Đời người... đâm hà bá

Ở địa phương nào có vực xoáy sâu đều có những người thợ lặn... huyền thoại. Vực xoáy Ba Kẽm lừng danh trên sông Tiền thuộc ấp Tân Thới (xã Sơn Định, huyện Chợ Lách, Bến Tre) có gia đình ông Trần Văn Mi (thường gọi là Ba Mi) ba đời gắn liền với nghề “đâm hà bá”.

Đời thợ lặn mấy ai giàu có (“Nhất phá sơn lâm, nhì đâm hà bá”), cái nghiệp thì phải theo, đời cha rồi đời con cũng bám lấy cái nghiệp bạc bẽo này...

Mưu sinh trên miệng “hà bá”


Từ thị trấn Chợ Lách, men theo con đường nhỏ chúng tôi tìm đến nhà bác Ba Mi. Mỗi khi gió chướng thổi về, người ta lại thấy bác lặn dưới vàm Ba Kẽm, trục vớt xuồng, ghe hay vớt xác người. Bác Ba Mi kể, thời trai tráng, mỗi ngày bác lặn cả chục hơi, chỉ cần uống một “xị” nước mắm cốt là có thể lặn 5 phút không cần ống thở. Thật ra, không ai chọn cái nghề thợ lặn để kiếm sống trên cái xui xẻo của người khác để... tranh phần với ''hà bá''.

Bác Ba Mi nói: “Nghề này cực nhọc mà cũng rất nguy hiểm, nhưng tui rất đam mê nghề chài rê. Đó là một nghề độc nhất vô nhị ở sông nước Cửu Long”. Chài rê là loại chài lớn, chuyên chài gốc cây, búng sâu ở độ sâu 10 - 20m có nhiều cá hiếm, tôm càng xanh. Người lành nghề thuộc lòng một đoạn sông Tiền dài 30km, biết con nước nào có các loại cá quý hiếm như chẽm, ngát, mè vinh... Người thợ chài sau khi quăng chài phải lặn xuống đáy sông móc gốc cây ra, kéo viền chài rồi mới lên ghe kéo chài lên. “Hồi đó ở đây cá, tôm nhiều vô kể; nhất là thời điểm nước rút tháng 10. Theo những doi vịnh trên sông, mỗi ngày tui chài được từ 40 - 50kg cá. Còn bây giờ, dân mình thường đánh bắt cá bằng xung điện nên sản lượng cá, tép giảm dần. Một số loài cá không còn tồn tại” - bác Ba Mi bùi ngùi.

Hơn 40 năm trong nghề thợ lặn, bác Ba Mi cho biết chỗ sâu nhất con sông này là búng Ba Kẽm với độ sâu 60m. Theo lời bác, vào năm 1995, có một ghe chài chở khoảng 20 tấn gạo đi qua đoạn này bị sàlan đụng chìm, bác lặn cả tuần nhưng không đưa chiếc ghe lên được. Chú Trần Văn Rả  - em thứ tám của bác Ba Mi - nhớ lại: “Chiếc ghe chìm nơi nước sâu nhất của đoạn sông, vật dụng chúng tôi lấy lên được, nhưng không kéo chiếc ghe lên được vì không đủ thiết bị. Có nhóm thợ lặn trên Sài Gòn xuống cũng vớt không được vì không am hiểu khúc sông này, đã vậy còn có một người chết vì đuối sức”.

Chú Tám Rả tiếp lời: “Cũng năm đó, những người đi cắt lúa mướn từ miệt An Giang, Đồng Tháp về ngang đoạn sông Ba Kẽm, do không am hiểu địa hình nên ghe chìm hàng loạt, nhiều phụ nữ không biết bơi chết đuối. Tôi không bao giờ quên được cảnh nhìn thấy người chết đuối cách mình 1m mà cứu không được. Những tiếng kêu cứu vang dội trên sông, rồi cánh tay họ mất hút dần giữa sông nước mênh mông ám ảnh tôi tới bây giờ”.

Đời người... đâm hà bá - 1

Bác Tám Rả đang chuẩn bị dụng cụ đi chài

Cha truyền con nối

Mấy chục năm gắn bó với nghề, sức khỏe bác Ba Mi đã yếu dần. Hiện bác đang mang căn bệnh tim, thường bị tức ngực và ho ra máu. Bác Ba Mi bùi ngùi: “Gia đình tui 3 thế hệ kiếm sống từ sông mẹ, chết cũng vì dòng sông mẹ. Lúc đầu tụi tui chài lưới để kiếm sống qua ngày, thấy người gặp nạn không lẽ làm ngơ, vậy là cái nghiệp thợ lặn tìm vật bị mất hay vớt xác chết... đeo bám mình lúc nào không hay. Anh em tụi tui có chung niềm đam mê là chài lưới. Hiện cá mắm không còn nhiều, nhưng con tôi vẫn muốn nói nghiệp cha. Nghề này nguy hiểm, nhưng tui không ngăn con làm điều mình thích”.

Vàm Ba Kẽm là nơi có dòng nước xoáy mạnh, nơi giao nhau giữa nước ngọt và nước lợ. Chú Tám Rả cho biết, khi phát hiện được những vật cần tìm, người thợ lặn ra hiệu cho ghe dừng lại ở quãng sông đó. Sau đó cởi trần, hít hơi thật sâu, "ực" một ngụm nước mắm cho ấm người, ngậm ống dẫn khí, nhảy "tõm" một cái và mất hút dưới làn nước lạnh lẽo, sâu hun hút. Sau khoảng 10 phút, họ phải ngoi lên mặt nước lấy lại hơi thở. Chú Tám tự hào: “Làm nghề này phải có máu đam mê và liều nữa. Nghề này cũng “kén” người lắm, không dành cho người yếu tim đâu!”.

Người thợ lặn thường bị bệnh ù tai, tức ngực, khó thở. Thợ lặn nào cũng có vài vết sẹo do các loại câu nhọn đâm phải. Anh Trần Văn Khoa (con bác Ba Mi) nói: “Từ nhỏ tôi đã theo cha chài lưới trên sông, từng chứng kiến cảnh cha vớt những chiếc ghe, người chết đuối trên khúc sông này. Nguy hiểm chực chờ, nhưng trong cái nguy hiểm ấy có niềm vui cùng chen lẫn nỗi buồn. Vui vì cứu được người, vớt được đồ vật bị mất trên sông. Buồn vì bất lực không thể cứu được người chỉ trong gang tấc. Nghề thợ lặn dù bạc bẽo, tôi cũng nối nghiệp cha mình đem đến niềm vui cho mọi người”.

Chia tay xóm thợ lặn khi nhiều gia đình đã xuống ghe phăng lưới, cuộn tròn ống dây hơi để chuẩn bị ra sông kiếm cá, lòng tôi vẫn bâng khuâng: Không biết cuộc đời của những người thợ lặn sẽ ra sao giữa sông nước mênh mông...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Lý Kiều (Lao Động)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN