Động đất Nepal: Bệnh nhân không dám nằm trong bệnh viện

Hàng trăm bệnh nhân thà nằm la liệt bên ngoài hành lang tầng trệt hoặc bãi đậu xe của các bệnh viện ở thủ đô Kathmandu chứ không chịu vào nằm các phòng còn trống trên lầu vì sợ nếu động đất lại xảy ra, họ sẽ không kịp chạy thoát thân.

Động đất Nepal: Bệnh nhân không dám nằm trong bệnh viện - 1
Các bệnh nhân ở Nepal nằm la liệt dưới sân một bệnh viện ở thủ đô Kathmandu.
Tiến sĩ JL Baidya, giám đốc điều hành kiêm trưởng khoa phẫu thuật của bệnh viện B&B, có tất cả 250 giường ở thủ đô Kathmandu cho hay, tình trạng các bệnh nhân nằm la liệt ở hành lang tầng trệt hoặc bãi đậu xe của bệnh viện không phải là do tình trạng quá tải mà xuất phát từ tâm lý hoang mang tột cùng của họ sau trận động đất kinh hoàng mạnh 7,9 độ richter ngày 25.4.

Theo Tiến sĩ  JL Baidya, hôm 26.4, một quan chức chính phủ đã tới bệnh viện để xem xét tình hình và lưu ý các y bác sĩ ở đây cần phải đề phòng khả năng một trận động đất thứ 2, có thể mạnh tới 9 độ richter theo sau trận động đất đầu tiên hôm 25.4, đã cướp đi mạng sống của hàng nghìn người.

Lưu ý của vị quan chức trên đã làm dấy lên tin đồn hoàn toàn vô căn cứ rằng, một trận động đất khác, thậm chí còn có sức hủy diệt khủng khiếp hơn sắp xảy ra, khiến các bệnh nhân và người nhà  của họ vô cùng hoang mang và do đó, không chịu nằm điều trị bên trong bệnh viện. Bệnh nhân chỉ chịu nằm ở tầng 1, những bệnh nhân nằm trên lầu đều di chuyển xuống hàng lang, sân hoặc bãi đậu xe của bệnh viện vì lo sợ, nếu trận động đất thứ 2 xảy ra, họ sẽ không có đủ thời gian để thoát thân.

"Chúng tôi đã phải dựng tạm một phòng phẫu thuật dã chiến ở bãi đậu xe. Bạn không thể tưởng tượng được rằng, chúng tôi phải gắn bánh xe vào tất cả các máy móc để di chuyển chúng từ trên lầu xuống", The Straits Times dẫn lời Tiến sĩ Baidya khi ông đang đứng ở sân trước của bệnh viện, nơi bệnh nhân nằm la liệt.
Động đất Nepal: Bệnh nhân không dám nằm trong bệnh viện - 2
Các bác sĩ cứu chữa cho một nạn nhân động đất trong căn lều dã chiến.

Cũng theo Tiến sĩ Baidya, hiện khu chăm sóc đặc biệt hiện đại với đầy đủ máy móc, trang thiết bị y tế trên tầng 3 của bệnh viên hoàn toàn trống trơn, không có bệnh nhân nào dám nằm. Các bệnh nhân chỉ chịu nằm ngoài trời, hoặc tầng trệt.

 "Việc này gây khó khăn, bất tiện cho không chỉ bệnh nhân mà còn các y bác sĩ. Các bệnh nhân đang nằm lẫn lộn với nhau khắp bệnh viện", vị bác sĩ cho hay.

Giống như nhiều bệnh viện khác trong thủ đô Kathmandu, các y bác sĩ của bệnh viện B&B đang hoạt động hết công suất, trực chiến 24/24 để cứu chữa kịp thời cho các nạn nhân bị ảnh hưởng bởi động đất.

Tiến sĩ Philip Shyam Ranjit của bệnh viện cho hay, trong hàng trăm nạn nhân động đất được chuyển đến bệnh viện, có 10 người đã không qua khỏi và qua đời.

Động đất Nepal: Bệnh nhân không dám nằm trong bệnh viện - 3
Thi thể nạn nhân động đất Nepal được đánh số nằm trên sân một bệnh viện ở  Kathmandu.
Ông Ranjit cũng cho hay, do tiếp nhận số lượng lớn bệnh nhân trong cùng một thời điểm, bệnh viện sắp hết thuốc kháng sinh, thuốc giảm đau cũng như các loại thuốc và vật tư y tế khác. Hiện bệnh viện chưa nhận được sự hỗ trợ thuốc men, trang thiết bị y tế từ chính phủ.

"Còn có những vấn đề lớn khác nữa. Điện đã bị cắt. Chúng tôi đang phải chạy máy phát điện. Chúng tôi sẽ sớm hết và phải tìm mua xăng dầu. Dù ngày hôm qua các quan chức chính phủ đã đến đây thanh tra đồng thời lắng nghe và tiếp thu những nhu cầu cấp thiết của chúng tôi, song đến nay, chúng tôi vẫn chưa nhận được bất cứ sự hỗ trợ nào từ chính phủ", ông Ranjit nhấn mạnh.


Tính đến thời điểm này, con số thương vong trong trận động đất kinh hoàng ở Nepal vẫn không ngừng tăng.  Theo Cục quản lý thiên tai quốc gia nước này, cho đến ngày 28.4 số người thiệt mạng trong trận động đất đã lên tới 5.057 người.

Động đất Nepal: Bệnh nhân không dám nằm trong bệnh viện - 4
Nạn nhân động đất Nepal được di chuyển tới bệnh viện bằng trực thăng quân đội.

Người đứng đầu Cục quản lý thiên tai quốc gia Nepal, Rameshwor Dangal, cho hay số người bị thương trong thảm họa thiên tai này cũng đã lên tới 10.915 người.

Ngoài ra, trận động đất mạnh 7,9 độ richter này cũng đã phá hủy nhiều ngôi nhà khiến gần 500.000 người dân Nepal phải sống trong cảnh "màn trời chiếu đất".

Trước đó,  Liên hợp quốc cho biết, cuộc sống của 8 triệu người đã bị ảnh hưởng bởi trận động đất tại Nepal và quốc gia Nam Á này cần được cung cấp hàng cứu trợ khẩn cấp từ nước sạch, tới xà phòng và thuốc men.

Giới chức Nepal ngày 29.4 cũng thông báo, có thêm khoảng 250 người mất tích sau khi một trận lở tuyết xảy ra tại khu vực gần tâm chấn của trận động đất ngày 25.4.

Trận lở tuyết xảy ra vào chiều cùng ngày ở làng Ghodatabela, một khu vực nằm trên tuyến đường Langtang nổi tiếng, phía Bắc thủ đô Kathmandu của Nepal.

Theo lực lượng chức năng, địa điểm xảy ra vụ lở tuyết là khu vực tập trung nhiều khách du lịch do đó nhiều khả năng có du khách nước ngoài nằm trong số những người mất tích.

Cho tới nay, các nhóm cứu hộ đang khẩn trường tiến hành tìm kiếm tuy nhiên thời tiết xấu kèm theo mưa lớn đã gây rất nhiều trở ngại cho công tác cứu hộ.

Những đội cứu trợ của các nước trên thế giới cũng đang nỗ lực tới các vùng xa xôi nhằm vận chuyển lương thực và đồ dùng thiết yếu tới người dân Nepal dù gặp phải nhiều khó khăn trong bối cảnh thời tiết không thuận lợi.
 

Theo Điều phối viên của Liên hợp quốc về Nepal, Jamie McGoldrick, các nhân viên cứu trợ sẽ phải đối mặt với những thách thức lớn để có thể chuyển hàng cứu trợ tới các vùng núi hẻo lánh bị ảnh hưởng bởi trận động đất.

Hệ thống giao thông, đường xá nghèo nàn, địa hình núi cao, hiểm trở trong khi mưa lớn và dư chấn liên tiếp xảy ra không chỉ gây trở ngại công tác cứu giúp mà còn gây tâm lý hoang mang cho người dân và nhân viên cứu trợ nước ngoài. 

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Phương Dăng ([Tên nguồn])
Thảm họa động đất ở Nepal Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN