Đội tàu cá ở Hoàng Sa trở về: Tàu TQ liên tục tấn công
Ngư dân ra khơi mang theo thông điệp hòa bình trên lá cờ màu xanh nước biển nhưng luôn bị các tàu Trung Quốc hung tợn tấn công.
Chiều 5/6, hàng chục tàu cá của ngư dân miền Trung đánh bắt ở ngư trường Hoàng Sa bị tàu Trung Quốc (TQ) tấn công, gây hư hỏng trong những ngày qua đã phải cập bờ để sửa chữa.
Lá cờ hòa bình và sự hung tợn của tàu TQ
Theo các ngư dân vừa trở về, lúc đưa tàu ra khai thác ở vùng biển Hoàng Sa đã xác định trước sẽ vừa đánh bắt vừa đấu tranh buộc TQ phải rút giàn khoan ra khỏi vùng biển chủ quyền của Việt Nam. “Vì giàn khoan trái phép của TQ đã cản đường của ngư dân tiến ra ngư trường truyền thống nên việc đấu tranh buộc TQ phải rút giàn khoan ra là trách nhiệm và nghĩa vụ của mỗi ngư dân Việt” - ngư dân Nguyễn Văn Cu (thuyền viên tàu ĐNa-9051) cho biết.
Mang theo thông điệp đó, trên những con tàu ra khơi luôn treo trên nóc lá cờ hòa bình (màu xanh nước biển) với mong ước hòa bình trên biển để ngư dân yên tâm đánh bắt. Tuy nhiên, thông điệp hòa bình đó của ngư dân Việt đã bị các tàu TQ chà đạp khi liên tiếp sử dụng bạo lực uy hiếp, tấn công.
Trao đổi với chúng tôi, thuyền trưởng tàu ĐNa-9051 Lê Văn Chiến cho biết khi tàu của anh đang hành nghề tại vị trí cách đảo Tri Tôn 25 hải lý về phía bắc thì bị các tàu TQ bao vây, tấn công. “Đó là sáng 13/5, tàu chúng tôi bị các tàu hải giám, hải cảnh TQ chia làm nhiều vòng bao vây. Các tàu này hú còi, bắn vòi rồng đe dọa từ phía xa. Chúng tổ chức như một cuộc diễn tập rầm rộ nhằm uy hiếp tàu cá ngư dân ta” - anh Chiến kể.
Tàu ĐNa-9051 bị tàu vỏ sắt TQ đâm hỏng ống khói và viền cabin. Ảnh: TẤN TÀI
Theo anh Chiến, trong tuần đầu tiên biên đội tàu cá của anh Chiến đánh bắt ở khu vực cách vị trí giàn khoan trái phép khoảng 7-8 hải lý thì bị các tàu của TQ liên tiếp đe dọa, tấn công, buộc ngư dân phải di chuyển ngư lưới cụ ra cách giàn khoan 10-12 hải lý mới thả lưới.
“Khi chúng tôi hành nghề thì các tàu TQ lại ập đến xua đuổi. Mỗi ngày, chúng tấn công tàu ngư dân 2-3 lần” - anh Chiến cho biết.
Anh Nguyễn Văn Cu cho biết thêm, vào rạng sáng 25/5, một đội gồm tám chiếc tàu sắt cỡ lớn có đánh số hiệu từ 11201 đến 11209 tràn xuống, tấn công các tàu ngư dân.
“Các tàu vỏ sắt của TQ cũng di chuyển thành từng tốp. Khi tấn công, chúng thường tách ra, cứ hai tàu kẹp một tàu của ta. Khi các tàu cá của ta thả trôi, dạt đến gần vị trí giàn khoan thì các tàu TQ lập tức xuất hiện, chiếu đèn pha, bóp còi inh ỏi. Ngày nào mình đang làm cũng bị nó bắc loa hú còi, rồi cho tàu chạy sát, kẹp mạn. Anh em đã nhiều lần chạm trán với các đội tàu này rồi nên vẫn bình tĩnh cơ động, tìm cách tránh các đòn tấn công và tiếp tục đánh bắt” - anh Cu nói.
Tham gia giải cứu tàu ĐNa-90152
Trong những ngày đánh bắt trên biển thì căng thẳng nhất là vào chiều 26/5. Lúc tàu ĐNa-90152 (của thuyền trưởng Đặng Văn Nhân) bị tàu vỏ sắt TQ mang số hiệu 11209 đâm chìm thì các biên đội tàu của Đà Nẵng cũng nằm trong sự tấn công của đội tàu sắt này.
Ngư dân Nguyễn Văn Diệu kể lại: Vào khoảng 4 giờ chiều 26/5, một tàu vỏ sắt của TQ mang số hiệu 11206 tấn công tàu cá ĐNa-9051. Thuyền trưởng Chiến cho tàu tăng ga để tránh đòn nhưng tàu này vẫn dí theo. Chỉ một lúc sau, tàu sắt 11206 đã bắt kịp tàu ĐNa-9051. “Chúng chạy áp sát, chủ động va vào thành tàu để kẹp nách, ghè sát. Biết không ổn, tôi giảm ga, định thả trôi thì tàu TQ dùng cần cẩu móc vào ống khói tàu rồi kéo lôi đi” - anh Diệu kể lại và cho hay - “Lúc đó con tàu bị nghiêng hẳn về một bên, có nguy cơ chìm. Toàn bộ phần mạn cabin bên trái, ống khói, bộ dàn đèn bị phá hỏng. Thấy tàu cá chúng tôi đã bị hỏng, tàu sắt của TQ mới chịu dạt ra”.
“Vừa thoát khỏi “móc sắt” của tàu TQ, chúng tôi mới phát hiện tàu của anh Nhân bị đâm chìm. Tôi huy động anh em khẩn trương quay ngoắt tàu lại để giải cứu” - anh Diệu kể tiếp. Ban đầu, chúng truy cản không cho tàu của ngư dân ta tiếp cận cứu người. Nhưng khi thấy các tàu của ta đến quá đông, chúng buộc phải giãn ra. Có khoảng 29 tàu của ta đã bao bọc thành một vòng tròn nhỏ cho tàu cá ĐNa-90508 cứu vớt các thuyền viên, vừa không cho tàu TQ vào tấn công lần hai. Sau đó nhiều tàu của đoàn Quảng Nam cũng vừa tới nơi. “Lúc đó anh em chỉ lo cứu người, không lo sợ gì hết” - anh Diệu nói.
Tâm sự với chúng tôi, thuyền trưởng tàu ĐNa-9051 Lê Văn Chiến khẳng định: “Sau khi vá lại một số chỗ hỏng hóc trên tàu, nghỉ ngơi vài ngày lấy sức, chúng tôi lại lên đường trở lại Hoàng Sa. Đó là ngư trường đánh bắt truyền thống bao năm nay của ngư dân ta nên dù có nguy hiểm, đe dọa, chúng tôi cũng không sợ”.
Chưa tìm thấy ngư dân mất tích sau khi bị đâm chìm trên biển Ông Nguyễn Văn Bích, Chủ tịch UBND phường Nghi Hải, thị xã Cửa Lò, Nghệ An, cho biết: “Đến chiều tối 5/6, lực lượng tìm kiếm cứu nạn cùng người thân vẫn chưa tìm thấy ngư dân Võ Văn Chính (57 tuổi, trú khối Hải Bình, phường Nghi Hải) trong vụ tàu NA-90682 bị đâm chìm trên vùng biển thị xã Cửa Lò đêm 4/6”. Trước đó, ông Chính, ông Võ Văn Tương cùng anh Văn Hải đánh cá trên con tàu mang số hiệu NA-90682TS công suất 45 CV (do ông Tương làm chủ tàu). Khi con tàu trên đang đánh bắt cá trên vùng biển thị xã Cửa Lò, cách bờ chừng 22 hải lý thì một con tàu lớn lao tới đâm chìm xuống biển. Sau khi đâm chìm tàu khiến ba ngư dân rơi xuống biển thì con tàu lớn tăng tốc bỏ chạy. Ông Tương và anh Hải may mắn được tàu đánh cá của ngư dân ở thị xã Cửa Lò phát hiện cứu sống, đưa vào bờ. Còn ông Chính bị mất tích. Ông Doãn Tiến Dũng, Chủ tịch UBND thị xã Cửa Lò, nhận định: “Hiện Hải đội 2 Bộ đội biên phòng tỉnh Nghệ An đã điều hai tàu cùng lực lượng tìm kiếm cứu nạn và ngư dân đang ra biển tìm kiếm ông Chính. UBND thị xã Cửa Lò đã đề nghị Bộ đội biên phòng tỉnh Nghệ An cùng cơ quan chức năng khẩn trương tìm kiếm con tàu lớn đâm chìm tàu ngư dân khiến ông Chính mất tích”. Đ.Lam |