Động đất Nepal: Những trường hợp thoát chết phi thường

Tin tức về những người sống sót phi thường, hy hữu sau nhiều ngày bị chôn vùi dưới núi đất đá, bê tông, không thức ăn, nước uống bởi động đất kinh hoàng 7,9 độ richter ở Nepal dấy lên niềm vui cũng như hy vọng sẽ có thêm nhiều điều kỳ diệu tương tự xảy ra.

82 giờ bị chôn vùi: Tôi phải uống nước tiểu của chính mình để sinh tồn

Telegraph ngày 29.4 đưa tin, chàng thanh niên 27 tuổi Rishi Khanal vừa được một đội cứu hộ người Pháp giải thoát khỏi đống đất đá, bê tông của một khách sạn bị sập sau 82 giờ bị chôn vùi.
Động đất Nepal: Những trường hợp thoát chết phi thường - 1

Chàng thanh niên 27 tuổi Rishi Khanal chia sẻ về những ngày kinh khủng nhất trong cuộc đời anh.

Sau khi được cấp cứu và hồi sức, chàng trai may mắn Rishi chia sẻ, trong suốt thời gian bị mắc kẹt, anh buộc phải uống nước tiểu của chính mình để sinh tồn và có lúc đã từ bỏ mọi hy vọng được giải cứu.

"Tôi đã cố nuôi hy vọng nhưng đến hôm qua thì tôi bỏ cuộc. Toàn bộ móng tay của tôi đã chuyển sang màu trắng và môi tôi nứt toác ra. Xung quanh tôi chỉ có bóng tối. Không có bất cứ tiếng động nào. Khi còn chút sức lực tôi đã cố gắng tự giải thoát mình khỏi đống đổ nát và cầu cứu... Nhưng không có ai đến, không ai nghe thấy. Tôi chắc chắn mình sẽ chết. Tôi không ăn mấy ngày, cũng không có nước uống. Tôi đã phải uống nước tiểu của chính mình", anh Rishi chia sẻ.

Phải mất vài giờ để đội cứu hộ giải cứu thành công Rishi. Akhilesh Shrestha, một bác sĩ chăm sóc cho Khanal kinh ngạc nói: “Dường như chàng trai này sống sót nhờ vào ý chí”.

Tiếng khóc vọng lên từ đống đổ nát của bé trai 4 tháng tuổi

Bức ảnh một em bé Nepal mới 4 tháng tuổi trên người phủ đầy bụi đất nhưng vẫn sống sót được giải cứu khỏi khỏi đống đổ nát sau khi bị chôn vùi ít nhất 22 giờ đang lan truyền chóng mặt trên mạng Internet và khiến nhiều người xúc động.

Động đất Nepal: Những trường hợp thoát chết phi thường - 2

Các binh sĩ Nepal hạnh phúc bế bổng bé trai 4 tháng tuổi sống sót kỳ diệu sau trận động đất kinh hoàng.

CNN dẫn tin tức từ tờ báo địa phương Kathmandu Today cho biết, bé trai được các binh sĩ Nepal cứu sống. Ban đầu, những người lính cho rằng bé đã chết và rời khỏi đống đổ nát để tìm kiếm các dấu hiệu của sự sống khác.

Động đất Nepal: Những trường hợp thoát chết phi thường - 3

Một binh sĩ Nepal ôm bé trai trong lòng.

Tuy nhiên, vài giờ sau đó, khi nghe thấy tiếng khóc của đứa bé sơ sinh, họ liền vội vã quay lại và giải cứu bé. Bé trai sau đó đã được chăm sóc và kiểm tra sức khỏe. Kết quả là bé không hề bị nội thương và sức khỏe đã ở trạng thái ổn định trở lại.

Sống sót sau 36 giờ bị chôn vùi nhờ chồng kiên trì cầu cứu

Một phụ nữ 40 tuổi tên là Tanka Maya Sitoula bị mắc kẹt 36 giờ trong đống đổ nát của tòa nhà cao 5 tầng bị sập bởi trận động đất mạnh 7,9 độ richter ngày 25.4.

Cô Sitoula được đội cứu hộ đến từ Ấn Độ cứu sống và may mắn nhất là không bị bất cứ thương tích nghiêm trọng nào.
Động đất Nepal: Những trường hợp thoát chết phi thường - 4

Cô Tanka Maya Sitoula chia sẻ niềm vui được cứu sống.

Người phụ nữ may mắn được cứu nhờ sự kiên trì và nỗ lực của chồng là ông Mahendra, một người bán thịt. Ông Mahendra tin rằng vợ mình bị mắc kẹt trong căn nhà bị sập và vẫn còn sống. Do đó, người đàn ông kiên trì kêu gọi giúp đỡ suốt nhiều giờ đồng hồ.

“Tôi hoàn toàn tin rằng vợ mình đang ở dưới (đống đổ nát) đó. Tôi gọi liên tục, và nghe thấy tiếng vợ vọng lên từ bên dưới”.
 
Người mẹ dùng tay đào đất tìm con


Tại làng Jharibar, huyện Gorkha gần tâm chấn của trận động đất, một bé trai 4 tuổi đã được chính người mẹ dũng cảm của bé cứu sống.

Mẹ của bé, cô Sunthalia đã điên cuồng đào bới suốt nhiều giờ trông đống đất đá, gạch vụn để tìm kiếm 3 đứa con thơ bị chôn vùi trong căn nhà sập bằng được ngay sau trận động đất sáng 25.4.

Đáng tiếc, hai con lớn của cô Sunthalia một  bé gái 8 tuổi và một bé  trai 10  tuổi đã thiệt mạng. Tuy nhiên, con trai út của cô, mới 4 tuổi đã sống sót một cách kỳ diệu.

Dùng tay đục bức tường tuyết khổng lồ để tự cứu mình

Động đất Nepal: Những trường hợp thoát chết phi thường - 5

Nhiếp ảnh gia Roberto Schmidt đã chụp được khoảnh khắc bức tường tuyết đổ sụp xuống trại của các nhà leo núi trên đỉnh Everest hôm 25.4.

Bhim Bahadur Khatri, 35 tuổi, một hướng dẫn viên du lịch người bản địa Himalaya sống sót sau trận lở tuyết kinh hoàng trên dãy núi Everest do ảnh hưởng của trận động đất mạnh 7,9 độ richter ở Nepal ngày 25.4 chia sẻ, thảm kịch xảy ra khi anh đang nấu cơm cho đội leo núi ở lều bếp.

"Chúng tôi lao ra cửa lều. Ngay lúc đó, một "bức tường tuyết" khổng lồ đổ ụp xuống người tôi. Tôi cố tìm cách thoát khỏi thứ có thể nhanh chóng trở thành mồ chôn mình. Tôi lắc người và dùng tay để bới tuyết. Khi ấy tôi vẫn không thể thở, nhưng biết rằng mình phải sống", Khatri kể

Khatri đào thêm vài chục cm tuyết nữa cho tới khi anh thoát khỏi bức tường tuyết khổng lồ chôn vùi mình.

"Tôi nhìn quanh và thấy các lều trại bị xé toang, đổ sụp và rất nhiều người bị thương. Tôi sống sót, nhưng mất rất nhiều bạn bè", hướng dẫn viên du lịch nhớ lại.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Phương Đăng ([Tên nguồn])
Thảm họa động đất ở Nepal Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN