Đổi tên gọi “mại dâm” để tránh miệt thị?

Bản thân chị em hành nghề cũng không muốn mình bị gọi là mại dâm hay cave…

Mại dâm, lao động tình dục hay người bán dâm… thậm chí  cave, là những cách gọi dành cho một hoạt động vẫn chưa được coi là nghề hợp pháp. Theo các chuyên gia, cách gọi hợp lý cho hoạt động này cũng góp phần thay đổi thành kiến của xã hội.

Nên công khai để quản lý

Mới đây, tại cuộc hội thảo bàn về công tác phòng chống mại dâm, một vị trưởng nhóm hoạt động cộng đồng mạnh dạn đề xuất: "Cần thay đổi cách gọi của nghề mại dâm, không nên dùng từ “mại dâm” mà nên thay bằng lao động tình dục. Cần công nhận mại dâm là một nghề của xã hội, cho chị em không bị kỳ thị, bởi xã hội có cầu thì mới có cung".

Đổi tên gọi “mại dâm” để tránh miệt thị? - 1

Chị em hoạt động mại dâm phải đối mặt với nhiều rủi ro, bạo lực

Suốt bao nhiêu năm nay, Bà Đỗ Thị Thanh Nhàn, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu và hành động vì cộng đồng (REACOM), vẫn kiên quyết giữ quan điểm ủng hộ đề xuất mại dâm thành một nghề. 

Ở bất kỳ hội thảo nào bàn về lĩnh vực này, bà Nhàn cũng tranh thủ đứng lên bảo vệ quan điểm của mình. Theo bà Nhàn, dù gọi tên dưới hình thức nào thì hoạt động mại dâm cũng vẫn đã, đang ngang nhiên diễn ra. “Không xét tới yếu tố vi phạm đạo đức, dù muốn hay không thì nhu cầu tình dục vẫn diễn ra không chỉ bây giờ mà đã có từ thời xa xưa hàng ngàn năm về trước. Có thể không bậc làm cha mẹ nào muốn con mình làm nghề vốn dĩ được coi không trong sạch ấy nhưng chính họ cũng không thể phủ nhận thực tế đó”.

Bà Nhàn cho biết, một khi nghề mại dâm đã được hợp pháp hóa thì chị em hành nghề mại dâm không những được bảo vệ quyền lợi, mà còn được giáo dục, trang bị những kiến thức, kỹ năng tình dục an toàn. “Thực tế đau lòng là cấm nhưng vẫn không quản lý được, chính vì thế vẫn có hàng chục ngàn phụ nữ hành nghề bị lừa lọc, bóc lột và bạo lực tình dục.”, bà Nhàn nói.

Nhiều nghiên cứu khảo sát về hoạt động mại dâm đều đưa ra nhận định: số phụ nữ vào nghề do đua đòi hư hỏng chỉ chiếm số lượng nhỏ trong khi phần lớn do chị em bị đưa đẩy, lừa gạt, hoặc do hoàn cảnh gia đình quá khó khăn phải chấp nhận bán thân. “Khi đã được công khai hợp pháp, chị em sẽ được tạo điều kiện học văn hóa, học nghề bởi cũng không ai muốn mình làm nghề này lâu dài”, bà Nhàn nhận định. Quay lại cách gọi, bà Nhàn cũng thừa nhận không nên gọi là mại dâm và chính những chị em hành nghề cũng không muốn bị gọi như vậy.

Kiên quyết không coi mại dâm là một nghề

Tại những nước hợp pháp nghề mại dâm như: Hà Lan, Na Uy, Thụy Điển… đều gọi đây là nghề “sex worker” (lao động tình dục).

Thay vì đưa ra kết luận đồng ý hay không đồng ý mại dâm trở thành một nghề, ông Phạm Hoài Thanh, Trưởng phòng truyền thông Trung tâm Hỗ trợ sáng kiến phát triển cộng đồng (SCDI) lại đặt ra hàng loạt những câu hỏi với cơ quan quản lý: Mại dâm có đang tồn tại hay không? Nó đã trở thành một hoạt động xã hội hay chưa? Nó có sinh lời không? Liệu công khai để quản lý thì tốt hơn hay không công khai để rồi tự nó lại đẻ ra hàng loạt những hệ lụy vi phạm ở mức độ cao hơn? “Trả lời những câu hỏi này cũng có nghĩa cơ quan quản lý nhà nước sẽ tìm ra được cách gọi tên hợp lý cho hoạt động này”, ông Thanh nói.

Đổi tên gọi “mại dâm” để tránh miệt thị? - 2

Dù không được coi là một nghề, nhưng phố “đèn đỏ” tại Thái Lan vẫn công khai hoạt động

Tại Việt Nam, trong những năm gần đây, không chỉ những chuyên gia mà lãnh đạo các cơ quan quản lý cũng luôn dùng những cách gọi né tránh miệt thị đối với những người hoạt động “lao động tình dục”.

Cùng với quy định “thả gái mại dâm” và chỉ xử phạt hành chính, đề xuất đổi cách gọi "mại dâm" thành "lao động tình dục" lại càng khiến một số dư luận “phỏng đoán” rằng mại dâm sẽ được công nhận là một nghề.

Phủ định ngộ nhận này, ông Lê Đức Hiền, Phó Cục trưởng Cục Phòng chống tệ nạn xã hội (Bộ LĐ-TB-XH) nhận định, có thể các tổ chức xã hội, tổ chức phi chính phủ đã, đang và sẽ dùng cách gọi khác nhau về đối tượng hoạt động mại dâm, song quan điểm chính thống của Nhà nước ta mới đây thống nhất cách gọi là “người bán dâm”.

“Tuy không có văn bản quy định chính thức song thuật ngữ “người bán dâm” đã được sử dụng trong Quyết định phê duyệt Chương trình hành động Phòng chống mại dâm giai đoạn 2011-2015. Cách gọi như vậy vừa chính xác về nội hàm vừa để cộng đồng giảm kỳ thị đối với hoạt động này”, ông Hiền lý giải.

Tới thời điểm này, ông Hiền khẳng định cơ quan quản lý nhà nước vẫn giữ nguyên quan điểm không coi mại dâm là một nghề. “Tham khảo kinh nghiệm các nước trên thế giới cho thấy, một khi đã được công nhận thành nghề, mại dâm sẽ trở thành vấn đề phức tạp gây khó khăn cho công tác quản lý hơn rất nhiều so với khi siết chặt quy định phòng chống. Chưa nói đến truyền thống đạo đức, phong tục tập quán của dân tộc”, ông Hiền nói.

Ngoài ra, theo ông Hiền, những nước phát triển, những nước hợp pháp hóa mại dâm hiện cũng vẫn siết chặt quy định xử lý nghiêm đối tượng tổ chức mại dâm, môi giới, bảo kê mại dâm lén lút,  bóc lột tình dục người bán dâm.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Tuyết Mai ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN