Động đất Nepal: Thi thể người chết la liệt chờ hỏa táng

Hãng tin CNN đưa tin, những người sống sót sau trận động đất kinh hoàng ở Nepal đang cố nén đau thương, xếp thành những hàng dài, chờ đợi đến lượt hỏa táng người thân. Số người thiệt mạng vì động đất ở Nepal đã lên tới hơn 4.000 người song, được cho là sẽ còn tiếp tục tăng thêm.

Động đất Nepal: Thi thể người chết la liệt chờ hỏa táng - 1
Những người sống sót sau động đất ở Nepal hôm 25.4 đang nén đau thương để hỏa táng người thân.
Tính đến thời điểm này, các quan chức Nepal cho hay, số người chết vì thảm họa động đất ngày 25.4 đã lên tới 4.100 người và 7.500 người khác bị thương. Trong đó, ít nhất 1.100 người thiệt mạng tại thủ đô Kathmandu, thành phố với dân số khoảng một triệu người.

Tuy nhiên, con số này được cho là sẽ tiếp tục tăng lên do chưa ước tính được số người thương vong tại các vùng xa xôi, cách xa trung tâm.
 
 Một quan chức cấp cao của Bộ Nội vụ Nepal cho hay, con số người chết có thể sẽ sớm tăng lên 5.000 người, thậm chí có thể còn có nhiều người chết hơn cả vụ động đất tồi tệ nhất trong lịch sử Nepal xảy ra năm 1934 khiến 8.500 người thiệt mạng.
Động đất Nepal: Thi thể người chết la liệt chờ hỏa táng - 2
Người con trai khóc thương bên thi thể người cha bị thiệt mạng vì động đất.
Ngoài ra, trận động đất mạnh nhất trong hơn 80 năm qua ở Nepal còn khiến hơn 90 người thiệt mạng tại các nước láng giềng như Ấn Độ và Trung Quốc.

Hiện tại, sân bay quốc tế Tribhuvan ở thủ đô Kathmandu tập trung hàng nghìn nước ngoài đang cố gắng thoát khỏi Nepal trong khi những cơn dư chấn sau động đất vẫn đang xảy ra thường xuyên, làm rung chuyển mặt đất.

Bộ trưởng Nội vụ Nepal Bam Dev Gautam tuyên bố, ông đang giám sát chặt chẽ việc cung cấp viện trợ và sắp xếp cho những người nước rời khỏi nước này.

Ông Bam Dev Gautam cũng tuyên bố, Nepal đang phải đối mặt với tình trạng thiếu thực phẩm, nước uống và thuốc men trầm trọng. Nepal cũng cần thêm túi đựng thi thể người chết và kêu gọi sự hỗ trợ từ các đội cứu hộ quốc tế.

"Các nhà xác đã chật cứng", ông Shankar Koirala, một quan chức trong chính phủ Nepal chịu trách nhiệm xử lý các thi thể của nạn nhân thiệt mạng trong trận động đất mạnh 7,9 độ richter cho hay.

Theo ông Koirala, những người sống sót sau thảm họa đang phải cố nén đau thương, xếp hàng dài chờ đến lượt hỏa táng người thân. Ở những vùng nông thôn, người dân tự hỏa táng cho người chết dọc các bờ sông.
Động đất Nepal: Thi thể người chết la liệt chờ hỏa táng - 3
Cảnh người sống sót hỏa táng người chết dọc bờ sông ở Nepal.
 
Động đất Nepal: Thi thể người chết la liệt chờ hỏa táng - 4
Người dân Nepal hỏa thiêu các nạn nhân của trận động đất trong lễ tang tập thể cạnh bờ sông Bagmati.

Khắp Nepal, hàng ngàn người đang phải ngủ lều đêm thứ ba và đối mặt với nguy cơ bệnh dịch bùng phát.

Trong khi đó, tất cả các bệnh viện đều phải đối mặt với tình trạng quá tải và thiếu trầm trọng trang thiết bị y tế. Bác sĩ ở Kathmandu phải chuyển hàng trăm bệnh nhân ra đường sau khi cơn dư chấn mạnh 6,7 độ Richter hôm qua một lần nữa làm rung chuyển Nepal và Ấn Độ.

Cảm giác hoang mang, tuyệt vọng đang bao trùm khắp Nepal. Người dân hoàn toàn choáng ngợp trước sức tàn phá quá lớn của cơn địa chấn. Các tuyến đường tắc nghẽn do hàng chục nghìn người dựng trại, nằm ngay trên hè phố vì những ngôi nhà của họ đã bị phá hủy hoặc họ không dám quay trở về vì lo sợ dư chấn còn tiếp diễn.

Động đất Nepal: Thi thể người chết la liệt chờ hỏa táng - 5
Người nhà các nạn nhân gào khóc đau đớn trong buổi hỏa táng người xấu số tại thành phố cổ Bhaktapurgần thủ đô Kathmandu.

Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) cùng ngày cho biết khoảng 1 triệu trẻ em cần được hỗ trợ khẩn cấp và cảnh báo nguy cơ bùng phát bệnh tật khi hàng nghìn trẻ em đang phải sống tạm trong những khu đất trống ở thủ đô Kathmandu sau khi nhiều nhà cửa bị phá hủy trong trận động đất.

UNICEF nhấn mạnh, do khả năng tiếp cận nguồn nước sạch và hệ thống vệ sinh hạn chế, trẻ em ở Nepal đang có nguy cơ cao bị lây nhiễm các bệnh truyền nhiễm, trong khi rất nhiều trẻ em rơi vào cảnh mồ côi, không có gia đình.

Trong khi đó, chính quyền Nepal tỏ ra lúng túng trong công tác cứu nạn những người còn mắc kẹt trong đống đổ nát bởi trang thiết bị hạn chế. Nhiều nhân viên cứu hộ cho biết họ phải đào xới đất bằng tay và đã rất mệt mỏi, kiệt sức vì phải thức thâu đêm.

"Chúng tôi không có đủ nhân lực. Chúng tôi cũng không có đủ trực thăng để cứu người bị mắc kẹt", Chánh văn phòng chính phủ Nepal Lila Mani Poudyal.
Động đất Nepal: Thi thể người chết la liệt chờ hỏa táng - 6
Thi thể một người đàn ông bị chôn vùi trong đống đổ nát ở Nepal.
Người phát ngôn quân đội Nepal cho biết 90.000 binh sĩ nước này đang tham gia vào công tác tìm kiếm và cứu hộ.

UNICEF đã huy động nhân viên và triển khai 2 máy bay chở 120 tấn hàng cứu trợ, trong đó có thuốc men và các trang thiết bị y tế, chăn màn và lều bạt, đến Nepal.

Tổ chức cứu trợ quốc tế Oxfam cho biết đang tăng cường phân phát nước sạch và các trang thiết bị vệ sinh tới hàng nghìn người rơi vào cảnh vô gia cư ở Nepal. Chương trình Lương thực Thế giới (WFP) cũng thông báo đang chuẩn bị tiến hành chiến dịch cứu trợ quy mô lớn tới Nepal.

Nhiều nước trên thế giới đã cam kết hỗ trợ quốc gia này khắc phục hậu quả sau trận động đất. Mỹ vừa tuyên bố sẽ viện trợ thêm 9 triệu USD cho Nepal, nâng tổng số tiền hỗ trợ nước này lên 10 triệu USD, đồng thời cử một đội tìm kiếm cứu nạn tới thủ đô Kathmandu. Trong khi đó, Anh tuyên bố hỗ trợ 5 triệu bảng (gần 7,6 triệu USD).

Singapore đã điều một đội tìm kiếm gồm 55 người tới Nepal. Trung Quốc cũng đã khởi động một kế hoạch viện trợ nhân đạo khẩn cấp cho Nepal trong khi đội cứu hộ bao gồm hai máy bay vận tải IL-76 cùng 55 binh lính  do nước này cử đến Kathmandu đã bắt tay vào việc tìm kiếm các nạn nhân. 

Bộ Ngoại giao Hàn Quốc cũng thông báo Seoul sẽ triển khai đội cứu hộ khẩn cấp, gồm khoảng 40 người đến Nepal, cũng như cam kết hỗ trợ quốc gia Nam Á này 1 triệu USD để khắc phục hậu quả động đất.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Phương Đăng ([Tên nguồn])
Thảm họa động đất ở Nepal Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN