa lòng hồ Ba Bể, lâm tặc còn đột nhập vào đốn hạ gỗ nghiến. Khu vực đó, chỉ có một con đường vào duy nhất là đi bằng xuồng máy. Cạnh đó, lại có cả một trạm kiểm soát của Vườn quốc gia. Thế nhưng không hiểu sao, gỗ nghiến Ao Tiên vẫn bị đốn hạ” - chủ quán tên T. cho hay.
Sau khi kể sơ qua những địa điểm mà lâm tặc đang ngày đêm tàn phá, những con đường có thể đến những vị trí đó, cách thức ngụy trang thế nào để không bị bọn “chim lợn” phát hiện, T. gọi cho một người quen đến để dẫn đường cho chúng tôi đột nhập vào 'công trường khai thác' gỗ nghiến.
Trước khi đi, chủ quán T còn nói nhỏ: “Đêm qua, nó vừa khai thác ở bản Cốc Tộc. Tầm 2 đến 3 giờ sáng, vợ chồng tôi đang ngủ thì nghe tiếng cưa máy gầm rú, liền sau đó là tiếng cây đổ ầm ầm. Ở nơi này, ban đêm yên ắng lắm. Nên tụi chúng nó cưa gỗ ở đâu là nghe tiếng ngay thôi”.
Để đi vào Cốc Tộc chỉ có duy nhất 2 con đường: hoặc là đi xuồng máy, theo lòng hồ sẽ dẫn đến bản; hoặc là đi bộ, men theo đường 254 rồi rẽ theo “con đường lâm tặc” - con đường vận chuyển gỗ vào ban đêm.
Người dẫn đường tên H. khuyên: Đi theo đường nào cũng có 'chim lợn' cảnh giới cả, nếu đi đường bộ thì tai mắt của chúng sẽ nhiều hơn. Ở đây, nếu có người lạ đột nhập vào, lũ chim lợn sẽ báo ngay. Chim lợn ở đây được bố trí dày đặc, để “canh” lực lượng làm nhiệm vụ bảo vệ rừng.
Rút cuộc, chúng tôi phải chọn con đường thủy, xuyên giữa lòng hồ để đến địa điểm phá rừng. Người dẫn đường căn dặn: “Hiện tại, ở đây có nhóm người Nhật Bản chuyên đi vợt bướm để nghiên cứu. Hôm trước, em có chở một nhóm người đi quanh lòng hồ rồi nên bọn chúng không nghi ngờ gì đâu. Để em đi mượn thêm mấy cái vợt bướm, các anh ngụy trang vào để không bị phát hiện”.
Mũ tai bèo, tay cầm mấy cái vợt, chúng tôi lên xuồng máy trong vai những chuyên gia đi bắt bướm. Chiếc xuồng rú ga, rẽ sóng lao vào rừng xanh.
Đi được chừng 20 phút, phát hiện một chiếc xuồng máy đang núp dưới một tán cây, H. nói nhỏ: “Để em ghé vào nói chuyện một tí cho nó không nghi. Vào đấy, các anh cứ xì xồ tiếng linh tinh để nó không nghi ngờ”. Nói đoạn, H. rẽ trái vào nơi một 'chim lợn' đang đứng.
Trong khi H. đang nói chuyện bằng tiếng Tày thì chúng tôi liến thoắng xì xồ với nhau bằng một thứ tiếng do mình... tự nghĩ ra. Vừa xì xồ, chúng tôi vừa đưa cái vợt bướm lên để chứng minh cho “chim lợn” tin rằng: mình là những “chuyên gia Nhật Bản thật sự”.
Thoát khỏi ánh mắt soi mói của gã chim lợn có cái đầu trọc với những hình xăm kì quái, chiếc thuyền lại từ từ thẳng tiến hướng về phía bản Cốc Tục.
Trước khi neo thuyền tại một gốc cây để chuẩn bị đi bộ lên khu vực phá rừng. H ngoái lại căn dặn: “Từ đây đến khu vực chặt phá rừng, mất khoảng hơn 2 giờ đi bộ nữa. Có thể có rất nhiều vệ tinh của lâm tặc. Vì vậy, các anh không được nói bất kì một câu tiếng Việt nào, nếu không sẽ bị chúng phát hiện”.
Đi bộ được chừng 10 phút, lại gặp 1 'chim lợn' đang ngồi câu cá. Cũng giống như trước đó, chúng tôi thoát khỏi ánh mắt dè chừng của các vệ tinh này không mấy khó khăn. Người cảnh giới nhìn chúng tôi từ đầu đến cuối và tỏ ra không có nghi ngờ gì.
Tan nát lõi rừng quốc gia
Vượt qua hệ thống vệ tinh của lâm tặc, chúng tôi bắt đầu hành trình xuyên vào vùng rừng nghiến bị đốn hạ. Người dẫn đường chỉ tay lên đỉnh núi xa tít tắp mù khơi và bảo: “Khu vực mà lâm tặc khai thác nhiều nhất là trên đó. Từ đây lên đó, mất khoảng 1 tiếng đồng hồ. Em đi trước, các anh cố gắng bám theo sau. Đừng uống nước nhiều vì sẽ rất mệt”.
Từng xuyên rừng rất nhiều, nhưng chưa thấy nơi nào, đường khó đi như ở đây. Phải bấu vào những vách đá dựng đứng, những cây gỗ lớn gãy chắn ngang đường, cố gắng trườn từng bước một. Những tảng đá sắc lẹm, trơn trượt trở thành những trở ngại đầu tiên trong suốt hành trình này.
Cảnh lâm tặc ngang nhiên đốn hạ những cây gỗ nghiến hàng trăm năm tuổi
Hơn 1 giờ đi bộ, chúng tôi đã leo đến địa điểm mà lâm tặc phá rừng. Giữa cánh rừng già, những cây gỗ nghiến hàng trăm năm tuổi bị lâm tặc đốn hạ nằm ngổn ngang.
Chỉ tay vào một gốc cây nghiến vừa bị đốn, nhựa cây trào ra nơi vết cưa xăng, H. bảo: Cây này vừa bị chặt hạ đêm qua hôm qua. Bọn chúng cưa xong rồi vứt đấy, đợi người khác vào xẻ thành thớt rồi vận chuyển về.
Tiếp tục mò mẫm để vượt qua những vách đá sắc lẹm, thấy 4-5 cây nghiến vừa bị chặt. Lâm tặc đã kịp đánh dấu, cưa thành thớt rồi vứt lỏng chỏng trên những phiến đá.
Có gốc cây nghiến già nua, đường kính cả 2 người ôm không xuể bị lâm tặc chặt hạ rồi vứt từ mấy năm nay, không đưa về vì ruột bị rỗng hoặc nứt.
Kế bên đó, ngay trong một hang đá, còn có những bình dầu lâm tặc vứt chỏng chơ trong quá trình phá rừng. Một bếp nấu ăn dã chiến – dấu tích của những đêm phá rừng trơ lại tro tàn.
Xung quanh những gốc cây nghiến bị chặt hạ, hàng trăm cây nhỏ cũng bị đổ sạp xuống. Theo lời H,cứ mỗi cây nghiến bị đốn hạ thì có đến hàng trăm cây gỗ nhỏ khác bị tàn phá theo. Chính vì cách khai thác này nên rừng nghiến nơi đây càng ngày càng bị cạn kiệt.
H bảo rằng: Những cây gỗ nghiến ở đây đều “có chủ” cả rồi. Trước khi tiến hành cưa, lâm tặc đã đi khảo sát, cây nào chất lượng tốt thì đánh dấu, chọn thời điểm thích hợp sẽ vào rừng, dùng cưa xăng chặt hạ.
Sau khi chọn được cây gỗ như ý muốn, chủ gỗ sẽ thuê người vào cưa đổ. Chỉ cần vác cưa xăng vào cưa đổ là đã được chủ gỗ trả cho từ 500 đến 1 triệu đồng. Cây gỗ sau khi bị đốn hạ, lâm tặc sẽ có cách đánh dấu đặc biệt để nhận biết.
Sau đó, chủ gỗ lại thuê người vào cưa thành các thớt nhỏ với độ dày khoảng 20 cm. Việc vận chuyển các thớt gỗ này về nơi tập kết, đã có người khác lo.
Từng là một lâm tặc đã giải nghệ nên H. hiểu rất rõ công nghệ phá rừng ở khu vực lõi rừng Ba Bể. Lâm tặc ở đây hoạt động theo một quy luật rất riêng: từ việc đốn hạ rừng nghiến cho đến việc xẻ thành thớt và vận chuyển đều được thực hiện trong đêm, bất kể là mưa hay nắng.
Càng mưa, lâm tặc vào rừng càng nhiều. Sỡ dĩ như vậy là vì những lúc đó, việc chặt phá rừng sẽ khó bị phát hiện. Muốn tận mắt thấy cảnh lâm tặc phá rừng, thời điểm duy nhất có thể đi là vào tầm 12 giờ đêm đến 4 giờ sáng.
Và, chúng tôi quyết định thêm một lần nữa đột nhập vào lõi rừng quốc gia Ba Bể vào ban đêm để tận mắt xem cánh lâm tặc tàn phá rừng nghiến nơi đây….
(Còn nữa)