Động đất ở Sơn La và Kon Tum
Sáng nay (23/9), hai trận động đất xảy ra tại huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La và huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum, gây rung chấn nhẹ trên bề mặt khu vực gần tâm chấn.
Vào 7h36 phút 52 giây sáng nay, một trận động đất có độ lớn 3.3 xảy ra tại khu vực huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La ở độ sâu khoảng 10km.
Khoảng 18 phút sau, lúc 7h54 phút 54 giây, một trận động đất có độ lớn 3.7 xảy ra tại huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum ở độ sâu khoảng 8.1 km.
Đây là hai trận động đất nhỏ, có thể gây rung chấn nhẹ trên bề mặt khu vực gần tâm chấn nhưng không có khả năng gây thiệt hại. Trung tâm báo tin động đất và cảnh báo sóng thần, Viện Vật lý Địa cầu vẫn đang theo dõi hai trận động đất này.
Mộc Châu (Sơn La) và Kon Plông (Kon Tum) là hai điểm nóng động đất trong những năm qua.
Ngày 27/7/2020, Mộc Châu từng ghi nhận trận động đất mạnh 5,3 độ, gây rung chấn khắp miền Bắc, trong đó thủ đô Hà Nội cảm nhận rất rõ. Ngay sau đó là hàng chục chấn động nhỏ hơn xảy ra ở khu vực này.
Tâm chấn (dấu sao) trận động đất sáng nay ở Mộc Châu (Sơn La).
Khu vực Tây Bắc là nơi có nhiều đứt gãy hoạt động mạnh như đứt gãy Điện Biên – Mường Lay, kéo dài khoảng 200km, đứt gãy Sông Mã - Tuần Giáo - Lai Châu. Đây là khu vực từng ghi nhận nhiều trận động đất khá mạnh trong những năm qua.
Tại Kon Plông, Kon Tum, động đất liên tiếp xảy ra từ tháng 4/2021, ngay sau khi thủy điện Thượng Kon Tum tích nước. Từ đó đến nay, khu vực này đã ghi nhận hàng trăm trận động đất xảy ra. Trong đó trận động đất mạnh nhất ngày 28/7 có độ lớn 5.0, gây rung chấn cho một khu vực rộng lớn ở Tây Nguyên và miền Trung.
Các chuyến điều tra, khảo sát của đoàn chuyên gia Viện Vật lý địa cầu đưa ra nhận định, động đất khu vực huyện Kon Plông, Kon Tum là động đất kích thích gây ra do hoạt động tích nước hồ chứa gây áp lực lên hệ thống đứt gãy hoạt động bên dưới, khiến động đất phát sinh sớm hơn so với hoạt động tự nhiên. Các chuyên gia cho rằng, động đất kích thích ở khu vực này có thể kéo dài trong nhiều năm tới.
Nguồn: [Link nguồn]
Không khí lạnh đã ảnh hưởng đến hầu hết khu vực Bắc Bộ và Bắc Trung Trung Bộ gây mưa dông diện rộng cho toàn miền, trong khi đó Tây Nguyên và Nam Bộ cũng hứng mưa lớn do rãnh áp thấp trên biển.