“Đôi mắt thần” hơn 1.200 năm tuổi được dân làng bảo vệ như báu vật
Người dân coi đây như “đôi mắt thần”, mang linh khí của làng nên lập ban thờ để hương khói và bảo vệ nghiêm ngặt.
Hai giếng cổ - “Đôi mắt thần” của làng
Làng quê Bắc Bộ xưa kia ghi dấu đậm nét với hình ảnh cây đa, giếng nước, sân đình. Mỗi làng hầu hết đều có một chiếc giếng làng để làm nơi sinh hoạt chung như tắm giặt, phục vụ sinh hoạt, lễ hội…
Thế nhưng thôn Tam Kỳ, xã Nghĩa Trụ (huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên) không chỉ sở hữu một mà có đến tận 2 chiếc giếng làng. Hai chiếc giếng này có niên đại đã hơn ngàn năm, chiếc cổ nhất hơn 1.300 năm, chiếc còn lại cũng đã hơn 1.200 năm.
Giếng cổ Cổng Đồng hơn 1.200 năm tuổi được người dân thôn Tam Kỳ bảo vệ cẩn thận
Trải qua cả ngàn năm lịch sử, những chiếc giếng làng ở Tam Kỳ vẫn được người dân nơi đây gìn giữ, bảo vệ nên nước trong vắt. Người dân còn lập ban thờ, cúng tế và coi giếng như báu vật của làng. Đến hiện tại, có gia đình vẫn giữ thói quen dùng nước giếng này thay vì dùng nước máy.
Chúng tôi đến thôn Tam Kỳ vào những ngày đầu tháng 9. Như bao làng quên khác, Tam Kỳ cũng bắt đầu đổi mới, đường làng, ngõ xóm đã được trải bê tông phẳng lì. Ngay đầu làng là phế tích của chiếc cổng làng cũ, rêu phong phủ kín nhưng người dân đã mở một con đường mới ở bên cạnh chứ không bắt buộc phải đi qua cổng làng nữa.
Đi thêm khoảng 100m nữa, chúng tôi bắt gặp một chiếc giếng ở ngay vệ đường to. Miệng giếng rộng khoảng 1m, được gác chắn bằng các thanh sắt và đậy bằng một tấm tôn có khoét lỗ nhỏ. Người dân dành riêng một khu đất để quây lại thành khuôn viên, có tường rào, cây cảnh, ban thờ và bảng chú thích lịch sử.
Tấm biển ghi lại lịch sử của giếng do Giáo sư sử học Lê Văn Lan gắn
Trên tấm biển gần giếng đề tên Nhà sử học Lê Văn Lan có ghi: “Giếng cổ Cổng Đồng tuổi đã hơn 1.200 năm, có từ thời nhà Đường (thời Bắc thuộc) đã chứng kiến sự ra đời và biến đổi của quê hương ta, từ thuở có tên gốc là làng Hoa Kiều, chuyển thành Hoa Cầu, thay bằng Huê Cầu, rồi đẹp đẽ giờ đây Xuân Cầu.
Là nguồn nước trong lành, mát mẻ, đầy ắp của cuộc sống và sự thịnh vượng quê hương qua các đời nên giếng không thể bị vùi lấp. Vẻ vang thay. Quý giá thay. Những chí hướng, trí tuệ, tấm lòng và công sức của những ai khôi phục, bảo tồn, tôn tạo nơi “tụ Thủy như tụ Nhân” này”.
Cách chiếc giếng cổ này khoảng 200m là một chiếc giếng cổ khác mà theo người dân, nó có tuổi đời đã hơn 1.300 năm. Chiếc giếng nằm trong khuôn viên của một gia đình, cũng được bảo vệ bằng những thanh sắt và có đậy nắp. Gia đình này hiện sinh sống ở Hà Nội, thỉnh thoảng về quê chơi và vẫn sử dụng nước giếng để sinh hoạt.
Giếng Đình Ba tuổi đời hơn 1.300 năm nằm trong khuôn viên của một gia đình
Từng lấp giếng cổ làm đường đi
Thấy chúng tôi tò mò quanh chiếc giếng, ông Tô Xuân Lực – một người dân thôn Tam Kỳ ra tiếp chuyện. Theo ông Lực, từ khi ông sinh ra đã thấy chiếc giếng tồn tại ở vị trí ấy. Ngày xưa, dân làng ra giếng sinh hoạt, lấy nước về ăn nhộn nhịp mà giếng không khi nào hết nước.
Khoảng hơn 30 năm về trước, một con trâu bị ngã xuống giếng, người dân phải phá miệng giếng để cứu con trâu lên. Cũng sau vụ việc ấy, người dân Tam Kỳ đã lấp luôn chiếc giếng cổ hơn 1.200 tuổi, sau làm đường đi đè lên.
Chỉ khi được nhà sử học Lê Văn Lan về thông tin, người dân Tam Kỳ mới biết được giá trị lịch sử của chiếc giếng nên đã lên kế hoạch khôi phục, gìn giữ và bảo vệ.
Chiếc giếng nằm trong phần đất nhà ông Lực. Khoảng năm 2013, ông đã dành khoảng hơn 10m2 đất của gia đình để dân làng khôi phục lại giếng và xây khuôn viên, lập ban thờ cúng bái “Thần giếng”.
“Biết được giá trị lịch sử của chiếc giếng nên khi biết mọi người có ý định khôi phục lại, tôi sẵn sàng hiến đất cho làng. Đá xanh được mang từ Thanh Hóa về và thuê chính những người thợ Thanh Hóa về khôi phục giếng. Những người thợ khi biết giá trị của chiếc giếng cũng đã không lấy tiền công”, ông Lực chia sẻ.
Ông Đặng Xuân Chính –người làng Tam Kỳ, xã Nghĩa Trụ, huyện Văn Giang, Hưng Yên
Ông Đặng Xuân Chính –người làng Tam Kỳ bỏ nhiều công sức tìm hiểu về chiếc giếng cổ cho hay, giếng cổ tuy không còn nguyên bản nữa nhưng khôi phục lại được là điều rất quý giá và ông rất mừng về điều này.
Theo ông Chính, chiếc giếng hơn 1.200 tuổi còn có tên gọi là giếng Cổng Đồng, còn chiếc giếng hơn 1.300 tuổi tên là giếng Đình Ba. Chiếc giếng Đình Ba cổ và nước còn trong hơn giếng Cổng Đồng. Giếng ngày xưa là nơi sinh hoạt không chỉ một làng mà cả 3 làng ở xã Nghĩa Trụ gồm Tam Kỳ, Phúc Thọ, Lê Cao.
Thế nên người dân nơi đây vẫn truyền nhau những câu thơ: “Giữa làng có giếng đình Ba. Giếng xây bằng đá nước thời trong veo. Tam thôn không có người nghèo. Nếu muốn lịch sử thì theo anh về” hay “Tam thôn ăn nước giếng thơi. Giếng xây bằng đá nước thời trong veo” hay”.
“Người dân đến lấy nước sinh hoạt thường xuyên, có những phiến đá người dân dùng để chà khi giặt quần áo nhẵn thín. Miệng giếng có những phiến đá lõm sâu vào 1-2cm do người dân dùng dây thừng và gầu kéo nước lên…”, ông Chính nhớ lại.
Lòng giếng được xếp bằng những viên gạch và cối đá xanh có kích thước đều liên quan đến con số 7
Có một điều mà ông Chính cũng như người dân Tam Kỳ rất tò mò, đó là những viên gạch và cối đá xếp quanh lòng giếng đều liên quan đến số 7. Gạch có chiều dày 7cm, chiều ngang 17cm và dài là 27cm; cối đá có chiều cao 17cm, đáy 27cm và miệng cối đá úp xuống là 37cm.
-------------------------------
Những viên gạch và cối đá xếp quanh lòng giếng cổ đều liên quan đến số 7 khiến người dân không khỏi tò mò. Mời quý độc giả đón đọc kỳ 2: Bí ẩn về số 7 trong lòng hai giếng cổ hơn 1.200 năm tuổi ở Hưng Yên vào lúc 19h ngày mai (22/9).
Đời sống người dân thôn Đông Cốc đã thay đổi khi nhận được tiền từ việc bán “cụ“ sưa 200 tuổi.