Đón 22 chiến sĩ tử nạn trở về: Đau đớn đầu bạc tiễn đầu xanh
Trưa nay (19/10), lần lượt từng chiếc xe cứu thương đã đưa thi thể của các chiến sĩ của Đoàn kinh tế quốc phòng 337 bị nạn do sạt lở về Trung tâm huấn luyện và thi đấu thể dục thể thao (TP.Đông Hà, tỉnh Quảng Trị) để khâm liệm. Đón các anh tại đây là những tiếng khóc xé lòng...
22 quân nhân bị đất lở vùi lấp ở Quảng Trị
Sáng 19/10, lần lượt từng chiếc xe cứu thương đã đưa thi thể của các chiến sĩ của Đoàn kinh tế quốc phòng 337 bị nạn do sạt lở về Trung tâm huấn luyện và thi đấu thể dục thể thao (TP.Đông Hà, tỉnh Quảng Trị). Con đường dẫn đến Trung tâm bám đầy đất đỏ. Cứ mỗi chiếc xe chạm ngõ, người nhà các chiến sĩ bị nạn lại òa khóc, nỗi đau mất người thân bao trùm bởi những tiếng nấc nghẹn.
Nỗi đau quá lớn của mẹ chiến sĩ Lê Cao Cường.
Ngồi thẫn thờ nhìn từ ngoài vào trong, ông Lê Xuân Động (75 tuổi, trú tỉnh Nghệ An), cha của trung úy Lê Cao Cường, cho hay sáng sớm 18/10, ông nhận được thông báo ngắn gọn từ cuộc gọi của cán bộ Quân khu 4 thông báo con trai ông gặp tai nạn tại đơn vị. “Tôi cứ nghĩ con mình bị gãy tay, gãy chân gì đó thôi. Nào ngờ con tôi đã mất tích sau vụ sạt lở kinh hoàng vào rạng sáng 18/10, ngay tại đơn vị”, ông Động nhớ lại.
Khi hay tin con mất tích, ông như điếng người vì liên tưởng đến vụ việc tại thủy điện Rào Trăng 3. Ông không dám nghĩ, không dám tin, phải mất một thời gian, ông Động mới tự trấn an mình. “Vợ tôi như chết lặng sau khi nghe tin dữ. Trên suốt hành trình hơn 300km từ Nghệ An vào Đông Hà, xe chở chúng tôi phải đi vòng nhiều đoạn đường để tránh lũ lụt. Vợ tôi khóc cạn nước mắt rồi… Đau đớn lắm!”, ông Động nghẹn ngào.
Người mẹ già không ngờ phải vào đón con với chiếc quan tài lạnh lẽo.
Theo lời người nhà chiến sĩ Cường, anh đi công tác đã nửa tháng nay chưa về. Tối 17/10, anh Cường có gọi về nhà trò chuyện cùng vợ con như mọi đêm. Qua cuộc trò chuyện điện thoại với gia đình, anh Cường cho biết đêm 17/10, cả đơn vị chuẩn bị áo phao, dụng cụ cứu hộ để khi có mệnh lệnh sẽ lên đường đi ứng phó lũ lụt, cứu hộ người dân tại huyện Hướng Hóa (tỉnh Quảng Trị).
“Thằng Cường còn nói giữa tháng 11 sẽ được nghỉ phép. Lúc đó, nó sẽ đưa cả nhà về quê Nghệ An thăm ông bà. Nó dặn dò vợ con chuẩn bị thức ăn sẵn, cẩn thận vì mưa lũ sẽ diễn biến hết sức phức tạp”, người nhà anh Cường kể.
Gia đình chiến sĩ Lê Cao Cường với nỗi đau khôn nguôi.
Bởi tính cách nhiệt tình và thật thà, anh Cường được bạn bè và hàng xóm ai cũng quý mến. “Mới đây thôi, nó đưa vợ con về thăm nhà hồi rằm tháng 7 Âm lịch. Nó còn cho tiền cha mẹ dựng lại chuồng gà đã sập. Tôi nhớ mãi dáng nó đứng quét sân nhà lúc sáng sớm và luôn miệng nói khi có tiền sẽ sửa sang, lợp mới lại mái nhà đã cũ của gia đình”, ông Động cố giữ vẻ điềm tĩnh, xúc động kể lại.
Đau đớn cảnh đầu bạc tiễn đầu xanh.
Câu chuyện bị cắt ngang bởi tiếng khóc xé lòng của bà Phan Thị Quý, mẹ chiến sĩ Cường. “Trời ơi! Con tôi đâu rồi. Cháu tôi còn nhỏ mà, nó cứ hỏi ba đâu, ba đâu? Ba của nó đâu rồi? Trả lại cho tôi”.
Tiếp câu chuyện, ông Động nấc nghẹn: “Chỉ sau một đêm, 2 đứa trẻ, bé gái học lớp 1 và bé trai đang học lớp 5 đã mồ côi cha. Con trai mất, vợ tôi chết lặng. Bà ấy như “chết” đi rồi. Đau đớn hơn, hai đứa cháu tôi còn quá nhỏ, tương lai tụi nhỏ sẽ cơ cực rồi. Còn gì đau lòng hơn khi người đầu bạc phải tiễn kẻ đầu xanh, con xa cha khi còn chưa đầy đủ nhận thức. Mỗi giây phút trôi qua, khi biết được con mãi mãi nằm lại đất Quảng Trị, người làm cha mẹ không thể thấy được mặt con, lòng tôi đau đớn vô cùng, chỉ mong sớm được đưa con trai về với ông bà ở quê Nghệ An”.
Diễn biến thời tiết tại Hà Tĩnh hiện tại vẫn mưa rất to, khiến thành phố Hà Tĩnh cùng nhiều huyện mỗi lúc một ngập...
Nguồn: [Link nguồn]