Đồng Nai: Hồi hộp vì thú dữ

Xung quanh khu vực hồ Trị An và sông Đồng Nai có hàng trăm trang trại nuôi cá sấu với số lượng lên đến hàng chục ngàn con nhưng khâu quản lý rất lỏng lẻo

Hồ thủy điện Trị An (hồ lớn nhất miền Nam) rộng 323 km2, nằm trên địa bàn 2 huyện Định Quán và Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai thuộc Khu Bảo tồn thiên nhiên văn hóa Đồng Nai, Khu Dự trữ sinh quyển thế giới (trong đó có Vườn Quốc gia Cát Tiên). Gần đây, người ta chứng kiến cảnh lực lượng chức năng gồm kiểm lâm, công an, dân phòng… xách súng săn tìm một con cá sấu lọt vào lòng hồ.

Nuôi cá sấu như nuôi… heo

Đi ngược Quốc lộ 20 về phía huyện Định Quán, men con đường dẫn vào xã Phú Ngọc, có thể gặp rất nhiều tấm biển rao mua bán cá sấu. “Chú cứ đi sâu vào con đường này, nhà nào cũng nuôi cá sấu” - một người dân nói. Đây là khu vực giáp ngay bờ một góc hồ Trị An. Tại ấp 1, xã Phú Ngọc, rảo một vòng, chúng tôi đã tiếp cận 3 trại nuôi cá sấu như nuôi… heo.

Trại nhà anh N. chia thành 2 khu, mỗi khu rộng vài trăm mét và chia thành 2 chuồng. Trại được lợp mái tôn, mái lá, xung quanh xây bao bằng tường gạch mỏng, không tô vữa, bên trong có cả trăm con cá sấu. “Đây là lứa cá nhỏ, mới khoảng 10 kg/con nên xây chuồng bao đơn giản như thế này chúng cũng không thể bò ra ngoài được” - anh N. giải thích. Tuy nhiên, khi sang khu bên cạnh, vừa bước vào, chúng tôi đã nghe một tiếng rầm, hàng chục con cá sấu dài cả mét, nặng cỡ 30-40 kg nghe tiếng người vội đua nhau quăng mình xuống nước. Tại đây, chuồng trại cũng vẫn là những bức tường thô mỏng manh, phía trên được rào thêm lưới B40.

Đồng Nai: Hồi hộp vì thú dữ - 1

Một con cá sấu nặng khoảng vài tạ đang nằm sưởi nắng trong vườn trại che chắn đơn sơ ở sát lòng hồ Trị An

Cách đó vài trăm mét là trại của ông H., cũng nuôi cả trăm con cá sấu, chia thành 3-4 lứa. Lứa nhỏ nhất mỗi con nặng 10 kg, lứa lớn nhất nặng 40-50 kg. Hệ thống chuồng trại nhà ông H. cũng rất đơn sơ với bờ tường gạch cao khoảng 50 cm, ở giữa có một hố nước cho cá ngâm mình.

Tại ấp 4, nằm sát bên sông La Ngà, đầu nguồn đổ vào hồ Trị An, trang trại cá sấu của gia đình bà L. bề thế hơn vì số lượng nuôi gấp nhiều lần các hộ khác. Chuồng nhỏ, trại lớn trải dài quanh khu đất ẩm ướt. Đặc biệt, nơi này chỉ cách bờ sông và các bờ rạch nhỏ từ 5-10 m. Trại này, ngoài bức tường bao còn thêm ít lưới thép và tôn chắn ở phía trên. Tuy nhiên, khi chúng tôi hỏi làm sao để kiểm soát và biết nếu có cá sấu thoát ra ngoài, bà L. thừa nhận cũng chỉ… đếm đại khái. “Nuôi cá sấu cũng như nuôi heo vậy thôi mà” - bà L. nói.

Hiểm nguy rình rập trên sông, hồ

Trong quá trình đi thực tế, chúng tôi được biết thực trạng nuôi cá sấu tập trung rất nhiều ở khu vực quanh hồ Trị An, có thể là do đất ẩm ướt, phù hợp với loài cá hung dữ này. Xã Phú Ngọc được xem là “thủ phủ” nuôi cá sấu với 144 trại, hơn 63.000 con.

Không chỉ thế, trải rộng trên địa bàn thị trấn Vĩnh An, các xã Mã Đà, Phú Lý (huyện Vĩnh Cửu), nơi có các hồ đập thông ra hồ Trị An và sông Đồng Nai, cũng có hàng chục trại nuôi cá sấu. Theo người dân địa phương, nếu cá sấu xổng chuồng thì có khả năng “mất tích” vào các sông, hồ. “Người dân nơi đây rất hồi hộp vì với cách nuôi nhốt đơn giản thì việc những con cá hung dữ này xổng chuồng là điều có thể xảy ra. Thực tế vừa qua, một con cá sấu đã lọt vào lòng hồ Trị An, gây bất an cho những người dân nơi đây” - một người dân lo lắng.

Nếu xã Phú Ngọc, huyện Định Quán chủ yếu nuôi cá sấu nhỏ và vừa để bán thịt thì tại huyện Vĩnh Cửu tập trung nhiều hộ nuôi cá giống, cực kỳ hung dữ. Tại trại của gia đình ông Ngô Văn Thưởng (ấp Lý Lịch 2, xã Phú Lý), chúng tôi chứng kiến một hồ cá sấu để gây giống với hơn 20 con đang độ trưởng thành. Trong một hồ - đúng hơn là một cái hố - cây cỏ mọc um tùm, những con cá sấu nặng có thể từ 1-2 tạ, dài 1,5-2 m nhe răng lởm chởm. Khi chủ trại bước vào bãi đất trong hàng rào của hồ, một con cá sấu lớn đang nằm lừ đừ phơi nắng, khuất phía sau bụi rậm bất ngờ vọt đến, may mắn là ông chủ trại cũng kịp thời phóng ra ngoài. “Loài cá sấu này có thể bò đi khắp nên ban đêm phải canh chừng vì sợ chúng thoát ra ngoài”.

Theo Chi cục Kiểm lâm tỉnh Đồng Nai, hiện địa phương này có 203 trại nuôi cá sấu với gần 90.000 con, trong đó chủ yếu ở các huyện Định Quán, Vĩnh Cửu, thượng nguồn sông Đồng Nai, giáp ranh và cả ngay trong vùng lõi khu bảo tồn. “Tình trạng nuôi cá sấu khá tràn lan, về mặt pháp luật thì không thể cấm được. Tuy nhiên, cũng phải quản lý chặt hơn về chuồng trại chứ chỉ kiểm lâm thì không thể theo dõi hết. Nếu loài này mà xổng ra hồ Trị An thì rất nguy hiểm vì trên hồ có nhiều gia đình sinh hoạt, dân đánh cá và cả khách du lịch…” - một cán bộ kiểm lâm tâm tư.

Liên quan đến vụ cá sấu xổng chuồng và thoát ra hồ Trị An vào cuối tháng 10 vừa qua, hiện Chi cục Kiểm lâm tỉnh Đồng Nai vẫn chưa bắt lại được. “Con vật đã bị thương nên sẽ càng trở nên hung dữ, nguy hiểm” - một kiểm lâm viên huyện Vĩnh Cửu cảnh báo. 

Sống chung với voi, bò tót...

Xung quanh khu sinh quyển, Vườn Quốc gia Cát Tiên..., tình trạng cấp phép nuôi các loài động vật hoang dã khác cũng tràn ngập.

Xã Phú Lý thuộc trung tâm Khu Bảo tồn thiên nhiên văn hóa Đồng Nai. Người dân nơi đây sống chung với các loài động vật hoang dã như voi, bò tót, mang, chồn, sóc... Nhiều năm qua, tỉnh Đồng Nai đề nghị Chính phủ có phương án di dời hàng ngàn hộ dân ra khỏi vùng lõi khu bảo tồn nhưng vẫn chưa thực hiện được. Hiện tại, ở 2 xã Phú Lý và Mã Đà, trung tâm vùng lõi, vẫn được cấp phép nuôi nhốt động vật hoang dã.

Theo Hạt Kiểm lâm huyện Vĩnh Cửu, trên địa bàn huyện hiện có hơn 100 trại nuôi nhốt động vật hoang dã, trong đó có các loài như rắn, kỳ đà, trăn đất, cá sấu, mèo rừng, cheo, cầy, sóc, dúi. “Nhiều người bất chấp để thu lợi, biến các trang trại nuôi nhốt, các quán nhậu thành nơi để che đậy cho việc mua bán động vật hoang dã” - ông Phạm Ngọc Vũ, phụ trách pháp chế bộ phận kiểm lâm Khu Bảo tồn thiên nhiên văn hóa Đồng Nai, nhận định.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Xuân Hoàng (Người Lao Động)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN