Động đất Nepal: Bác sĩ dùng nắm đấm cứu người
Khi tim người phụ nữ bất ngờ ngừng đập ngay trên trực thăng, vị bác sĩ đã phải sử dụng đến "tuyệt chiêu" cuối cùng của mình để cứu sống bệnh nhân.
Ngay sau trận động đất kinh hoàng hồi tuần trước khiến hơn 6.200 người thiệt mạng, bác sĩ Sanjay Gupta cùng các nhân viên cứu trợ nhân đạo Nepal bước lên một chiếc trực thăng mang đồ cứu trợ đến khu vực Sindhupalchok, một trong những khu vực gần thủ đô Kathmandu bị ảnh hưởng nặng nề nhất.
Theo kế hoạch, chiếc trực thăng này sẽ thả đồ tiếp tế gồm mì tôm và nước sạch xuống cho các nạn nhân bị mất nhà cửa trong trận động đất kinh hoàng, sau đó sẽ quay trở về căn cứ để thực hiện nhiệm vụ tiếp theo. Nhưng một tình huống bất ngờ đã xảy ra khiến bác sĩ Gupta phải sử dụng đến “tuyệt chiêu” của mình để cứu người.
Sau khi chuyển đồ tiếp tế cho người dân, phi công đang chuẩn bị cất cánh thì bất ngờ đám đông kêu lên: “Xin hãy mang cô ấy theo”. Tiếp sau đó là một chiếc cáng bằng rơm được những người đàn ông chuyển đến, phía trên là một phụ nữ đang nằm bất động.
Đó là cô gái 18 tuổi Sabina Lama, người vừa sinh con cách đây chưa lâu, và hiện đang trong tình trạng nguy kịch sau khi bị thương nặng trong trận động đất. Sau khi kiểm tra sơ bộ, bác sĩ Gupta phát hiện ra rằng cô đã hoàn toàn mất cảm giác ở cả hai chân.
Bác sĩ Gupta đồng ý đưa Sabina lên trực thăng để đưa về bệnh viện chữa trị, nhưng ông không ngờ rằng những điều kịch tính nhất sắp xảy ra. Chỉ vài phút sau khi máy bay cất cánh, Sabina đột nhiên ngừng thở.
Bác sĩ Gupta nhớ lại: “Tôi không thể tìm thấy mạch của cô ấy, cả ở cổ tay lẫn trên động mạch cổ. Tôi kiểm tra đồng tử của cô, và cố gắng trong tuyệt vọng để cứu cô, trong khi trực thăng vẫn đang bay trên khu vực bị động đất hủy diệt”.
Trên máy bay trực thăng lúc đó không hề có thiết bị khử rung tim để giúp tim của Sabina đập trở lại, và bác sĩ Gupta cũng không hề có dịch truyền, không có thiết bị sơ cứu và các trang bị y tế cần thiết khác để xử lý tình huống khẩn cấp như thế này.
Kinh nghiệm mách bảo bác sĩ Gupta rằng Sabina sẽ chết nếu không có biện pháp can thiệp kịp thời, và ông đã quyết định sử dụng biện pháp cuối cùng, đó là sử dụng đến nắm đấm của mình đột ngột đánh mạnh vào ngực Sabina.
Vị bác sĩ này kể: “Cú đánh đó rất mạnh, và đây là cách mà tôi thực hiện biện pháp ‘đập tim’, một nỗ lực cuối cùng đánh mạnh vào lồng ngực để gây sốc và khiến tim nạn nhân đập trở lại”. Phép màu đã xảy ra, chỉ ít giây sau, Sabina bắt đầu có dấu hiệu sống.
Mạch của cô đã đập trở lại khi chiếc trực thăng đáp xuống một bệnh viện dã chiến trên núi, nơi các nhân viên y tế nhận mộ bịch dung dịch để truyền nước cho cô ngay trên máy bay. Bác sĩ Gupta đã dùng chiếc khẩu trang của mình để cố định bịch nước truyền trên nóc trực thăng, trong khi chiếc máy bay tiếp tục cất cánh tới bệnh viện lớn hơn, nơi có khả năng chữa trị chu đáo cho Sabina.
Sau khi trực thăng đáp xuống sân bay Kathmandu, xe cấp cứu cùng các thiết bị y tế cần thiết đã chờ sẵn để đưa Sabina và các bệnh nhân khác về nơi chăm sóc.
Sau vài ngày điều trị, Sabina đã được đoàn tụ cùng cậu con trai 6 tuần tuổi của mình khi cậu bé được đưa đến bệnh viện để tiêm phòng. Cậu bé này cũng đã thoát chết một cách thần kỳ khi một phần mái nhà sập xuống trong trận động đất và đè lên chân của mẹ cậu.
Sabina chỉ là một trong số hơn 13.000 người đã bị thương trong trận động đất tồi tệ nhất trong lịch sử Nepal trong gần một thế kỷ qua. Đất nước này hiện vẫn đang gồng mình để khắc phục hậu quả của trận động đất kinh hoàng.